Hiện tượng kỳ lạ quanh giếng Tiên giữa làng đảo Vân Đồn

(PLO) -Ông Hoàng Thế Yên, một người dân sinh sống lâu năm ở đảo Cái Làng, cho biết, giếng Tiên còn ứng với hiện tượng tự nhiên kỳ lạ. Ông nói: “Nhiều lần để ý, tôi thấy lớp rêu trong giếng bện chặt lại với nhau như cái ống, chỉ vài tiếng sau là trời mưa to”. 
Giếng Tiên ở làng Liễu Mai

Nằm giữa trung tâm đảo Cái Làng (thuộc xã Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh) giếng Tiên hay còn gọi là giếng rùa vàng được cho là đã hàng nghìn năm tuổi, gắn liền với giai đoạn lịch sử đầu tiên khi con người đặt chân lập địa ở vùng đất này. Giếng còn được coi là một trong những chứng tích còn sót lại ở thương cảng Vân Đồn xưa.

Giếng nước ngọt sát biển

Tương truyền đảo Cái Làng trước có tên gọi là làng Liễu Mai trung tâm thương cảng cổ của Vân Đồn. Dân cư của làng từ nhiều vùng khác nhau di cư đến đảo sinh sống. Họ sinh sống tập trung dọc hai bên núi Vân, công việc gắn liền với nghề chài lưới. Nguồn nước sinh hoạt ở làng Liễu Mai chỉ nhờ vào một giếng nước nhỏ quanh năm không bao giờ cạn. 

Dân cư đến đây ngày một đông, thuyền bè nhiều vùng ra vào đảo ngày một tấp nập. Thấy thế, năm 1149, vua Lý Anh Tông cho thành lập trang Vân Đồn trung tâm là làng Liễu Mai để buôn bán với người nước ngoài. Từ đó, các tàu buôn khắp nơi đổ về Liễu Mai buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày một đông. 

Các thuyền buôn khi rời cảng đều không bỏ qua việc lấy nước ngọt để dự trữ cho chuyến hành trình tiếp theo. Điều đáng nói là nguồn nước ngọt cung cấp cho các tàu buôn cũng chỉ có duy nhất ở giếng làng Liễu Mai. Thuyền bè đi qua vùng này đều ghé qua làng để lấy nước ngọt.

Ông Phạm Quốc Duyệt, người nắm rõ lịch sử đảo Cái Làng kể: “Các cụ trong làng trước kia cũng nói thời gian đầu dân trên đảo cũng làm nhiều giếng để lấy nước ăn nhưng cũng chỉ được vài tháng các giếng tự nhiên cạn nước.

Mọi người trong làng đi tìm nguồn nước để dùng, tìm rồi lại làm giếng nhưng cũng chỉ đủ dùng một thời gian. Cũng trong một lần đi tìm nguồn nước dân mới phát hiện sát biển có mạch nước ngọt, mọi người mới đào xuống thấy nước chảy rất mạnh, tìm thấy nguồn nước dân làng vui mừng.

Một người dân cho biết  giếng Tiên có nhiều hiện tượng kỳ lạ

Từ đó làng không còn phải lo nước ăn. Khi thành lập thương cảng tàu buôn ra vào đông đúc và nguồn nước ngọt các tàu buôn lấy cũng từ giếng nước của làng vì bao quanh vùng không đâu có nước ngọt”.

Giếng nước nằm ngay sát biển, chỉ cách mép nước mặn vài bước chân. Nước biển thường xuyên dâng cao nhưng nước trong giếng không hề bị nhiễm mặn. Mực nước trong giếng cũng không bị thay đổi dù trời nắng hạn hay mưa gió.

Ông duyệt cho biết thêm: “Giếng nước có độ sâu chưa đến 2m. Dưới đáy giếng là lớp đá trắng mềm. Qua biến thiên của thời gian giếng vẫn giữ nguyện hiện trạng như ban đầu. Khi dân cải tạo lại giếng mới phát hiện có mạch nước ngầm bắt nguồn từ đỉnh núi”.

Ông cũng cho hay, giếng nước này là nguồn nước ngọt duy nhất cho bà con sinh sống trên đảo. Nhiều năm nơi đây xảy ra hạn hán, khô hanh nhưng giếng nước không hề cạn, thuyền chài các nơi đều ghé qua đảo để lấy nước ngọt. Về sau thương cảng không còn tấp nập, người dân mới di cư sang vùng khác để sinh sống, số ít bám trụ ở đảo

Sự tích giếng Tiên

Xoay quanh giếng cổ ở đảo Cái Làng cón có biết bao thần tích huyền bí. Người dân vùng đảo còn tương truyền, sau khi đào giếng xong một thời gian sau trong giếng xuất hiện một con rùa vàng sống ở kẽ đá. Thi thoảng mọi người mới thấy rùa ngoi lên khỏi mặt nước. Dân trong vùng không ai dám bắt hay đụng đến, họ cho rằng đó là rùa thần cai quản giếng nước.

Thương nhân từ khắp nơi đổ về đây buôn bán, trao đổi hàng hóa nhìn thấy rùa vàng xuất hiện ở giếng nước, họ bảo đó điểm lành cho người dân trong vùng. Con rùa ở trong giếng nước được cho sẽ tạo ra sinh khí tốt cho dân làng, hơn nữa trong vùng sẽ là nơi sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước. Thấy thế bà con trong vùng mới truyền tai nhau câu chuyện rùa thần ở giếng. 

Bẵng đi một thời gian người dân không thấy rùa vàng đâu nữa, người nọ hỏi người kia. Sau đó có tin đồn một thầy phong thủy đã yểm chết rùa vàng trong giếng.

Nói đến tích rùa vàng, ông Duyệt nói thêm: “Dân trong vùng ai cũng biết đến tích rùa thần ở giếng. Bà con ai cũng coi rùa là rùa thần, rùa bảo vệ người làng được bình yên. Hơn nữa nơi đây có nhiều nhân tài, vị tướng cai trị vùng biên ải cũng đều bắt nguồn từ vùng đảo này, họ cho rằng rùa thần ở giếng chính là vị thần tạo ra nhiều nhân tài ở đảo”.

Ngoài tích rùa vàng ở giếng, người dân trên đảo còn lưu giữ câu chuyện liên quan đến giếng nước gắn liền với nhan sắc của người phụ nữ nơi đây. Ngoài tên gọi giếng rùa vàng, giếng còn tên gọi khác là giếng Tiên.

Xuất phát từ việc người phụ nữ ở làng Liễu Mai dùng nước giếng này sẽ trở nên xinh đẹp như một nàng tiên. Phụ nữ ai dùng nước giếng để tắm sẽ có làn da trắng hồng, dùng nước gội đầu thì mái tóc sẽ dài và óng mượt. Chính vì giếng nước còn nổi tiếng khắp vùng qua hai câu ca dao: “Khi đi tóc mới ngang vai, gội nước giếng Hiệu (Giếng Tiên) tóc dài ngang lưng”.

Câu ca dao ở giếng Tiên

Giếng nước “dự báo thời tiết”

Điều huyền bí đến nay vẫn chưa được giải đáp về bí ẩn giếng nước “biết gọi” mưa. Theo người dân, khi nước trong giếng xuất hiện những  hiện tượng kì lạ cũng là lúc đất trời trên đảo sẽ có sự thay đổi về thời tiết. Mọi người chỉ cần nhìn qua nước trong giếng là có thể dự đoán được mưa gió.

Ông Hoàng Thế Yên, một người dân sinh sống lâu năm ở đảo Cái Làng, cho biết, giếng Tiên còn ứng với hiện tượng tự nhiên kỳ lạ. Ông nói: “Nhiều lần để ý, tôi thấy lớp rêu trong giếng bện chặt lại với nhau như cái ống, chỉ vài tiếng sau là trời mưa to”. 

Ông cũng cho biết thêm, người dân trong vùng cũng hay tát nước cho giếng sạch, tát xong mấy phút sau nước giếng lại đầy như cũ. Lạ kỳ trong vòng ba ngày sau trời tự nhiên đổ mưa rất to. Về sau người làng cho rằng giếng Tiên “biết gọi” mưa.

Ông Yên nói : “Mỗi đợt xảy ra nắng nóng, trời hay khô không có mưa, dân trong vùng lại bảo nhau đi tát nước giếng Tiên thì trời sẽ mưa. Nhiều lần hạn hán khô hạn không có nước cấy lúa, bà con lại đi tát nước giếng. Giếng tát xong chưa đầy ba hôm trời sẽ đổ mưa to, đồng ruộng ngập trắng nước, dân trong vùng bảo nhau giếng nước là vị thần gọi mưa giúp bà dân chống hạn”.

Xung quanh hiện tượng kỳ lạ ở giếng Tiên, gia đình anh Hùng, hộ dân duy nhất hiện còn sinh sống ở đảo Cái Làng, cho biết hàng năm cũng có nhiều đoàn sang đây lễ bái gửi gia đình anh nuôi hộ rùa, cá chép. Rùa và cá chép để thả xuống giếng, sau khi làm lễ xong thả xuống nhưng chưa đầy vài tiếng rùa và cá đều bị chết. 

Anh Hùng kể: “Gần đây trong thời gian tôn tạo lại giếng Tiên, có đoàn cũng gửi gia đình nuôi một con rùa và cá chép vàng để thả xuống giếng. Gia đình có nuôi giúp nửa tháng, sau khi giếng được tôn tạo xong họ xin lại để làm lễ rồi thả rùa và cá xuống giếng. Nhưng vừa thả rùa và cá xuống chỉ vài tiếng sau cá và rùa đều bị chết, trong khi đó rùa và cá đều khoẻ mạnh, nước giếng rất sạch”.

Nhiều hiện tượng kỳ lạ cùng câu chuyện bí ẩn quanh giếng Tiên ở làng Liễu Mai vẫn được người dân lưu giữ kể lại cho đời sau.

Ông Yên cho biết, người dân trong vùng cũng hay tát nước cho giếng sạch, tát xong mấy phút sau nước giếng lại đầy như cũ. Lạ kỳ trong vòng ba ngày sau trời tự nhiên đổ mưa rất to. Về sau người làng cho rằng giếng Tiên “biết gọi” mưa.

Ông Yên nói: “Mỗi đợt xảy ra nắng nóng, trời hay khô không có mưa, dân trong vùng lại bảo nhau đi tát nước giếng Tiên thì trời sẽ mưa. Nhiều lần hạn hán khô hạn không có nước cấy lúa, bà con lại đi tát nước giếng. Giếng tát xong chưa đầy ba hôm trời sẽ đổ mưa to, đồng ruộng ngập trắng nước, dân trong vùng bảo nhau giếng nước là vị thần gọi mưa giúp bà dân chống hạn”.

Đọc thêm