Hệ thống giáo dục Việt Nam chậm tiến so với đời thực thế nào?

(PLO) - Học, thi cử, rồi lại học, cho đến khi có được bằng cấp, và khi đi làm, những điều học được ở trường không hẳn là thích hợp với yêu cầu công việc thực tiễn, nhất là với những ngành xã hội. Đây vốn không phải là một thực tế quá gây shock với người Việt Nam. 
Học hành ở nhà trường quá áp lực nhưng lại ít thực tiễn. Ảnh minh họa.
Học hành ở nhà trường quá áp lực nhưng lại ít thực tiễn. Ảnh minh họa.

Mỗi người Việt chúng ta đều chấp nhận thực tế ấy như một chân lý hiển nhiên và miễn là con cái chúng ta cố học để có đủ các bằng cấp, điều kiện thiết yếu để xin việc, thì bất kể việc chúng không đủ kỹ năng để đi làm, cũng đều được chấp nhận.

Điều này dẫn đến kết quả là hết thế hệ trẻ này đến thế hệ khác thiếu thốn các kỹ năng căn bản khi thực sự bước ra xã hội, bước vào mưu sinh. Và đương nhiên, không tránh khỏi sự tụt lùi trong việc tạo ra một đời sống có chất lượng cao mà mỗi người đều mong muốn.

Hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và phổ cập không nên chỉ là cách thức để đào tạo ra những cỗ máy chỉ biết làm việc kiếm tiền.

Hệ thống giáo dục cần phải cung cấp những nhận thức toàn diện bao gồm ý thức công dân, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng làm việc, kỹ năng tư duy và thỏa mãn các nhu cầu kiến thức của mỗi người trẻ. Bây giờ chúng ta sẽ cùng xem xét đến các khía cạnh mà tôi vừa đề cập:

Mỗi đứa trẻ lớn lên, đều sẽ trở thành mỗi công dân. Và mỗi công dân cần biết gì? Họ cần biết về quyền và trách nhiệm của người dân trong xã hội, biết các kỹ năng hành chính căn bản. Sẽ thật tệ hại khi một công dân không biết đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình.

Môn giáo dục công dân ở Việt Nam, xét về mặt giáo trình đã có một bước tiến đáng kể trong việc đưa các vấn đề quyền và trách nhiệm của công dân vào chương trình học. Tuy nhiên, những gì học sinh học được là lý thuyết. Ngay chính trong môi trường học đường, những thực hành thiết yếu về quyền và trách nhiệm của ban giám hiệu, thầy cô, học trò, phụ huynh… đều không hề có.

Điều này có thể là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bạo lực học đường và những xung đột giữa nhà trường và gia đình mà gần đây báo chí thường nhắc đến. Thứ những đứa trẻ cần học, theo tôi, không phải chỉ đơn giản là những bài học đạo đức giáo điều, mà là ý thức tôn trọng pháp luật mà mỗi người trưởng thành xung quanh chúng cũng đều phải thấm nhuần.

Ở một khía cạnh khác, mềm mại hơn, chính là tương tác xã hội giữa người với người. Việc lúc nào cũng chăm chỉ lên lớp và phải hòa đồng với cộng đồng chung không hẳn đã giúp mỗi đứa trẻ trở nên tử tế hơn hay có tính người hơn.

Thậm chí, áp lực hòa nhập mà các nhà trường đang cố áp đặt lên mỗi cá nhân cũng đã lỗi thời so với thời đại mà yếu tố cá nhân được đặc biệt coi trọng như ngày nay. Áp lực này chỉ khiến cho những mâu thuẫn theo lối tẩy chay ngày càng gia tăng, và hơn thế nữa, hệ thống giáo dục không giúp học sinh, sinh viên tương tác mà biến họ thành các cỗ máy vận hành theo tập thể.

Kỹ năng làm việc, kỹ năng tư duy và các nhu cầu kiến thức là những gì dễ nhận thấy nhất ở hệ thống giáo dục của chúng ta. Trong suốt quá trình học ở bậc phổ thông, học sinh chỉ được học những kiến thức trong Sách giáo khoa theo lối thầy đọc trò chép và mỗi học trò phải cố gắng làm sao để hoàn thành các bài thi rồi tốt nghiệp.

Việc này chiếm quá nhiều thời gian của một đứa trẻ. Chúng phải học chính khoảng 4-5 tiếng đồng hồ, rồi sau đó phải học phụ đạo khoảng 3-4 tiếng. Như vậy, một đứa trẻ phải "ngồi lì" trên lớp từ 7 đến 9 tiếng, cứ như người lớn đi làm công ăn lương. Đó là còn chưa kể những lịch học dầy đặc ở nhà riêng của các giáo viên choán hết cả thời gian cá nhân.

Thực tế là, nếu những đứa trẻ không thể đạt mục tiêu điểm chác mà chúng mong muốn bằng việc tập trung học trong quãng thời gian học chính (chứ không phải bao gồm cả phụ đạo, học thêm, và học ở nhà) thì lỗi là do cách thiết kế chương trình học và trình độ giáo viên chứ không phải hoàn toàn do lỗi những đứa trẻ.

Tôi xin được nói thẳng, chương trình học phụ đạo là một hình thức giam cầm học sinh ở trường để bù lấp cho sự quá tải của một chương trình học thiết kế thiếu tính giáo dục, sự kém cỏi của giáo viên, và sự thờ ơ của phụ huynh trong việc giúp những đứa con có được kiến thức và kỹ năng hữu ích. Tại sao phải mất chừng ấy thời gian để giam cầm những đứa trẻ trong bốn bức tường trong khi chúng có thể học hỏi từ Internet, các thư viện, các cộng đồng sở thích…

Tình trạng này có giảm bớt khi trở thành sinh viên, nhưng các sinh viên vốn đã được đào tạo suốt 12 năm trong một môi trường hạn hẹp lại không thể thích ứng được với việc chuyển tiếp từ lối học phổ thông sang lối học đại học vốn cần tập trung vào các kỹ năng làm việc. Và ngay cả vậy, thì các kỹ năng này cũng lỗi thời nhanh chóng trong một xã hội mà cái mới được tạo ra từng ngày.

Nhà trường, với sự chậm tiến như tôi đã đề cập ở trên, thực sự đã trở thành một lực cản lớn đối với xã hội. Nhà trường, đáng lý phải là nơi tạo ra những công dân tốt, những nhân tài sẵn sàng cống hiến cho xã hội thì lại ở mãi trong ảo tưởng các thành tích số lượng học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi. Và thật nực cười, khi một người trẻ thực sự bước vào đời, muốn làm việc tốt, lại cần… quên những gì được học ở trường đi.