“Phải làm điều gì đó thật đặc biệt cho bà”
Mới đây, bộ ảnh "Nội tôi mặc váy cưới" của chàng trai trẻ sinh năm 2000 Tạ Công Bằng ở Cà Mau đã khiến dân mạng thích thú với hình ảnh người bà mặc váy cưới trắng, bên cạnh cháu trai trong vai phù rể.
Bố mẹ mất sớm, Bằng ở với bà từ nhỏ nên bà nội là người anh yêu quý nhất. "Ước mơ ban đầu là đưa bà đi du lịch thật nhiều nơi, nhưng bà cao tuổi rồi nên giờ mình chỉ mong đi làm báo hiếu và chọc bà cười mỗi ngày.Hai bà cháu hiếm khi xa nhau quá 3 ngày, tại ai cũng ngóng người kia", Bằng chia sẻ trên trang cá nhân.
Anh cho biết dù làm việc ở Sài Gòn nhưng vẫn thường xuyên di chuyển giữa Sài Gòn và Cà Mau để vừa làm việc, vừa tiện chăm sóc bà.
Biết bà cả đời hy sinh vì chồng con, ngày bà lấy chồng không có váy cưới, bà chỉ được mặc áo dài, nên Bằng quyết định phải làm điều gì đó thật đặc biệt cho bà. Bằng đã lên ý tưởng cho bộ ảnh người bà của mình trong bộ váy cưới thật đẹp.
"Cuối cùng người phụ nữ vĩ đại của cuộc đời tôi cũng đã khoác lên mình bộ váy cưới rực rỡ, tinh khôi. Điều mà tưởng chừng như cả đời bà không nghĩ tới", người cháu viết.
Tiêu chí khi thực hiện bộ ảnh là phải mang đến niềm vui cho bà nhưng không được “lố”, nên chàng trai quyết tâm chọn cho bà chiếc váy cưới thật lộng lẫy, đồng thời không cho bà trang điểm vì "làm vậy mất cả hết vẻ trẻ trung của nội".
"Bộ ảnh được mình đăng lên mạng, bà hơi ngại vì bị mọi người xung quanh xem và trêu là “công chúa”. Nhưng cả lúc chụp lẫn lúc xem ảnh, bà đều vui và tự hào về đứa cháu lắm. Mình còn định in hẳn cả album nữa, cho nội tiện ngắm", Bằng chia sẻ.
"Người già chỉ cần được con cháu yêu thương"
Đó là lời khuyên của bạn bè dành cho Trần Hạnh, sinh viên một trường đại học, khi bạn trẻ này đăng tải hai tấm ảnh về ông bà trên trang cá nhân kèm theo dòng chia sẻ khiến nhiều người xúc động.
Trần Hạnh viết: "Đây là ông bà nội mình. Ông 95 tuổi, bà cũng đã 85 tuổi. Nghỉ Tết, nghỉ lễ xong, cứ mỗi lần rời nhà đi học là ông bà mỗi người lại gọi ra một góc cho tiền. Ông bà già lắm rồi, gom góp được có vài đồng thôi nhưng nhất định phải để dành cho con cháu.
Nhìn đôi tay ông bà run run cầm tờ tiền đưa cho mình mà thấy nghèn nghẹn ở cổ họng. Có thể ông bà không biết cháu mình cần bao nhiêu tiền để trang trải cho cuộc sống ngoài kia, ông bà chỉ cần biết rằng có bao nhiêu là sẽ cho cháu bấy nhiêu. Vì rằng lúc nào họ cũng lo cháu mình không đủ ăn, đủ mặc, lo cháu buồn khi không bằng bạn bằng bè...".
Chỉ sau một thời gian ngắn chia sẻ, bài đăng đã nhận được vô số những lời bình luận đồng cảm từ những người cháu lúc nào cũng nhận được tình thương vô bờ bến từ ông bà. “Tôi cũng từng được bà cho tiền đi học đại học. Lần nào tôi về, bà cũng khóc vì nhớ. Bà nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm. Bà có thể không cho tiền nhưng bao giờ cũng có một túi rau xanh, thêm túi ổi bà trồng. Bà đã mất khi tôi học đại học năm cuối.
Bây giờ tôi rất hối hận vì khi bà còn sống tôi chẳng nói với bà là tôi yêu bà. Vậy nên, những ai còn bà thì ngày ngày dù có bận hãy gọi về cho bà. Người già đôi khi chỉ cần được con cháu yêu thương thôi chứ đâu cần quần áo đẹp hay món ăn ngon...”, một người cháu xúc động viết khi nhớ về bà của mình.
Bức hình khiến ai cũng thấy chính mình trong đó
Trong cuộc đời ai cũng có lúc ngồi trên chuyến xe, chuyến tàu, vẫy tay chào bố mẹ, ông bà của mình để ra đi học hành, lập nghiệp hoặc đơn giản hơn là trở về thành phố sau kỳ nghỉ đầy yêu thương chốn quê nhà. Mới đây, trên mạng xã hội các thành viên nữ chia sẻ với nhau bức ảnh ông bà ngoại chia tay cháu qua cửa kính ô tô gây xúc động.
Bức hình ông bà quyến luyến không muốn rời xa cháu ngoại. Nguồn ảnh FB nhân vật. |
Bức ảnh chụp cho thấy, cả ông bà ngoại cùng tiễn cháu và con gái ra xe. Bà ngoại tươi cười, vẫy tay chào đứa cháu bé; nhưng có lẽ, trong lòng bà ước gì thời gian ngắn ngủi vài ngày trước được trở lại để ông bà, con cái, cháu ngoại lại được sum họp, đoàn tụ. Đứng ở phía xa, ông ngoại đứng nhìn đứa cháu âu yếm. Có thể ông không thể hiện nhiều tình cảm giống bà, nhưng nhìn ánh mắt ấy, ai ai cũng cảm nhận được sự trìu mến đong đầy.
Chỉ sau vài tiếng đồng hồ, bài đăng đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận bởi ai cũng như thấy được chính mình trong câu chuyện đó. “Nhìn ảnh mà chảy nước mắt. Bố mẹ mình về già, chỉ mong được gần con cháu thôi. Đưa con về được vài hôm lại phải rời đi, ông bà buồn lắm, nhưng thương con, thương cháu, ông bà chẳng nói ra đâu”.
“Bây giờ ông bà trở về nhà lại buồn hiu hắt, cứ nghĩ cảnh mấy hôm trước còn đông vui tiếng cười của con cháu, nay nhà lạnh tanh, còn hai ông bà lủi thủi với nhau, nghĩ mà thương”.
“Lấy chồng xa là vậy đó, tủi thân vô cùng, cha mẹ nuôi nấng bao năm lớn khôn, chẳng những chưa báo đáp được lại còn ở xa, chả mấy khi thăm nom, chăm sóc. Cha mẹ thì thương con, nhiều khi ốm đau cũng cứ tự chịu đựng, chẳng nói cho con cái biết vì sợ các con lo lắng. Đúng là trên đời này, chỉ có ông bà, cha mẹ là thương con cái vô điều kiện”.
Khoảng cách địa lý không làm hao mòn tình cảm gia đình
“Quan hệ ông bà - cháu còn gọi là quan hệ thế hệ thứ nhất (ông bà) và thế hệ thứ ba (cháu). Đây là mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Ông bà dạy bảo thêm cho các cháu, giúp đỡ con cái mình trong công việc gia đình, trông trẻ nhỏ, chăm sóc nhà cửa, vườn tược, truyền thụ kinh nghiệm sống, cách ứng xử đúng đắn... Ông, bà là người gần gũi, dìu dắt cháu, chăm nom cháu khi cha mẹ vắng nhà. Đứa trẻ nào cũng được sống trong tình yêu thương ấm áp của ông bà.
Ngược lại, con cháu cũng là chỗ dựa về vật chất và tình cảm cho ông bà, để ông bà sống vui hơn, có ý nghĩa hơn. Trong trường hợp ông bà và cháu không sống chung, mối quan hệ ông bà - cháu không phải mối quan hệ trực tiếp, hằng ngày, ông bà và các cháu chỉ gặp nhau trong những dịp lễ, tết hoặc qua thư từ... Mối quan hệ đó tuy không sâu sắc như mối quan hệ ông bà - cháu sống chung trong gia đình ba thế hệ nhưng tình cảm giữa ông bà và các cháu vẫn là tình cảm gần gũi, thân thiết và là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên...”.
(Trích Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình)