Hé lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong vụ nhập Sữa Danlait.

Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội sau khi tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa dê Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã phát hiện nhiều sai phạm. Công ty đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Việt Nam về mặt hàng sữa, trong đó liên quan đến đăng ký chất lượng ghi trên nhãn không đồng nhất, "tự ý bỏ tên sản phẩm là thực phẩm bổ sung", ghi thành sữa.

Với nghi án là sữa gắn mác của Pháp nhưng xuất xứ từ Trung Quốc, sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi do công ty do Công ty TNHH Mạnh Cầm trụ sở ở quận Thanh Xuân phân phối đang là vấn đề nóng bỏng đang được rất nhiều các bà Mẹ quan tâm.

Sau khi báo chí đăng tải nghi án sữa Danlait có nhiều yếu tố sai sự thật trong chất lượng và xuất xứ thì chiều 21/02/2012 chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã vào cuộc và công bố ban đầu về kết quả kiểm tra các sản phẩn sữa của công ty này.

Trao đổi với Vietnam Plus Ông Kiều Đình Cảnh, phó đội trưởng đội 12, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau khi tiến hành kiểm tra các sản phẩm sữa dê Danlait của công ty TNHH Mạnh Cầm tại số 13, ngõ 2 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã phát hiện nhiều sai phạm. Công ty đã không tuân thủ các điều kiện kinh doanh của Việt Nam về mặt hàng sữa, trong đó liên quan đến đăng ký chất lượng ghi trên nhãn không đồng nhất, "tự ý bỏ tên là thực phẩm bổ sung" mà lại ghi là sữa.

"Bản thân công ty đã đăng ký sản phẩm là thực phẩm bổ sung nhưng trên nhãn phụ lại ghi là 'sản phẩm sữa cho trẻ em,' đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng, chủ yếu là đối tượng trẻ em," ông Kiều Đình Cảnh, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường Thanh Xuân cho hay.

Cũng theo kết luận của Đội Quản lý thị trường Thanh Xuân, công ty TNHH Mạnh Cầm cũng chưa hề thực hiện việc kê khai giá và niêm yết giá theo quy định. Hiện nay tiêu chuẩn đối với sản phẩm sữa theo qui định của Việt Nam phải có độ đạm từ 34%, nhưng sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 13%-17,5%.

"Việc này đã khiến chênh lệch giá do hành vi gian dối rất nhiều," lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu rõ.

Cơ quan Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các sản phẩm sữa dê tại trụ sở công ty TNHH Mạnh Cầm (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Cơ quan Quản lý thị trường đồng loạt kiểm tra các sản phẩm sữa dê tại trụ sở công ty TNHH Mạnh Cầm (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Giải thích về những hành vi này, ông Đặng Minh Sang, Phó Giám đốc phụ trách chính về phân phối và bán hàng của công ty Mạnh Cầm giãi bày: việc "bỏ tên" thực phẩm bổ sung hoàn toàn không có dụng ý gì mà chủ yếu là sai sót trong việc ghi tên nhãn mác?!

Theo ông Sang, "việc ghi thông tin này cũng không đến nỗi gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và đặc biệt là sức khỏe của trẻ em," nhưng không giải thích được có hay không đã làm việc với Cục an toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) về chất lượng của loại sữa đang lưu hành...

Trong một diễn biến khác, Trưa nay (21/2), ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết vừa ký và đã gửi công văn tới Đại sứ quán Pháp đề nghị xác minh 1 số thông tin liên quan tới nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm này.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đề nghị phía đại sứ quán Pháp xác minh sản phẩm sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 6-18 tháng tuổi và sữa dê Danlait dành cho trẻ từ 12-36 tháng tuổi của công ty TNHH Mạnh Cầm có phải do công ty FIT của cộng hòa Pháp sản xuất và sản phẩm này có lưu hành trên thị trường Pháp không.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị gửi kèm giấy chứng nhận lưu hành tự do và Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ Pháp đối với mặt hàng này nếu đúng sản phẩm xuất xứ từ Pháp và lưu hành trên thị trường Pháp.

Quyết định này của Cục ATTP thật nực cười vì Trước đó, ngày 20/2, trên trang Thông tin điện tử của Cục ATTP đã ra thông báo  rằng những sản phẩm sữa dê Danlait đã được Cục An toàn thực phẩm Cấp giấy Chứng nhận tiểu chuẩn sản phẩm ngày 17-2 và tất cả các sản phẩm trên khi nhập khẩu về Việt Nam đều đã có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu cho từng lô hàng như  Giấy chứng nhận lưu hành tự do của sản phẩm của công ty FIT (Cộng hòa Pháp) và Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ Pháp (CO).

Tại sao cục ATTP lại có những phát ngôn bất nhất như vậy? Báo PLVN Online sẽ tiếp tục cập nhập thông tin.

Thái Sơn (Tổng hợp)

Đọc thêm