Hết thời đổ lỗi cho đánh máy

(PLO) - Vụ xét xử VNPharma đã khép lại một giai đoạn tiếp cận sự thật và mở ra một hướng mới trong việc đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội: Hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung với nhận định phiên tòa sơ thẩm đã để lọt người, lọt tội, lọt cả tang vật tiền bạc lẽ ra phải thu hồi và đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các cá nhân liên quan.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - giám đốc công ty CP VN Pharma đã bật khóc nức nở tại tòa.

Sự hủy án này đã mang lại niềm tin cho rất nhiều người rằng cái ác cần phải được trừng phạt một cách đích đáng. Hơn nữa, những người tiếp tay cho cái ác thì không thể vô can, đến Tòa như những nhân chứng ngoài cuộc và ra sức bao biện cho các hành vi sai trái của mình bằng sự khẳng định “quản lý đúng quy định, đúng quy trình”. Hy vọng, khi cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ và Tòa tuyên một bản án đúng người, đúng tội thì cái bùa chú “đúng quy trình” sẽ hết thiêng và những ai dùng lá bùa này để che chắn sai phạm của mình sẽ không còn lớn tiếng, lên giọng về cái gọi là “đúng quy trình” nữa!

Tương tự như “đúng quy trình” là nghệ thuật đổ lỗi cho “cậu đánh máy”. Tình trạng này thông dụng đến nỗi mà ngay cả nhà trường tiến hành lạm thu, in ra những danh mục đóng tiền khi bị dư luận phanh phui cũng đổ lỗi tại “đánh máy”. Ngay cả những quyết định ban hành trái luật cũng cho rằng đó là “lỗi đánh máy”. 

Mới đây nhất, vụ Khaisilk bán hàng lụa Tàu mà đổ lỗi cho nhân viên là do dịp 20/10 nhiều khách đặt hàng, nhân viên không may kịp phải mua khăn lụa Trung Quốc thế vào. Cái giải trình đã làm sống lại tình trạng đổ lỗi cho “thằng đánh máy” vì cách hành xử, lời giải thích tương tự nhau. Việc vạch rõ bản chất của sự bao biện như thế này hẳn sẽ giúp cho tình trạng đổ lỗi cho đánh máy sẽ không còn nữa, nó chỉ còn có tác dụng gây cười thôi!

Một lĩnh vực khác, vĩ mô hơn rất nhiều và là tâm điểm của cuộc cải cách bộ máy hệ thống chính, đó là tinh giản đội ngũ và tinh gọn bộ máy. Thực trạng là càng chủ trương thu gọn thì càng phình to, tìm người quy trách nhiệm thì rõ ràng là Bộ Nội vụ quản lý lĩnh vực này. Bộ không đổ lỗi cho “đánh máy” nhưng đưa ra một cách lý giải khá sát tình hình, đó là tình trạng “quýt làm, cam chịu”. Bởi, do các quy định, việc phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương mà việc phình to Bộ Nội vụ không kiểm soát nổi. Lại một ví dụ nữa về sự “đúng quy trình” thấy rõ ràng là không đúng với chủ trương mà vẫn là đúng, bởi chẳng làm gì được trước tình trạng này.

Việc đổ lỗi loanh quanh dường như đã hết thời bởi các hành động quyết liệt, áp dụng “bàn tay sắt” trong các lĩnh vực quản lý cụ thể, đặc biệt là trong việc thi hành pháp luật, chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực và việc đổ lỗi loanh quanh không còn đất sống.