Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải có chiều dài 200km phục vụ tưới tiêu cho một số tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Bắc Bộ gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Hệ thống thủy nông này lấy nước từ sông Hồng chủ yếu qua cống Xuân Quan, tiêu chủ yếu qua các cống Cầu Xe, An Thổ (sông Hồng).
Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) năm 2017 cho thấy, trong những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường (TCMT) năm 2019 cho thấy trên 90% các vị trí quan trắc nước mặt trên hệ thống có các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt giới hạn quy định cho chất lượng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi (ngưỡng B1 theo QCVN 08).
Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do hệ thống thủy nông này phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… không được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Đặc biệt, vào mùa khô (tháng 10 - 12), mức độ ô nhiễm gia tăng do hệ thống thủy nông đóng để trữ nước cho tưới tiêu, gây tình trạng nước bị ứ đọng.
Bên cạnh đó, hệ thống còn phải tiếp nhận nguồn nước đã bị ô nhiễm từ các sông khác trong khu vực, như: Sông Cầu Bây Hà Nội; nước từ các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên, sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương... “Thực tế cho thấy, nhiều năm qua hệ thống sông chưa được điều tiết dòng chảy thường xuyên, nhiều đoạn chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy, đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng”, Báo cáo của Bộ TN&MT nêu.
Nước sông Ngũ Huyện Khê không sử dụng được
Ngoài hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, đoạn trước và sau hợp lưu sông Ngũ Huyện Khê cho đến cuối sông Cầu tình trạng ô nhiễm hết sức đáng lo ngại. Theo Bộ TN&MT, đoạn sông này đã bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, nhất là tại các điểm như: Thống Hạ, Hiền Lương và Yên Dũng đoạn giáp ranh hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Một báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang gần đây cũng ghi nhận tình trạng tương tự khi nước sông Cầu, bắt đầu từ đoạn hợp lưu với sông Ngũ Huyện Khê chảy qua tỉnh Bắc Giang thường xuyên có màu đen, mùi hôi thối.
Hiện tượng cá chết xảy ra nhiều tại địa phận các xã: Quang Châu, Vân Trung, Ninh Sơn thuộc huyện Việt Yên và các xã: Yên Lư, Nham Sơn, Tư Mại, Thắng Cương, Đồng Phúc thuộc huyện Yên Dũng với tần suất ngày càng cao, đặc biệt sau những ngày mưa to. Nếu như năm 2016 tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra một lần thì năm 2017 xảy ra 4 lần, từ đầu năm 2018 đến năm 2019 xảy ra 9 lần và 3 tháng đầu năm 2020 xảy ra liên tục.
Với tình trạng ô nhiễm đáng lo ngại, nhưng sông Ngũ Huyện Khê, một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Cầu vẫn đang là nguồn nước cấp chính phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận nước thải của TX Từ Sơn cũng như nước thải của hàng loạt cơ sở sản xuất khác của Bắc Ninh. Trong khi nguồn nước thải tại các làng nghề này hầu hết chưa được xử lý trước khi thải ra con sông quan trọng này.
Kết quả quan trắc của TCMT thực hiện trong nhiều năm tại khu vực này cho thấy, vào thời điểm cuối mùa khô (tháng 3 hàng năm) nước sông thường bị ô nhiễm nặng. Cả 4/4 vị trí quan trắc (cầu Song Thát, Văn Môn, cầu Lộc Hà, cầu Đào Xá) có giá trị các thông số ôxy hòa tan (DO), COD, BOD5, nitrit, amoni đều không đạt QCVN 08 ngưỡng B1 (chất lượng nước dùng cho mục đích tưới tiêu, thuỷ lợi).