Hãy cho mẹ được làm bạn cùng con

(PLO) - Vừa nghe tôi ngỏ lời, đứa con gái 3 tuổi của tôi vô cùng hồ hởi, ánh mắt ngời hạnh phúc: “Thật nhé, mẹ làm bạn với con nhé”. Kể từ đó, ngoài tình mẫu tử, giữa tôi và con còn có một tình bạn rất ấm áp và bình đẳng.
 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Không chỉ là chuyện của con

“Mẹ ơi, hôm nay bạn Thủy Tiên không chơi với con nữa. Bạn ấy có bạn mới rồi”. Vừa từ lớp mẫu giáo về nhà, con gái đã ôm chầm lấy tôi với đôi mắt đỏ hoe. Chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nhưng tôi cũng ôm chặt lấy con, vuốt ve để giúp con bình tĩnh trở lại. Con gái tôi vốn nhút nhát, sau hơn một tháng nhập học, con cũng chỉ chơi thân với một bạn gái cùng tổ. Nhưng đến hôm nay, theo lời con thì bạn ấy đã  giơ tay “cắt sít” để chơi với một bạn khác.

Lần đầu tiên gặp phải “tình huống vượt ngoài sức tưởng tượng”, con khá hụt hẫng và cảm thấy bị bạn bè bỏ rơi, nhưng con cũng biết kìm chế cảm xúc, đợi đến lúc về đến nhà mới ấm ức kể lại với mẹ. Thương con, tôi áp má con vào ngực mình thủ thỉ: “Hãy cho mẹ được làm bạn cùng con nhé. Từ giờ mẹ con mình sẽ là bạn của nhau, con có đồng ý không?”. Không ngờ, con gái tôi đứng bật dậy, đôi mắt long lanh hạnh phúc: “Thật nhé, mẹ làm bạn với con nhé”. Kể từ đó, ngoài tình mẫu tử, giữa tôi và con gái tôi còn có một tình bạn rất ấm áp và bình đẳng.

Làm bạn cùng con, tôi đã biết đặt vị trí của mình ngang hàng với con; những “mệnh lệnh” hay những hành động ép buộc đối với con cũng dần được tôi thay bằng những lời tỉ tê, giải thích gần gũi. Ngược lại, con gái cũng mở lòng với mẹ hơn, xem mẹ như một người bạn nên con chẳng giấu mẹ chuyện gì, thậm chí con còn xưng “tôi” và gọi mẹ là “bác”. Nếu trước đây, con không chịu ngủ trưa, dùng biện pháp thuyết phục không được, tôi thường dọa nạt để ép con vào quy củ, nhưng nay thì tôi đã có “bảo bối” của mình.

Chỉ cần đưa ra những câu hỏi kích thích sự ham vui của con như: “Thế bạn Nghé có muốn chiều nay chúng mình cùng ra công viên chơi không?”, “Có chứ”, “Ừ thế thì chúng mình cùng đi ngủ nhé. Ngủ cho các bạn mắt được nghỉ ngơi để chiều các bạn ấy chơi được lâu hơn, đúng không nào?”. 

Ngoài làm bạn, nhiều lúc con gái còn đề nghị tôi chơi trò cô giáo - học sinh; bác sĩ- bệnh nhân (dĩ nhiên là con luôn thích được làm cô giáo và bác sĩ). Đôi khi, con còn bắt chước cả giọng của cô giáo ở lớp để “huấn thị” học trò: “Hôm nay móng tay bạn Bảo Lam dài rồi đấy nhé, như thế là rất mất vệ sinh.”. Nói rồi, con lăng xăng đi tìm chiếc bấm móng tay, sau đó nắm lấy bàn tay tôi làm những động tác ra vẻ rất người lớn. Rồi có những buổi trưa, vợ chồng tôi tưởng con đã ngủ say nên thì thào nói chuyện, không ngờ, con gái lên giọng cảnh báo ngay: “Ôi, bạn nào đang nói chuyện như chim ri ấy nhỉ. Có yên lặng cho các bạn khác ngủ không nào?”.

Trẻ con, dù có bắt chước người lớn y như thật thì vẫn là trẻ con. Con gái tôi cũng vậy, tuy rất tình cảm với mọi người nhưng đôi lúc con cũng tỏ ra ích kỷ, nhất là chuyện chia sẻ đồ chơi. Nếu có đồ chơi mới, con chỉ thích chơi một mình. Để sửa tính xấu cho con, tôi mua về một con búp bê rất xinh và giả vờ rất chú ý đến “thành viên mới” này. Thấy đồ chơi đẹp, con gái mon men lại gần, giọng đầy vẻ nịnh nọt: “Ôi, bác có em búp bê xinh thế, cho tôi chơi với nhé?”, “Không đâu, tôi không thích cho người khác chơi chung”. Thấy tôi từ chối, ánh mắt con gái buồn thiu, hết nhìn mẹ lại nhìn sang con búp bê mới.

Không nỡ để con bị tổn thương, tôi nhẹ nhàng: nếu bạn Nghé cảm thấy buồn khi không được người khác cho chơi cùng thì bạn Thỏ hay bạn Muỗi cũng vậy, khi không được bạn Nghé cho mượn đồ chơi, các bạn ấy cũng buồn lắm. Với lại, các em bé đồ chơi cũng sẽ thấy vui hơn khi được nhiều anh chị chơi cùng… Mưa dầm thấm lâu, chỉ sau vài buổi “thực nghiệm” như vậy, con gái tôi đã bỏ hẳn tính ích kỷ mà có đôi lúc tôi nghĩ sẽ rất khó để thay đổi.

Cùng con đi hết cuộc đời

Đến nay con gái tôi đã vào lớp 1, mẹ con tôi vẫn duy trì một tình bạn bình đẳng. Tuy nhiên, không giống như hồi mẫu giáo, gần đây, con gái hay hỏi những câu hỏi tại sao? Tại sao mẹ lại đặt tên con là Khánh Chi mà không phải là Trà My? Tại sao con không phải là con của mẹ bạn Trâm Anh (chỉ vì bạn ấy được mẹ cho tiền mua quà vặt ở cổng trường)? Tại sao con lại là em chứ không phải là chị của anh Cún? Tại sao cứ phải học môn Toán?... Sau những câu hỏi ấy, con đòi đổi tên cho giống với một số bạn gái trong lớp và đề nghị mẹ nói với cô giáo không dạy môn toán nữa.

Ôi chao! Nghe con nói, tôi toát cả mồ hôi. Với yêu cầu được đổi tên hay những thắc mắc về việc “phải làm em”, tôi còn có thể giải thích cho con hiểu, nhưng với riêng việc học toán, dù có thuyết phục thế nào, con gái tôi cũng nhất quyết “Con không thích học toán nữa”. Quả là gay go, điều này hoàn toàn trái ngược với sở thích của con trước đó.

Thì ra, toán mỗi ngày một khó hơn, buộc con phải tính rất kỹ, thậm chí con giơ cả hai bàn tay và bàn chân lên đếm mà vẫn chưa đủ, nhiều lần như thế con đâm nản. Hiểu được điểm yếu của con, tôi đã hướng dẫn con cách làm toán không cần dùng đến các ngón chân và ngồi vào bàn học cùng con như hai người bạn cùng tiến. Chỉ chưa đầy một tuần, con đã không còn ghét môn toán nữa. Nhưng tôi vẫn muốn nhìn thấy sự đam mê của con với môn học này như hồi đầu, vậy là trò chơi bán hàng đã được tôi nghĩ ra mỗi tối.

“Con thấy không, nếu không học giỏi toán thì con không thể cầm tiền đi chợ. Muốn mua chiếc váy đẹp, con cũng phải biết cách trả tiền và nhận lại tiền. Lười học toán, con cũng không thể trở thành cô giáo để dạy cho các em học sinh”. Bây giờ thì môn toán của con gái tôi luôn có điểm 9, điểm 10. Đôi lúc gặp bài tập khó, nghe con nói “Bác có giúp tôi được không?” là tôi hiểu con gái muốn mẹ giảng bài cho con với tư cách một người bạn chứ không phải là một bậc phụ huynh. 

Được làm bạn cùng con, tôi như được sống lại những ký ức đẹp về tuổi thơ của mình. Mẹ tôi hồi đó cũng luôn đồng hành cùng tôi trong các bài tập khó và luôn có mặt trong các “sự cố” để gỡ rối cho con gái của mình như một người bạn chân tình. Mấy chục năm đã qua đi, cứ mỗi lần nghĩ về những trò chơi thời thơ ấu, tôi đều thấy thấp thoáng dáng hình của mẹ. Như con gái tôi bây giờ, hồi đó mỗi lần thấy mẹ có ý không vui, tôi đều níu áo mẹ, tha thiết: “Mẹ vẫn là bạn của con nhé?”. Con gái ơi, mẹ cũng như bà ngoại của con, sẽ luôn đồng hành và nắm tay con đi hết cuộc đời này, con nhé!n

Đọc thêm