'Hiệp sĩ' 25 năm rong ruổi bắt cướp trên đường phố

(PLVN) - Rượt đuổi, truy bắt, đối mặt nguy hiểm, thậm chí là suýt tử nạn nhưng anh Trần Văn Hoàng (SN 1971, tạm trú Tân Bình, TP HCM) vẫn xem danh xưng “hiệp sĩ đường phố” như cái nghiệp phải trả với đời.
Anh Hoàng dẫn giải một tên cướp giật đến công an.
Anh Hoàng dẫn giải một tên cướp giật đến công an.

Lần bắt cướp định mệnh

Dáng người bé nhỏ, gầy gò, da ngăm đen, cùng với những hình xăm trên người, sợi dây chuyền to bự… Nhìn anh Hoàng có vẻ giang hồ tứ chiếng nhưng lại là “khắc tinh” của bao tên trộm cắp, cướp giật.

Gặp lại sau bao tháng ngày dưỡng thương, hiệp sĩ Trần Văn Hoàng vạch bụng, chỉ vào vết thương dài 20cm ở ngực kể: “Sau lần bị thương, sức khoẻ tôi yếu lắm. Giờ làm gì nặng là vết thương đau nhói. Thậm chí chỉ cần căng da là đã nhói tận xương. Thương tật đến 68% chứ có ít đâu. Cái hôm đau lòng ấy cách nay 1 năm, tôi mất 2 đồng đội, 2 đứa em thân yêu”, anh Hoàng chia sẻ.

Hỏi anh có còn dám bắt cướp nữa hay không? Người đàn ông gần 50 tuổi khẳng khái: “Làm chứ. Mấy hôm nay, hôm nào khoẻ là tôi theo anh em đi tuần tra. Còn sống là tôi còn bắt cướp. Chúng đã gieo rắc sự sợ hãi cho người dân, tước đi tính mạng của anh em tôi, làm sao tôi buông xuôi được. Phải tiếp tục, phải mạnh hơn nữa với bọn trộm cướp”.

25 năm qua, anh Hoàng rong ruổi khắp Sài Gòn, theo dõi những kẻ có dấu hiệu trộm cướp, bắt tận tay, day tận mặt những đối tượng phạm tội. Chiến công của anh có được đã lên tới vài trăm vụ, góp phần không nhỏ vào sự bình yên của phố phường. Cũng từng ấy năm, người ta hay gọi anh là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng anh mặc kệ, không để ý. Anh thấy việc bắt cướp như một nghĩa vụ trả ơn cho đất Sài Gòn cưu mang vợ chồng anh từ thuở chân ướt chân ráo vào đây lập nghiệp.

Câu chuyện về cái “nghiệp” hiệp sĩ đường phố đang dang dở thì vết thương lại hành hạ, anh ôm bụng nén cơn đau. Nhưng với hiệp sĩ Hoàng, vết thương thể xác không bằng mất mát trong lòng mà có thể không gì bù đắp hết, giọng anh nghèn nghẹn: “Mấy hôm trước anh em về Phú Yên giỗ đầu hiệp sĩ Thôi. Ngày 12/5 về Đồng Nai giỗ đầu hiệp sĩ Nam. Thôi và Nam tử nạn trong một lần bắt cướp”, anh Hoàng kể.

Nói đến Nam, Thôi, anh Hoàng lại khóc: “Mất mát quá lớn. Hôm đó, anh em tôi thấy hai đối tượng khả nghi nên đeo bám. Dẫu biết chúng sẽ có hung khí để chống trả. Nhưng mình phải bắt quả tang thì mới đưa chúng ra pháp luật được. Mình không có quyền dừng xe chúng lại để kiểm tra. Thấy chúng bẻ khoá một xe SH, chúng tôi lao xe đến.

Trong cơn loạn đả, bọn cướp rút dao chống trả. Những nhát dao oan nghiệt giết chết Nam và Thôi. Còn tôi gục tại chỗ, chìm vào hôn mê. Nhát đâm chí tử nhưng tôi may mắn chỉ bị thương, nằm viện điều trị mất mấy tháng”. Những đối tượng đâm chết chiến hữu của anh Hoàng cũng đã bị pháp luật trừng trị bằng những bản án nghiêm minh. 

Không nhớ nổi bao nhiêu lần bắt cướp

Vợ chồng anh Hoàng quê Bình Định, thuở nhỏ có học được vài món võ cổ truyền. Vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng anh vào Sài Gòn lập nghiệp. Vợ bán hàng ở vỉa hè, chồng chạy xe ôm. 

Kể về mối lương duyên với nghiệp bắt cướp, hiệp sĩ Hoàng nhớ lại: “Thường ngày đỗ xe chờ khách ở đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tôi chứng kiến nhiều cảnh cướp giật. Nạn nhân té ngã xuống đường kêu la nhưng không ai dám truy đuổi cướp. Tôi thấy áy náy lương tâm.

Bọn cướp chạy ngang qua còn đá mắt lại như thách thức khiến nhiều lần tôi định lao xe theo nhưng không dám. Tôi chỉ là một người dân xa xứ, phải lo kiếm tiền trang trải nhà trọ, tiền ăn và bao nhiêu chi phí sinh hoạt khác. Đuổi theo những kẻ cướp, nhỡ không may có mệnh hệ gì thì vợ con làm sao”.

Nhưng rồi tính khí ngay thẳng con nhà võ khiến anh Hoàng không thể im lặng mãi. Trong hàng trăm vụ tham gia, anh vẫn nhớ như in lần đầu bắt được cướp: “Năm 1995, khi tôi đang chở khách ngang qua đường Nguyễn Thái Bình thì nghe người dân truy hô “cướp cướp”. Hai thanh niên đang chĩa dao vào người đàn ông để cướp chiếc xe Honda DD màu đỏ.

Nạn nhân tím tái mặt mày cầu cứu nhưng người dân xung quanh không dám xông vào. Tôi bảo khách chờ, chạy đến nhằm ngay tên cầm dao đá một phát. Quá bất ngờ, hắn làm rơi dao, đang luống cuống định nhặt lại thì tôi đã áp sát quật ngã. Người dân lúc này mới xông đến trói hai tên cướp giao cho công an”.

Từ lần đầu ấy, anh Hoàng tham gia bắt cướp đến nay gần 25 năm. Anh không nhớ đã bắt bao nhiêu tên cướp giật, trộm xe. Anh cũng không nhớ hết những vết thương trong lúc truy bắt. Và không biết bao nhiêu lần anh bị đe doạ, bị truy sát vì “cướp” đi miếng cơm của kẻ xấu.

Anh chia sẻ: “Người ta bị cướp khổ thân lắm. Tôi còn nhớ một phụ nữ trên Tây Ninh bán hết nhà cửa, tài sản xuống thành phố chữa bệnh cho con trai. Mang tiền xuống đường Trường Chinh thì bị giật mất. Bà ấy bị té trật khớp mà vẫn ráng đuổi theo, kêu cứu khản cả giọng. May mà vụ đó tôi đuổi theo được”.

Bôn ba xứ người, ở nhà thuê, kiếm từng bữa cơm, nhưng anh Hoàng vẫn thấy vui vì giúp được nhiều khổ chủ bị cướp giật lấy lại tài sản. Ngoài cái “nghiệp” hiệp sĩ đường phố, để có tiền trang trải cuộc sống, anh phụ vợ bán hàng ở vỉa hè. Gian hàng nhỏ ở vỉa hè là nón bảo hiểm, khẩu trang, bao tay hay áo mưa.

Nhặt nhạnh từng đồng để sống nhưng trên môi vợ chồng anh chưa bao giờ tắt nụ cười. Chị Xí – vợ anh Hoàng mộc mạc: “Chúng tôi ăn không hết bao nhiêu cả. Có đứa con lớn đang làm dân phòng ở phường. Số tiền tôi buôn bán được dành dụm trả tiền nhà, thêm vào tiền sửa xe cho ông ấy”.

Thấy một mình bắt cướp không hiệu quả, lại nguy hiểm, anh Hoàng lập ra “Nhóm hiệp sĩ thành phố Hồ Chí Minh” hiện tập hợp 6 thành viên. Anh Hoàng cũng trăn trở: “Bọn trộm cướp bây giờ chúng manh động và táo tợn lắm. Trong người lúc nào cũng có hung khí như dao, súng điện...

Nhưng anh em trong nhóm đều phải dùng tay không. Tôi mong rằng ngày có càng nhiều những người dám ra tay bắt cướp cùng phối hợp với chúng tôi”. Nhóm anh Hoàng còn lập trang facebook để tiếp nhận thông tin, theo dõi những đối tượng nghi vấn cũng như thông báo với lực lượng công an. 

Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền hiệp sĩ Hoàng được TP HCM tuyên dương “người tốt việc tốt”. Nhưng với anh, điều vinh hạnh nhất là được giúp đỡ người dân, được góp sức mình vì sự bình yên của thành phố.

Đọc thêm