Hãy chung tay cùng những chiến sĩ cảnh sát tuyến đầu chống dịch Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thành và đồng đội của anh mong mỏi, mỗi người dân hãy nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống COVID-19, thực hiện đúng quy định, sẻ chia và chung tay cùng lực lượng tuyến đầu để dịch bệnh không còn hoành hành, ngày gần nhất cuộc sống sớm bình thường trở lại....
Các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ trực chốt kiểm tra giấy tờ người đi đường tại chốt Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Mỵ Châu
Các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ trực chốt kiểm tra giấy tờ người đi đường tại chốt Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Mỵ Châu

“Chỉ cần bố cho con thời gian, con sẽ về”

Tan ca trưa tại chốt trên phố Nguyễn Chí Thanh lúc 13h, Thượng úy Cao Văn Quang (Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) tranh thủ về đơn vị ăn cơm.

Thượng úy Quang cho biết, ngay khi nhận được nhiệm vụ thực hiện theo Chỉ thị 17, Công an phường Ngọc Khánh đã huy động tất cả lực lượng không phân biệt là cảnh sát khu vực, trật tự, hình sự để trực tại các điểm chốt, kiểm soát người ra và khu vực nội thành. Mỗi ngày các chốt sẽ chia làm 4 ca, gồm ca từ 6h sáng đến 9h, từ 9h đến 13h chiều, từ 13h đến 6h và từ 18h đến 22h đêm.

"Chia ca như thế nhưng anh em ngày nào cũng làm việc từ 6h đến 22h đêm, khi hết nhiệm vụ trực sẽ đi tuần, rà soát tại địa bàn phường. Chúng tôi "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" lúc nào cũng căng mình chống dịch", Thượng úy Quang chia sẻ. "Kể cả khi tiêm vaccine xong cơ thể còn mệt mỏi nhưng mặc nắng gió, khói bụi, chúng tôi vẫn trở lại ngay với công việc, vì việc thì nhiều mà người có hạn".

Điều Thượng uý Quang luôn đau đáu là sức khỏe bố của mình. Bố Quang già yếu, đang sống một mình ở quê, mới bị tai nạn. Nghe tin ông bị tai nạn, chiến sĩ này vẫn phải gác tình riêng để thực hiện nhiệm vụ.

“Bố tôi cũng là một chiến sĩ, ông chính là tấm gương tôi học tập để trở thành một chiến sĩ tốt. Nghe tin không hay, vốn là muốn gọi điện về hỏi thăm nhưng chính bố lại là người động viên lại tôi. Bố nói, cả gia đình đều quyết tâm, thông cảm cho nhau, cùng nhau vượt qua gia đoạn khó khăn này con nhé”, Thượng úy Quang kể.

Thượng úy Cao Văn Quang, Công an phường Ngọc Khánh thực hiện nhiệm vụ tại chốt Kim Mã. Ảnh: Ngọc Nga.
Thượng úy Cao Văn Quang, Công an phường Ngọc Khánh thực hiện nhiệm vụ tại chốt Kim Mã. Ảnh: Ngọc Nga.

“Tôi là con trai, lại là một chiến sĩ nên không thể tỏ ra mình mềm yếu cũng không biết cách thể hiện tình cảm của mình. Nhưng khi Hà Nội trở lại trạng thái bình thường, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, điều đầu tiên tôi nhất định sẽ làm là về thăm bố", Thượng úy Quang xúc động bày tỏ và nhắn gửi: "Bố yên tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ cần bố cho con thời gian, con sẽ về”.

Phía sau chiến sĩ công an ấy có hậu phương vững chắc. Vợ của Thượng úy Cao Văn Quang hiểu đặc thù công việc, nhiệm vụ của chồng nên luôn ở bên chia sẻ và đồng hành. Có thời gian rảnh, Thượng uý Quang thường gọi điện về cho vợ và hai con nhỏ. Giữa áp lực công việc và sự mệt mỏi do nắng mưa, oi bức, gia đình chính là liều thuốc quý giá tiếp thêm sức mạnh cho anh trong cuộc chiến với COVID-19.

Giấu vất vả trong lòng

Là cảnh sát khu vực tại địa bàn quận Ba Đình đã 10 năm, cũng như các đồng nghiệp, công việc hàng ngày của Thượng uý Nguyễn Văn Ân vốn rất bộn bề. Từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, cảnh sát khu vực được huy động, vừa chốt trực vừa phải đảm bảo nhiệm vụ thường xuyên, anh Ân đã bận càng bận hơn. Với anh và đồng đội, bữa cơm, giờ nghỉ chỉ ráng thực hiện cho nhanh, đủ để duy trì sức khỏe, “cần bát canh ăn với cơm và chớp mắt mươi, mười lăm phút thôi là tốt lắm rồi”.

Chốt kiểm tra giấy tờ người đi đường trên đường Kim Mã. Ảnh: Ngọc Nga

Chốt kiểm tra giấy tờ người đi đường trên đường Kim Mã. Ảnh: Ngọc Nga

Ròng rã ngày nào cũng trực chốt, cơm ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, trên đầu nắng chói chang dưới chân đường cũng bốc nóng, đã hơn 4 tháng Thượng úy Ân chưa về nhà thăm cha mẹ.

Nhưng dù có nhớ nhà, nhớ bố mẹ, mỗi lần gọi điện về quê anh cũng không thể bày tỏ sự mềm yếu, mà chỉ nói "con vẫn ổn và hoàn thành nhiệm vụ". “Tôi sợ nếu thể hiện ra bố mẹ sẽ lo lắng, vậy nên vất vả khó khăn chỉ dám để trong lòng. Tôi còn một em gái làm trong ngành y tế nữa nên dịch này cả hai anh em đều là những người tuyến đầu tham gia chống dịch”, anh Ân giãi bày. “Mỗi lần gọi điện về, bố mẹ đều dặn dò phải cẩn thận, đi làm đeo khẩu trang vệ sinh sát khuẩn. Bố mẹ nói nếu có làm sao người khổ đầu tiên là mình. Nghe thế thôi, nhưng biết bố mẹ lo và thương mình nhiều lắm".

Ước mơ từ nhỏ của Thượng uý Ân chính là trở thành một chiến sĩ công an. Bây giờ khi ước mơ đã trở thành hiện thực, anh phấn đấu thành một người chiến sĩ giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hàng ngày trực chốt gặp nhiều người dân ngoại tỉnh chở hoa quả đến để bán. Nhìn họ lấm lem, buôn bán cực khổ, anh công an trẻ cũng thương cảm. "Tuy nhiên, quy định vẫn là quy định, họ không có giấy theo yêu cầu đành phải bảo họ quay đầu, không được vào thành phố. Không vì du di một vài người mà có thể ảnh hưởng cả cộng đồng", Thượng úy Ân nói.

Trong thời điểm gồng mình đối phó dịch bệnh, hơn bao giờ hết Nguyễn Văn Ân cũng như tất cả chiến sĩ công an đều mong muốn người dân luôn chung tay góp sức đẩy lùi COVID-19, để cuộc sống bình an trở lại.

Chiến sĩ Công an phường Phúc Xá làm nhiệm vụ đưa cơm tới các điểm trực chốt trên địa bàn phường. Ảnh: Ngọc Nga

Chiến sĩ Công an phường Phúc Xá làm nhiệm vụ đưa cơm tới các điểm trực chốt trên địa bàn phường. Ảnh: Ngọc Nga

Vui nhất là được dân tin, dân quý

Cũng là một chiến sĩ cảnh sát khu vực ở quận Ba Đình, Thượng uý Đỗ Thanh Tiệm (công tác tại phường Phúc Xá) cho biết, vợ chồng anh đều trong tuyến đầu chống dịch. Vợ anh làm trong ngành y tế nên đi vắng gần như cả ngày, từ năm 2020, khi dịch bắt đầu bùng phát, gia đình càng có ít thời gian cho nhau, con đành để cho ông bà chăm sóc.

“Nhiều đêm đi làm về muộn muốn gọi nói chuyện với con nhưng sợ con đang ngủ lại không dám gọi, nhớ chỉ biết ngắm nhìn ảnh con. Các con dù còn nhỏ nhưng cũng rất hiểu chuyện, mong bố song biết bố đi làm nhiệm vụ nên không quấy khóc, đòi bố”, anh Tiệm xúc động bộc bạch.

Thượng uý Đỗ Thanh Tiệm làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ người đi đường. Ảnh: Ngọc Nga

Thượng uý Đỗ Thanh Tiệm làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ người đi đường. Ảnh: Ngọc Nga

Là một chiến sĩ, Tiệm vui mừng khi so với những ngày đầu giãn cách, người dân đã có ý thức và tuân thủ đúng quy định hơn. Việc này đồng nghĩa nếu tình hình tốt lên anh có thể về sớm ở bên cạnh gia đình mình.

Hiện địa bàn anh Tiệm công tác có 3 điểm chốt tại chợ cóc Phúc Xá, chợ hải sản Long Biên và khu dân cư tổ 3. Đây là khu vực đặc thù có nhiều người dân thuê trọ, giáp danh giữa chợ Long Biên, bãi bồi thửa sông Hồng. Chính vì thế, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, lực lượng chức năng luôn cần ứng phó linh động, chốt trực ngày đêm sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Xác định tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, Thượng uý Thượng uý Hoàng Xuân Thành (đảm nhiệm cảnh sát khu vực khu dân cư số 6 tại phường Phúc Xá được 2 năm) đã đưa gia đình về quê, một mình ở lại làm nhiệm vụ. "Gần 20 ngày chưa gặp vợ con và không có thời gian để nói chuyện nhiều, nhớ mọi người lắm mà cũng chỉ giữ ở trong lòng”, Thành nói.

Ngoài công việc trực chốt, nắm tình hình nhiệm vụ theo đúng chức năng, anh Thành còn tham gia công tác hậu cần, đưa cơm cho các chốt ngày 2 lần.

Thượng uý Hoàng Xuân Thành làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ người đi đường tại điểm trực chốt. Ảnh: Ngọc Nga

Thượng uý Hoàng Xuân Thành làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ người đi đường tại điểm trực chốt. Ảnh: Ngọc Nga

Những ngày giãn cách xã hội, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội có những lúc lên đến 40 độ C nhưng anh Thành cùng đồng đội vẫn căng mình chốt chặn, kiểm soát người và phương tiện. Các anh đứng liên tục 12 tiếng đồng hồ, thậm chí có ngày 20 tiếng để giữ an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống dịch.

Không chỉ phòng chống dịch, các cảnh sát khu vực vẫn đảm bảo an ninh, trật tự, tích cực tuyên truyền người dân thực hiện đúng các quy định tại địa bàn phụ trách. Thành thông tin, địa bàn anh phụ trách à một trong 3 "điểm nóng" về tệ nạn ma túy của Hà Nội, nên nhiệm vụ càng trở nên áp lực và vất vả hơn rất nhiều.

Niềm vui, động lực lớn nhất của các chiến sĩ Công an là được dân tin, dân yêu, dân quý. Thành xúc động kể, trong quá trình làm nhiệm vụ anh và các đồng chí khác được bà con mời ăn cơm, động viên. Những hành động đời thường ấy khiến những “chiến binh” tuyến đầu này có thêm sức mạnh, vững vàng và kiên cường hơn.

“Ban đầu không tránh được cảm giác quá tải, vất vả vì cảnh sát khu vực thường xuyên phải đi làm buổi tối. Nhưng càng làm thì càng cảm thấy đam mê, hiểu được cuộc sống của người dân, được dân quý hơn nên yêu nghề lắm”, Thành chia sẻ.

Thành chợt lắng lại, nhớ đến chuyện buồn mới xảy ra khi đang thực hiện nhiệm vụ: "Không phải người dân nào cũng có ý thức phòng dịch đâu. Địa bàn phường Phúc Xá liên quan đến chợ Long Biên nên người dân vẫn đi làm vì lo ngại hàng hóa không bảo quản hư hỏng, gây ít nhiều khó khăn cho lực lượng phòng chống dịch. Điển hình là cả tối hôm qua chúng tôi phải đấu tranh với bà con tiểu thương, vì bà con muốn vào chợ lấy hàng ra. Có lúc chúng tôi cũng đối mặt hiểm nguy tính mạng, khi gặp các trường hợp chống đối, quá khích...”.

Bữa trưa ăn vội của 2 chiến sĩ công an tăng cường trực chốt. Ảnh: Ngọc Nga

Bữa trưa ăn vội của 2 chiến sĩ công an tăng cường trực chốt. Ảnh: Ngọc Nga

Rưng rưng thương vợ, Thành thấu hiểu nỗi vất vả và tủi thân khi vợ mới sinh con nhỏ mà không có chồng bên cạnh. Thượng uý Thành tâm niệm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ để góp phần sớm chấm dứt dịch bệnh, để có thể dành 1 ngày về thăm gia đình, vợ con...

Thành và đồng đội của anh mong mỏi, mỗi người dân hãy nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống COVID-19, thực hiện đúng quy định, sẻ chia và chung tay cùng lực lượng tuyến đầu để dịch bệnh không còn hoành hành, ngày gần nhất cuộc sống sớm bình thường trở lại. Ngày ấy là ngày sum họp của các anh với gia đình, cũng là ngày vui chung của người dân Hà Nội, của cả nước.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm