“Hiệp sĩ” bày cách nhận diện cướp giật trên đường phố Sài Gòn

(PLO) -Do tính chất nghề nghiệp phải chạy xe nhiều ở ngoài đường, “hiệp sĩ” Lê Xuân T (SN 1994, ngụ quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) rất hay để ý những mánh khóe và “đặc điểm nhận dạng” của những kẻ cướp giật trên đường phố... 
Đội hiệp sĩ tham gia bắt cướp
Đội hiệp sĩ tham gia bắt cướp

Mê bắt cướp từ nhỏ

“Hiệp sĩ” T bắt đầu bước chân vào công việc bắt cướp đầy nguy hiểm từ khi 19 tuổi trong 1 lần hết sức tình cờ. Đó là năm 2013, khi anh đang đi chơi trên đường Mạc Thiên Tích, quận 5, TP. Hồ Chí Minh thì gặp 1 nhóm 6 đối tượng đi trên 3 chiếc xe gắn máy.

Chiếc xe dẫn đầu tìm cách tiếp cận 2 phụ nữ đang chở 1 cháu bé. Bất ngờ, chúng áp sát để cho đối tượng phía sau giật dây chuyền của phụ nữ cầm lái khiến 3 người ngã ra đường. 

Anh T đang định đuổi theo thì đã thấy có 4 chiếc xe gắn máy vượt lên và truy hô cướp. Thấy vậy, anh T cũng chạy theo hỗ trợ. Trên đường rượt đuổi 2 đối tượng cướp dây chuyền, 4 đối tượng cùng nhóm với hung thủ đã lạng lách xe nhằm truy cản những người đang đuổi theo 2 tên cướp. 

Xác định chúng là đồng bọn, anh T đã hỗ trợ nhóm “hiệp sĩ” bắt 4 đối tượng cản địa này đưa về phường. Sau vụ đó, anh T đã xin vào Câu lạc bộ Săn bắt cướp và được đội trưởng cũng như các thành viên trong nhóm tiếp nhận.

Chia sẻ câu chuyện của mình, anh T cho hay, từ nhỏ anh đã mong muốn được theo đuổi đam mê bắt những kẻ xấu. Nhưng do đường học vấn lận đận khiến anh không theo đuổi được ước mơ của mình một cách chính quy. 

Khi bé, anh thường xuyên phải chứng kiến cảnh những phụ nữ bị giật giỏ xách, giật dây chuyền, điện thoại ngã ra đường trầy trụa mà không ai giúp. Chính vì thế, suy nghĩ trở thành một người có thể giúp đỡ giành lại đồ cho nạn nhân từ những tên cướp cứ nung nấu trong đầu của T. 

Năm 18 tuổi, T đọc được những bài viết về những người xe ôm, những anh thợ điện hành hiệp trượng nghĩa, trên đường thấy cướp là bắt. Chính vì thế T đã tìm đến nhiều nhóm “hiệp sĩ” đang hoạt động để xin tham gia. Tuy nhiên do thấy T còn nhỏ nên các “hiệp sĩ” chưa dám nhận. Chỉ khi vô tình tham gia vụ hỗ trợ bắt cướp kể trên, T mới bước chân vào mơ ước ấp ủ bấy lâu của mình. 

Kể từ khi tham gia Câu lạc bộ Săn bắt cướp, T đã tham gia bắt giữ khoảng trên dưới 50 vụ cướp giật. Ngoài thời gian đi làm công việc chính của mình là lái xe du lịch, T luôn sắp xếp thời gian cùng các thành viên trong nhóm “đi tuần” ở những điểm nóng mà người dân phản ánh. 

Những vụ bắt cướp nguy hiểm

Trong số những vụ bắt cướp mà T đã tham gia, anh cho biết đã rất nhiều lần anh rơi vào tình huống nguy hiểm. Như 1 vụ cướp xảy ra từ năm 2014 ở trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Khi đó T cùng một số anh em “hiệp sĩ” khác đang theo dấu 2 đối tượng có nhiều dấu hiệu khả nghi. 

Trên đường đi, 2 đối tượng này liên tục “địa hàng” của những người mua sắm trên đoạn đường đó. Sau khoảng 2 tiếng theo dõi, các đối tượng này di chuyển đến cầu Chữ Y (phường 10, quận 8) chúng phát hiện ra 1 phụ nữ để điện thoại Iphone 4 trong túi xách bị mở. 

Hai tên cướp nhanh chóng áp sát “con mồi” và giật chiếc điện thoại rồi rồ ga phóng đi mất. Phát hiện 2 đối tượng gây án, anh T nhấn ga đuổi theo. Sau một lúc rượt đuổi, anh T đã tóm gọn 2 đối tượng gây án. Tuy nhiên, địa điểm mà anh T bắt được 2 đối tượng gây án lại ngay gần nhà của chúng nên người thân của các đối tượng này biết và ra giải vây. 

Trong tình cảnh đó, anh T và các thành viên trong nhóm vẫn cố hết sức để đưa các đối tượng gây án lên công an phường. Thời điểm đó, người nhà các đối tượng kéo lên rất đông cùng với những lời chửi bới, đe dọa nhóm “hiệp sĩ”, gây áp lực không cho các “hiệp sĩ” về. Từ 21h đến 24h, khi tình hình bớt căng thẳng, anh T và các “hiệp sĩ” mới được trở về nhà trong sự hỗ trợ của lực lượng công an. 

Một vụ khác xảy ra vào cuối năm 2015, anh T cùng một số thành viên trong nhóm đang đi trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) thì nghe tiếng hô “cướp” của một cặp đôi nam nữ.

Phía trước đôi nam nữ có nhiều xe đang lưu thông trong đó có 1 nam thanh niên đi xe Dream di chuyển rất nhanh. Anh T liền phóng xe lên và hỏi 2 người vừa truy hô để xác nhận đối tượng vừa giật giỏ xách của bạn nữ, sau đó anh tăng tốc đuổi theo. 

Truy đuổi được một đoạn, anh T bắt kịp và đạp đổ xe tên cướp. Đối tượng này đã bỏ xe và túi xách vừa cướp lại hiện trường toan bỏ chạy. Anh T vẫn tiếp tục truy đuổi tên cướp, một lúc sau gã rút dao quay lại chống trả. Ngay sau đó, có 2 nam thanh niên phóng xe máy đến cũng rút dao hăm dọa anh T để giải vây cho đồng bọn và chạy về 2 hướng khác nhau. 

Anh T chỉ đuổi theo được 1 hướng và truy hô cướp. Sau đó các đối tượng còn liều lĩnh quay lại lấy được giỏ xách của nạn nhân nhưng bỏ chiếc xe không giấy tờ lại hiện trường. Anh T và các “hiệp sĩ” khác giúp đưa xe của đối tượng gây án về trụ sở công an và hướng dẫn nạn nhân lên công an phường trình báo. 

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ bắt cướp mà anh T và các bạn mình phải đối mặt với nguy hiểm. Chia sẻ về những tai nạn khi bắt cướp, anh T cho biết từ trước đến giờ anh chỉ bị xây xát nhẹ khi truy đuổi các đối tượng. Duy nhất có lần anh đang truy đuổi 2 thanh niên tình nghi cướp giật thì bị một người đàn ông say xỉn lao vào xe khiến chân anh bị thương phải khâu 5 mũi. 

Biết được anh T tham gia công việc nguy hiểm, ba mẹ anh đã cấm cản con trai rất nhiều. Tuy nhiên, vì đam mê, anh T vẫn tiếp tục tham gia và nhận được nhiều bằng khen của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương... Ba mẹ của T hiểu được tấm lòng của con trai dần dà không cấm cản nữa mà quay ra ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi khi biết anh đi làm, ba mẹ đều dặn dò anh phải cẩn trọng...

Cách nhận dạng cướp giật

Chia sẻ với phóng viên, anh T cho biết, khi tham gia vào Câu lạc bộ Săn bắt cướp, anh được những “hiệp sĩ” đi trước chỉ dạy rất nhiều, đặc biệt là cách nhận biết các đối tượng cướp giật. Theo đó, anh áp dụng những cách nhận biết này khi đi trên đường và thấy tỉ lệ đoán trúng là 85%. 

Một cảnh cướp giật anh T quay lại bằng camera hành trình

Một cảnh cướp giật anh T quay lại bằng camera hành trình

Các đối tượng tội phạm khi đi trên đường để “rình mồi” thường đi xe đã được độ, chế. Chúng có thể có đồng bọn hỗ trợ và đi từ 2-3 xe tuy nhiên chúng thường đi cách nhau chừng 50 - 100m.

Các đối tượng này liên tục quan sát xung quanh và khi phát hiện được con mồi chúng thường tập trung bám theo 1 mục tiêu. Chúng giữ khoảng cách không chạy nhanh vượt qua mục tiêu, cũng không đi chậm quá để chờ “con mồi” sơ hở thì ra tay. 

Mỗi khi đi trên đường bằng xe máy, anh T thường quan sát rất kỹ những đối tượng nghi vấn. Khi phát hiện ra đối tượng định gây án, anh thường len vào giữa sau đó che chắn cho những người mà chúng định cướp. Có trường hợp anh đi cạnh rồi nhắc khéo người đi đường cất giữ lại tài sản cẩn thận...

Do làm nghề lái xe du lịch, anh T đã trang bị camera hành trình trên xe. Rất nhiều lần anh đã quan sát, đi theo và ghi lại được hình ảnh các đối tượng cướp giật. Tuy nhiên do dùng xe ô tô nên anh không thể truy đuổi được các đối tượng gây án, nhưng sau đó anh thường mang video quay được đến trình báo Công an và đăng lên mạng xã hội Facebook với mong muốn mọi người cảnh giác. 

“Ban đầu tôi cảm thấy công việc truy đuổi và bắt cướp rất nguy hiểm, nhưng khi giúp được một người không may mắn lấy lại tài sản bị cướp thì thấy vui và thoải mái lắm. Điều đó càng làm tôi càng đam mê. Những người như chúng tôi chỉ mong rằng mọi người đi ra đường hãy cảnh giác về tài sản của mình.

Nếu không may bị cướp, nạn nhân cũng đừng tiếc 1 - 2 tiếng lên Công an trình báo. Chính tâm lý e ngại này đã gây khó khăn cho công tác điều tra. Một vụ án mà không có nạn nhân thì không khởi tố, xử lý được. Hy vọng mỗi người nhận thức tốt điều này thì TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác nữa sẽ không còn nạn cướp giật nữa...” - anh T chia sẻ.

(còn nữa...)

Đọc thêm