Những năm qua, tình trạng xuống cấp của các biệt thự Pháp cổ là câu chuyện thường xuyên được ngành kiến trúc và xây dựng nhắc tới.
"Sống trong sợ hãi" ở biệt thự trăm tỷ.
Trên toàn TP. Hà Nội có khoảng 1.600 ngôi biệt thự cổ, có tuổi đời từ trên 60 năm đến 100 năm. Trong đó 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, gần 1.100 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước (biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo nằm trong số này). Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, các biệt thự này chủ yếu nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Phần lớn được xây từ thời Pháp nên có hình dáng kiến trúc kiểu Pháp.
Theo quy định, những biệt thự cổ có giá trị về kiến trúc, mỹ thuật được đưa vào nhóm 1: Khi cải tạo, phục hồi, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của công, không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu của công trình, việc cải tạo, phục hồi phải được cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng. Chính vì thế nên hầu hết những người dân đã sở hữu biệt thự cổ đều chấp nhận sống chung với tình trạng xuống cấp của căn nhà.
Đó là chưa kể ở Hà Nội, có những biệt thự cổ, xuống cấp nhưng lại là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình nên việc cải tạo rất khó khăn.
Do số lượng có hạn, lại nằm ở vị trí rất đẹp nên giá biệt thự cổ ở Hà Nội rất cao. Đặc biệt những biệt thự cổ ở những phố như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng có giá từ 500 - 800 triệu đồng/m2. Giá cao như vậy nhưng khi mua và sống ở những biệt thự cổ này, chủ sở hữu phải tuân theo những quy định gắt gao về việc cải tạo.
Tháng 7/2013, HĐND TP. Hà Nội cũng đã ra nghị quyết, trong đó nêu rõ biện pháp thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định. Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 1.100 nhà chung cư cao 4 - 6 tầng. Đặc biệt có 10 khu nhà cũ (1 - 3 tầng) và 460 chung cư cũ nát có tuổi trên 30 năm.
“Di sản” bị báo động.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến được biết, hầu hết các biệt thự tại phố Trần Hưng Đạo đều được người Pháp xây từ những năm cuối thế kỷ XIX. Ngôi biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo là một trong nhóm 382 biệt thự Pháp cổ thuộc loại 2, được chính quyền tiếp quản sau 1954.
Phố Boulevard Gambetta (tên cũ của Trần Hưng Đạo) được hình thành ngay từ năm 1888, sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa. Đó là con phố đầu tiên nằm trong kế hoạch mở rộng khu vực sinh sống của người Pháp về phía Nam thành phố. Do đó, có nhiều cơ sở để tin rằng biệt thự bị sập là một trong những tòa nhà Pháp cổ có tuổi đời cao nhất.
Người Pháp khi xưa xây dựng không sử dụng kết cấu bê tông đổ liền như hiện nay. Rất nhiều biệt thự chỉ có tường gạch, kết hợp với với thanh sắt chữ Y làm trụ cài. Kết cấu này là hợp lý với giá trị sử dụng khi đó. Còn cách khai thác sau này lại đặt các biệt thự vào tình trạng quá tải về công năng và nhanh xuống cấp theo thời gian.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 1.586 biệt thự xây dựng từ thời Pháp thuộc, trong đó có 562 biệt thự tư nhân đang sử dụng, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó, rất biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, bị cơi nới, lấn chiếm và biến dạng. Do vậy, các biệt thự Pháp cổ thường có một đặc trưng: tường và các công trình chịu lực rất mau bở, mủn và chịu tải kém.
Cũng theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, vào đầu những năm 1990, ngành địa chính Hà Nội đã từng đề xuất dự án chỉnh trang, cải tạo các biệt thự có kiến trúc châu Âu cổ điển. Theo dự án này, các hộ dân đang chia năm, xẻ bảy biệt thự sẽ được bố trí quỹ đất để di dời. Đồng thời, các biệt thự cũ nát, xuống cấp cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo lại để bán, cho thuê hoặc sử dụng vào mục đích văn hóa.
Tuy nhiên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn và vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo đã chính thức trở thành một câu hỏi về tính an toàn khi sử dụng./.