[links()] Tục “nối dây” là tập tục còn khá nặng nề đối với các buôn làng dân tộc thiểu số Việt Nam. Với tập tục này, một khi người mẹ mất đi thì người cha hoặc ở vậy nuôi con hoặc muốn đi bước nữa phải lấy chị hay em vợ mới tiếp tục ở lại gia đình, nuôi con. Nếu muốn đi bước nữa với người ngoài họ vợ thì người cha phải bỏ lại toàn bộ gia sản cùng con cái cho phía họ vợ nuôi rồi trở về với gia đình cha mẹ đẻ nên tục nối dây còn có tên khác là tục “trở về”. Chính hủ tục này đã gây ra nhiều bi kịch gia đình.
Tự tử vì... “xợp”
Ở Việt Nam, tục “nối dây” trước đây rất phổ biến ở các dân tộc thiểu số ở miền Trung, Tây Nguyên. Theo người dân Bru-Vân Kiều, sở dĩ luật tục này có tên gọi là tục “nối dây”, vì ý nghĩa của nó là tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân với nhà chồng. Nếu phụ nữ Vân Kiều nào không tuân theo luật tục thì chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ của mình mà không được mang theo con cái, của cải.
Luật tục ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người Vân Kiều và trở thành một luật tục nghiêm ngặt. Không biết tục nối dây mà tiếng Vân Kiều gọi là “xợp” có từ bao giờ nhưng các thế hệ già làng coi đây như khuôn vàng thước ngọc của tổ tiên, có uy lực tuyệt đối.
Chị Hòn Thị Mắm và anh Hồ Văn Thi lấy nhau được 10 năm và có 2 con trai và 2 con gái. Cuộc sống của anh chị tuy không khá giả nhưng êm đềm hạnh phúc. Cuộc sống yên bình cứ thế trôi đi đến một ngày anh Thi đổ bệnh nặng, chỉ một tuần mà người sọp đi rất nhiều. Đi khám, bác sĩ cho hay anh Thi bị ung thư gan. Sau 2 tháng đổ bệnh, anh Thi qua đời để lại cho chị Mắm 4 đứa trẻ thơ dại. Theo hủ tục “xợp” của người dân Bru-Vân Kiều, chị phải lấy anh của chồng hơn mình 20 tuổi đã có vợ và 5 đứa con.
Không thể chấp nhận cuộc hôn nhân không tình yêu và “chung chồng”, chị Mắm cương quyết không đồng ý. Thấy vậy, ông trưởng bản đe nẹt: “Mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi sẽ về bắt cả bản phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng...
Nếu có chuyện gì xảy ra với bản sẽ phạt chị nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi.” Chị Mắm không ưng cái bụng lấy người anh của chồng, nhà lại không có nhiều con trâu, bò để cúng con ma núi, trong lúc quẫn chí chị đã tìm lá độc để tự tử. Rất may, chị Mắm được bà con trong bản kịp thời phát hiện, cứu chữa nhưng cái “án nối dây” vẫn treo lơ lửng trên đầu chị.
Con mồ côi khi vẫn còn bố
Trong tục “nối dây” còn có quy định nếu muốn đi bước nữa với người ngoài họ vợ thì người cha phải bỏ lại toàn bộ gia sản cùng con cái cho phía họ vợ nuôi rồi trở về với gia đình cha mẹ đẻ nên tục nối dây còn có tên khác là tục “trở về”. Và quy định này đã gây bao bất hạnh cho những đứa trẻ thơ dại.
Tại lễ bỏ mả của H’Oai ở buôn Ma Sung, xã EaBia, huyện Sông Hinh (Phú Yên), người ta thấy bà H’Rét đang khắc khổ địu đứa cháu ngoại mới 12 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên. Ngày bỏ mả cho vợ, cũng là ngày Y Hơn giao lại con cho phía họ ngoại nuôi cùng nhà cửa để trở về quê của mình. “Biết làm gì nữa, tập tục đã vậy. Mình phải về quê”- Y Hơn tâm sự.
Đứa cháu ngủ say trên lưng bà H’Rét không hề biết ngày hôm nay mình đã mất mẹ và mất luôn cả cha. Chưa vơi nỗi nhớ thương con gái vừa mất, nay H’Rét lại phải chứng kiến cảnh con rể bỏ cháu ra đi theo tập tục của buôn làng. “Giờ gắng mà nuôi cháu chứ biết làm sao”- H’Rét ngậm ngùi nói.
Những trường hợp mẹ chết, cha bỏ đi và con phải nương tựa vào nhà họ ngoại là khá nhiều ở huyện Sông Hinh. Chỉ tính riêng ở xã EaBia từ năm 2000 đến nay đã có 25 gia đình bị tan đàn xẻ nghé bởi nhiều người cho rằng tập tục này là không thể vượt qua.
Căn nhà lụp xụp của Ksor H’Sách. 14 tuổi nhưng khuôn mặt cô bé trông già đi nhiều. Mẹ mất cách đây 2 năm, cha về quê lấy vợ khác bỏ lại H’Sách nuôi 4 người em nheo nhóc. “Em chỉ mong một lần ba về thăm chúng em, nhưng từ đó đến nay ba chưa về”- H’Sách cúi mặt giấu những giọt nước mắt. Mẹ mất, cha bỏ về quê lấy vợ khác, chúng trở thành đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ.
Trong thời đại ngày nay, tục nối dây bị coi là một hủ tục, đang dần xóa bỏ. Bởi vì do bị ràng buộc “nối dây” nên sẽ có những cặp vợ chồng "cọc cạch" chồng rất già mà vợ rất trẻ (thậm chí trẻ con) hoặc ngược lại. Và, gây ra bao hệ lụy tới gia đình, trẻ em và xã hội.
* Hiện, Tổng cục Dân số - KHHGĐ Việt Nam đã triển khai mô hình về tuyên truyền để giảm hủ tục nối dây giai đoạn 2011 - 2015. Mô hình này tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Mục tiêu của các mô hình là tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp để loại bỏ những hủ tục trong quan hệ hôn nhân và gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức với nhiều hình thức: vận động, văn nghệ, phát tờ rơi... theo hướng “mưa dầm thấm lâu” để người dân nhận thức được những hệ lụy của hủ tục này và dần xóa bỏ trong cuộc sống. * Theo Điều 2 Phụ lục B, Nghị định 32/2002/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân gia đình với đối tượng là người dân tộc thiểu số có một số hủ tục bị nghiêm cấm, trong đó có tục “nối dây”. Cụ thể, phong tục “nối dây”: khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị hoặc em gái của người vợ quá cố - là phong tục, tập quán lạc hậu, trái với quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, bị nghiêm cấm áp dụng. |
Thùy Dương