Nước ngầm cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác là hữu hạn. Việc khoan giếng phục vụ mục đích sinh hoạt cá nhân không bị pháp luật cấm, nhưng khoan giếng, sử dụng nguồn nước ngầm vào mục đích kinh doanh cần phải tuân thủ những nguyên tắc pháp luật đã quy định.
Báo động tình trạng khoan giếng tự phát
Do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng nguồn nước rất lớn. Những năm gần đây nguồn nước mặt ở các ao hồ, sông, suối đang ngày càng cạn kiệt, không đủ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp nên số lượng giếng khoan, đào để lấy nước ngầm phục vụ việc tưới tiêu càng gia tăng. Không ít người cho rằng, đó là nguồn tài nguyên vô tận, không có ý thức tiết kiệm.
Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm từ 10m3/ngày trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân không hề biết đến quy định này, một bộ phận khác dù biết nhưng cố tình “lờ” đi bởi hầu hết họ quan niệm “khoan giếng nước trên đất nhà mình chẳng ảnh hưởng đến ai thì không vì lý do gì phải xin phép”.
Theo tìm hiểu của PV, khi có nhu cầu khoan giếng, khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt, các hộ gia đình chỉ cần gọi theo số điện thoại dịch vụ khoan giếng hoặc tự mua máy bơm nước để hút nước lên và thuê một vài thợ có tay nghề về khoan giếng.
Theo thông tin trên trang web của một dịch vụ chuyên khoan giếng hơn chục năm ở Hà Nội, giếng khoan có công suất từ 0,6 - 1,2m3 /h, khoan sâu từ 20 – 80m, thì có giá thành dao động từ khoảng 3 – 20 triệu/giếng (tuỳ vào tầng địa chất, tuỳ theo nhu cầu sử dụng của hộ gia đình). Quá trình khoan giếng thường chỉ mất từ 5-6h để thi công, có thể hoàn thành trong ngày.
Ngoài các gia đình đông người, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cơ quan ít nhân viên, công trường thi công từ 20-30 công nhân… cũng có thể hưởng lợi từ việc khai thác nguồn nước ngầm qua giếng khoan. Nguồn nước ngầm hiện đang bị các tổ chức và cá nhân khai thác một cách vô tội vạ và lãng phí. Trong khi đó, việc quản lý Nhà nước nguồn tài nguyên này còn khá lỏng lẻo.
Đơn cử, một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ phổ biến hiện nay cần rất nhiều nước sạch là kinh doanh rửa xe máy, ô tô. Chỉ trong địa bàn Hà Nội, có thể thấy nhan nhản các bãi rửa xe lớn nhỏ tại các tuyến phố lớn như Cao Bá Quát, Phạm Hùng, Nguyễn Khánh Toàn, Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Láng, Nguyễn Xiển, Tố Hữu… cho đến các tuyến phố nhỏ như: Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Cổ Nhuế… Được biết, có hàng ngàn điểm rửa xe trên địa bàn Hà Nội. Đặc điểm của loại hình kinh doanh này là vốn ít, dễ làm nên chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ.
Các điểm rửa xe máy, ô tô thường sử dụng rất nhiều nước sạch hàng ngày, thậm chí đến mức lãng phí nhưng ít thấy trường hợp nào bị xử lý vì hành vi lãng phí nước sạch. Nước thải từ rửa xe có chứa đất, cát, dầu,… thường được xả thẳng ra môi trường, không thấy một biện pháp xử lý nào.
Cụ thể, một chủ tiệm rửa xe chia sẻ, thông thường để rửa sạch một chiếc xe máy thường mất hơn 100 lít nước, nếu rửa ô-tô thì phải tiêu tốn nước gấp mấy lần. Nguồn nước để rửa xe thường là nước mưa, nước máy và nước giếng khoan. Trong đó, nguồn nước giếng khoan thường khó quản lý nhất.
Tình trạng này không chỉ thấy ở Hà Nội mà hầu hết ở các làng xã trong các tỉnh thành, đều có thể thấy hàng trăm giếng khoan, giếng đào nằm khắp các cánh đồng và trong khu dân cư để bơm nước ngầm tưới cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt của các gia đình.
Phần lớn là giếng khoan tự phát, không xin cấp phép từ chính quyền địa phương. Điều này không chỉ cản trở công tác thống kê số lượng công trình giếng khoan trên địa bàn mà còn gây khó khăn cho quá trình quản lý nhà nước, quy hoạch tài nguyên nước ngầm để có định hướng, kế hoạch khai thác hợp lý.
Vì sao khó quản lý?
Công tác quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là tài nguyên nước ngầm đã được Nhà nước quan tâm từ lâu, thông qua nhiều văn bản pháp luật như Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 201 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất...
Tuy nhiên, để quản lý tốt nguồn tài nguyên nước ngầm, sự nỗ lực của các bộ, ban, ngành là chưa đủ, còn cần sự hỗ trợ và ý thức tự giác của mỗi người dân. Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Thực tế cũng cho thấy, việc khai thác nguồn nước ngầm ở nhiều địa phương khó quản lý, khó kiểm soát. Các nguyên nhân được đưa ra là do nhiều người đã sử dụng giếng khoan từ lâu năm; nhiều người sử dụng nước chưa nắm được quy định phải đăng ký, xin cấp phép; số khác tìm mọi cách để “phớt lờ” quy định; trong khi đó, khâu quản lý ở cấp huyện, xã còn lỏng lẻo; địa bàn rộng, lực lượng chuyên môn mỏng; chế tài xử phạt đối với các đối tượng vi phạm còn hạn chế…
Mặt khác, do nguồn nước được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các nơi và giữa các mùa nên nhu cầu khai thác nước ngầm từ giếng khoan cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Ví dụ, nguy cơ thiếu nước vào mùa khô khiến họ phát sinh nhu cầu khoan giếng cao hơn.
Hiện nguồn nước ngầm ở nhiều nơi
trên cả nước, đặc biệt tại các đô thị như Hà Nội, Sài Gòn, đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Đây chính là nguyên nhân thành phố Hà Nội đã đưa ra quy hoạch từ nay cho đến năm 2050, việc khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm sẽ giảm dần, thay và đó là nguồn nước khai thác từ các nhà máy nước mặt, giúp 100% người dân được sử dụng nước sạch.
Quan trọng hơn hết, ngành cấp nước thành phố, địa phương phải nâng cao chất lượng nguồn nước, bảo đảm lưu lượng và áp lực nước đến người dân, doanh nghiệp để tạo tâm lý tin tưởng cho người sử dụng. Điều này sẽ khiến họ tích cực tham gia vào các chủ trương của Nhà nước (từ hạn chế tiến tới cấm khai thác nước ngầm), cũng như tự giác từ bỏ thói quen dùng giếng khoan tự phát.
Thiết nghĩ, nước ngầm cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, là hữu hạn. Khi nguồn nước mặt không đảm bảo được chất lượng thì nước ngầm là nguồn tài nguyên quý giá để chúng ta tiếp tục sử dụng phục vụ cuộc sống, hoạt động kinh doanh thường ngày.
Nếu các tổ chức, cá nhân, các đơn vị kinh doanh chưa ý thức được điều này thì trong tương lai, khi nguồn tài nguyên dự trữ này cạn kiệt, chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của thói quen khai thác nước ngầm bừa bãi, vô tội vạ của hiện tại.
Ý thức bảo vệ tài nguyên nước ngầm còn rất hạn chế
Năm 2019, TP. Hồ Chí Minh đã cảnh báo việc khai thác nước ngầm là nguyên nhân gây sụt lún đất, làm nền hạ yếu, sử dụng lâu dài sẽ không bảo đảm sức khỏe cho người dân; đồng thời đưa ra kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật.
Cụ thể, thống kê cho biết trên địa bàn thành phố có khoảng một trăm nghìn giếng khoan lớn nhỏ, phần lớn là giếng khoan của các hộ gia đình với lượng nước khai thác gần 700.000m3 nước/ngày đêm. Các cơ quan chức năng của thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất còn 100.000m3 /ngày.
Dù vậy, trong quá trình đơn vị cấp nước thực hiện trám lấp, không ít hộ dân không mấy nhiệt tình ủng hộ và thiếu tự giác với chủ trương lấp giếng của thành phố. Một phần đến từ thói quen sử dụng giếng khoan lâu năm, một phần vì lo lắng chất lượng nguồn nước thành phố chưa ổn định nên muốn có nguồn cấp nước dự phòng.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố nhận định, mặc dù giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương thực hiện công tác rà soát thống kê, tuyên truyền vận động người dân không sử dụng nước giếng khoan và phối hợp cùng cơ quan chức năng trám lấp giếng nhưng vẫn còn nhiều địa phương thờ ơ với chủ trương này.