HDTC có văn bản tự nguyện thi hành án

Sau khi có phán quyết của TAND cấp cao tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) đã có văn bản gửi Cục Thi hành án dân sự TP.HCM tự nguyện thi hành bản án đã tuyên…

Tự nguyện thi hành án

Như Báo Công lý đã có loạt bài phản ánh, ngày 10/03/2007, Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam – Hàn Quốc (VK Housing) thành lập gồm 3 thành viên: HDTC, Công ty P&D Korea Co., Ltd (Công ty P&D) và Công ty Lucky Vietnam Construction (Công ty LVC).

Do áp lực về vốn, ngày 04/12/2009, VK Housing ký với DWS Star Bridge Limited Liability (DWS) vay 15 tỷ won. Bên bảo lãnh là HDTC, Công ty LVC, Công ty P&D và cá nhân ông Jong Suk Lee.

Cùng ngày, HDTC, Ngân hàng Woori Bank – Chi nhánh TP HCM và VK Housing có ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất lô đất có tổng diện tích 29.310m 2 của HDTC để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho VK Housing.

Đến hạn trả nợ, VK Housing không có khả năng chi trả. Do đó, các bên đã khởi kiện ra tòa tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Theo đó, Bản án phúc thẩm số 45/2020/KDTM – PT ngày 06/08/2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của VK Housing; Không chấp nhận kháng của DWS; Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 265/2019/KDTM – ST ngày 22/03/2019 của TAND TP.HCM; Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của DWS về việc buộc VK Housing trả cho DWS số tiền 40.725.000.000 won; Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của VK Housing về việc buộc HDTC thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo quy định tại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ của VK Housing.

Đồng thời, HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của HDTC, tuyên bố Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 04/12/2009 giữa HDTC và Ngân hàng TNHH Một Thành viên Woori Việt Nam – chi nhánh TP.HCM với VK Housing vô hiệu, các phát sinh từ hợp đồng thế chấp trên (nếu có) không có giá trị pháp lý.

Ghi nhận sự tự nguyện của HDTC tự nguyện trả cho DWS số tiền 21,3 tỷ won, trong đó vốn 15 tỷ won, lãi 6,3 tỷ won.

Trên cơ sở phán quyết của TAND cấp cao tại TP.HCM, HDTC đã có đơn tự nguyện thi hành án để thanh toán cho DWS 21,3 tỷ won để giải quyết dứt điểm khoản vay của VK Housing mà HDTC là thành viên góp vốn bảo lãnh cho khoản vay này.

Ngày 15/10/2020, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng đã có Quyết định số 263 cho thi hành án đối với HDTC. Quyết định số 263 của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM nêu rõ “ghi nhận sự tự nguyện của HDTC tự nguyện trả cho DWS số tiền 21,3 tỷ won”, buộc HDTC phải thi hành án trong thời gian theo quy định của pháp luật.

Ông Đinh Trường Chinh cho biết: Theo Hợp đồng liên doanh, vốn điều lệ của VK Housing là 23.868.439 USD, HDTC góp 20% vốn điều lệ của VK Housing là 4.773.688,80USD. Đồng thời, HDTC đã nhận của VK Housing số tiền 12.321.063USD. Tổng cộng số tiền HDTC đã nhận được từ VK Housing (bao gồm tiền góp vốn) là 17.094.751,8USD tương đương 397.794.874.386 VNĐ (theo tỷ giá Vietcombank tại thời điểm).

hdtc2.jpg
Dự án The Mark

Hiện tại, Công ty P&D và Công ty LVC đã tuyên bố phá sản theo quyết định của Tòa án quận Trung tâm Seoul. VK Housing còn lại thành viên duy nhất là HDTC. Điều này một lần nữa được khẳng định tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/QĐ – GDDT ngày 03/09/2020 của TANDTC về Tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh. Do đó, với tư cách là thành viên duy nhất còn lại của VK Housing cũng như việc đã nhận thanh toán từ VK Housing với số tiền nêu trên là 17.094.751,8 USD, HDTC đã tự nguyện thanh toán 21,3 tỷ won tương đương 426 tỷ đồng theo Bản án phúc thẩm nêu trên để giải quyết dứt điểm khoản nợ của VK Housing tại DWS.

Đồng thời, việc tự nguyện này cũng khẳng định rằng, HDTC sẽ khước từ toàn bộ quyền tham gia góp vốn của DWS cũng như ngăn chặn mọi kế hoạch về âm mưu đối với quyền ưu tiên mua lại phần vốn góp của Công ty P&D và Công ty LVC đã bị phá sản. Bởi theo Hợp đồng liên doanh, Điều lệ VK Housing và Luật doanh nghiệp năm 2014, HDTC là thành viên ưu tiên số 1 mua lại phần vốn góp này.

Chuyển nhượng vốn góp trái pháp luật

Bên cạnh đó, liên quan đến khoản tiền vay trên, theo Bản án sơ thẩm số 78 ngày 22/1/2015 của TAND TP.HCM về “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh”, trước khi khởi kiện HDTC tại Việt Nam thì DWS đã khởi kiện các bên bảo lãnh là P&D và ông Jong Suk Lee và được Tòa án Seou Hà Quốc xét xử buộc các bên bảo lãnh là P&D và ông Jong Suk Lee có nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm bảo lãnh hoàn trả 15.570.000.000 won cho phía nguyên đơn. Tại phiên tòa, DWS yêu cầu HDTC có trách nhiệm thanh toán 15 tỷ won, tương đương 330 tỷ đồng.

hdtc.jpg
Nguyên Giám đốc Công ty LVC (bên trái) chúc mừng HDTC

Theo đó, TAND TP.HCM nhận định, tại thời điểm DWS khởi kiện HDTC tại TAND TP.HCM, DWS cũng khởi kiện Công ty P&D và ông Jong Suk Lee tại Tòa án trung tâm Seoul Hàn Quốc. Tại đây, Tòa án địa phương Trung tâm Seuol đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty P&D và ông Jong Suk Lee có trách nhiệm thanh toán 15 tỷ won và lãi phát sinh là 570 triệu won.

Do đó, TAND TP.HCM đã đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của DWS đối với HDTC do không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP.HCM.

Ngày 3/2/2015, đại diện DWS làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, đến ngày 29/6/2016, đại diện của DWS nộp đơn xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo đòi HDTC phải trả khoản vay 15 tỷ won cộng thêm lãi.

Đến ngày 28/9/2016, TAND TP.HCM ra Quyết định số 41 “Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại” giữa nguyên đơn là DWS và bị đơn là HDTC.

Sau khi rút đơn khởi kiện HDTC, bất ngờ đến ngày 28/10/2016, DWS có đơn khởi kiện VK Housing ra TAND TP.HCM yêu cầu VK Housing thanh toán nợ gốc là 15 tỷ won và nợ lãi quá hạn tính từ ngày 28/12/2010 đến ngày 28/2/2019 là 25,725 tỷ won, tổng số tiền phải thanh toán là 40,725 tỷ won.

Trước đó, ngày 16/03/2016, căn cứ vào quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án Trung tâm quận Seoul, Quản tài viên đã nhân danh Công ty P&D và Công ty LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty LVC với giá chuyển nhượng 225 triệu won tương đương 4,5 tỷ đồng và Công ty P&D với giá chuyển nhượng 776 triệu won tương đương 15,52 tỷ đồng tại VK Housing cho DWS mà không có bất kỳ thông báo nào cho thành viên góp vốn còn lại duy nhất là HDTC theo quy định tại Hợp đồng liên danh, Điều lệ công ty VK Housing và Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng đã ký, VK Housing đã thay đổi đăng ký doanh nghiệp, thay đổi từ 3 thành viên gồm HDTC, Công ty P&D, Công ty LVC sang 2 thành viên gồm HDTC và DWS. Ngày 21/4/2016, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0305339040 cho VK Housing và Giấy chứng nhận đầu tư số 216333062.

Mới đây, TANDTC ban hành Bản án Giám đốc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của hai đối tác nước ngoài tại VK Housing cho DWS đã làm nức lòng hai Công ty LVC và P&D. Ông Song, Jae yub, nguyên Tổng giám đốc, người sáng lập và là chủ sở hữu Công ty LVC, đối tác trong liên doanh VK Housing đánh giá, với phán quyết nói trên, Toà án  Việt Nam  đã tôn trọng sự thật, bảo vệ lẽ phải.

Ông Song, Jae Yup khẳng định, trước khi Công ty LVC do ông làm chủ bị tuyên bố phá sản, ông đã đề nghị DWS mua lại cổ phần để kế thừa tư cách thành viên tại VK Housing để thực hiện dự án. Tuy nhiên, DWS đã không chấp nhận mà ép Công ty LVC và Công ty P&D phá sản.

Được biết, khi DWS mua xong phần vốn của Công ty P&D và Công ty LCV, đến tháng 3/2016, một doanh nghiệp Trung Quốc là Công ty Sintek Fastners Pte đã qua Hàn Quốc mua lại cổ phần của DWS, đồng thời mua lại quyền đòi nợ của hai Công ty P&D và Công ty LVC. Thương vụ này giúp Sintek Fastners Pte chính thức thành chủ nợ và cũng trở thành chủ sở hữu của DWS.

Theo các chuyên gia pháp lý, DWS chỉ đóng vai trò là chủ nợ, không phải là nhà đầu tư dự án, không phải là thành viên góp vốn nên việc "lấn sân" vào quá trình điều hành, thay đổi tình trạng pháp lý tại VK Housing là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. 

Đọc thêm