Sau lùm xùm ở Tràng An, Ninh Bình, đoàn Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) kiểm tra và đã có kết luận bước đầu: việc xây dựng trên núi Huyền Vũ (Cái Hạ) là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và vi phạm Nghị định số 109/2017/NĐ – CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Trước đó, theo báo chí, tại khu du lịch Tràng An cổ (xã Trường Yên) Ninh Bình, trên núi Cái Hạ nhiều tháng nay xuất hiện cột bê tông, bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều đáng nói là núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của Di sản đã được UNESCO công nhận. Rất nhiều trụ cột bê tông được dựng lên với hơn 1.000 bậc trải dài từ ngọn núi này qua ngọn núi khác, có chiều dài chừng 1 km. Việc làm này đã xâm hại nghiêm trọng đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới duy nhất ở Việt Nam.
Cũng xin nhắc lại chút rằng, ngày 23/6/2014, tại Doha với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Câu chuyện Tràng An một lần nữa cho thấy mấy mấy đề: 1. Xung đột giữa bảo tồn và phát tiển; 2. Tư duy “bóc lột” di sản nói riêng và cảnh quan nói chung để kinh doanh du lịch đang là “tư duy chủ đạo”; 3. “Văn hóa” khinh nhờn luật pháp có mặt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong công tác quản lý di sản, khó khăn không chỉ đến từ nhiệm vụ bảo vệ nguyên trạng di sản, mà còn phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, để di sản thực sự “sống”, phát huy những giá trị vốn có. Tuy nhiên, điều đáng lo là chúng ta đang thiếu hụt cả tri thức và ý thức bảo tồn di sản. Bảo tồn và phát triển không tự nhiên mâu thuẫn với nhau, điều quan trọng là nhiều địa phương chưa biết cách giải quyết ổn thỏa mối quan hệ đó. Có hai việc quan trọng nhất là lo cho đời sống của người dân trong vùng di tích và phân chia nguồn lợi từ du lịch di sản, làm sao để đồng tiền thu được từ di tích quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn.
Việt Nam là đất nước có nhiều loại di sản được UNESCO công nhận, nhưng sau khi được công nhận, chúng ta loay hoay giải quyết bài toán “bảo tồn và phát triển”.
Người viết bài này đã có dịp đi qua một số nước, trong đó có cả các nước Tây Á, vùng Vịnh. Ra đi mới biết, thiên nhiên ban tặng và lịch sử sáng tạo của ông cha đã để lại cho Việt Nam một đất nước “giàu có” về cảnh quan tuyệt đẹp, trong đó có các danh thắng đã được thế giới công nhận là di sản. Đáng tiếc, chúng ta chưa biết đối xử, trân trọng; tư duy chủ đạo là “bóc lột” di sản cho hiện tại, không nghĩ đó còn là thứ để dành cho muôn đời sau.
Rõ ràng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề còn rất nhiều trăn trở. Chỉ khi hóa giải được những mâu thuẫn nội tại, các di sản mới thực sự phát huy mạnh mẽ những giá trị vốn có.