Chỗ nào kẹt xe, chỗ đó có mặt
Vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 20 tuổi, anh Linh bươn chải, làm đủ nghề kiếm sống qua ngày, từ bán chổi, thợ hồ và rồi xe ôm. Anh “chẳng dám ăn, chẳng dám xài” vì tiền để lo viện phí cho cha ruột ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ấy vậy mà, ngồi chờ khách ở những ngã tư, thấy kẹt xe, thấy người đi đường cứ chạy “thả cửa” dù ùn tắc, dù phía trước là đám đông xe cộ, anh Linh không kiềm được lòng mới “nhảy” ra làm chuyện bao đồng.
“Tôi nghĩ “mình phải mở đường cho xe chạy, tại sao mình lại ngồi yên nhìn mọi người điên cuồng lao vào chỗ kẹt xe”. Mới đầu, thấy tôi điều tiết giao thông, nhiều người đi đường cười khinh. Tôi nói họ dừng xe lại chờ thì họ cứ rú ga vào chân. Tôi quay đi thì họ chạy luôn. Hồi mới làm, tôi nói 10 người thì chắc chỉ có 1 người chịu dừng lại. Tại mình đâu có quyền gì bắt họ dừng lại. Ai cũng nôn nóng muốn được về nhà nhưng nhường nhau một tí sẽ nhanh hơn, chứ cứ chụm đầu vào nhau thì càng kẹt, càng ùn”, anh Linh nói.
Riết rồi thành quen, mỗi lần thấy kẹt xe anh Linh lại nhào ra, miệng hô hào, tay hướng dẫn cho người đi đường. Thậm chí đang chở khách anh vẫn không ngại dừng lại điều tiết cho bớt xe cộ rồi mới đi tiếp.
“Mình không có đồng phục, không phải cảnh sát giao thông. Thấy mình làm, người ta tò mò nhìn ngó. Ra hiệu dừng xe, người ta chỉ liếc mắt nhìn, ngó lơ... rồi phóng cái vèo”, anh Linh chia sẻ.
Những lần đậu xe ở ngã tư, anh Linh quan sát, để ý thao tác, cách điều hành của cảnh sát giao thông rồi học theo. Ngoài ra, anh Linh còn lên mạng đọc, xem những clip điều tiết giao thông. Anh Linh nắm được đường nào nhiều xe, đường nào ít xe để phân bổ thời gian cho phù hợp. Không biết từ bao giờ, anh Linh thấy yêu chính cái công việc không lương này.
Hiện công việc chính của anh Linh là rửa xe tải ở một tiệm nhỏ ven đường quốc lộ 1A thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Tiệm rửa xe chung của mấy anh em. Mỗi ngày, từ sáng, anh rửa xe, kiếm tiền nuôi vợ con.
Tầm 16h chiều, anh lôi chiếc radio cũ mèm ra ngồi nghe chương trình giao thông. Nghe chỗ nào có kẹt xe dù ở quận 2, Thủ Đức, Bình Chánh, quận 1 hay bất cứ đâu, xa vào chục cây số, anh Linh mặc áo, mang giày và lên đường ngay.
Anh kể: “Đường đông, kẹt xe, tâm lý của người ta là rất bực bội, nóng tính. Đụng nhẹ hoặc nói không khéo là họ cáu ghét, xảy ra xích mích ngay. Kẹt càng nhiều, người ta càng vội. Vì thế, mình phải giải thích, tươi cười cho họ dịu xuống, chấp hành theo hiệu lệnh của mình. Có như thế, mình mới điều tiết được giao thông”.
Anh Nguyễn Văn Linh |
Vui buồn việc “bao đồng”
Thời gian đầu, nghe anh Linh dấn thân vào cái công việc “tầm phào”, “bao đồng”, gia đình, nhất là vợ anh ngăn cản quyết liệt. Chị Âu, vợ anh Linh nói: “Nghe ổng nói đi điều tiết giao thông gì đó, tôi phản đối kịch liệt. Làm việc cả ngày đã mệt, không lo nghỉ ngơi, lại còn chạy lăng xăng ngoài đường. Xe cộ đông, nhiều người chạy ẩu, rủi mà đâm trúng ổng thì vợ con gánh chứ ai lo được. Nhưng ổng bất chấp, chiều nào cũng đi. Tôi nói mãi rồi ngán. Thấy ổng đam mê nên thôi kệ”.
Hồi mới vào “nghề”, thấy anh Linh điều tiết giao thông, mấy anh công an phường “đuổi” về vì “ông có giấy tờ, có đồng phục gì đâu. Lỡ có chuyện gì xảy ra thì hại cho thân mình lắm”. Không bỏ cuộc, anh Linh liên hệ nhiều cơ quan, bày tỏ niềm mong muốn của mình. Anh được cơ quan chức năng cấp giấy tờ, phát áo, mũ, được lực lượng giao thông hỗ trợ một chiếc gậy, một cái còi. Từ đó, anh Linh hành nghề “hợp pháp”.
Tính đến nay, tròn 12 năm gắn bó với công việc bao đồng. Anh Linh nhận được sự ủng hộ của mọi người. Bây giờ, người đi đường luôn chấp hành đúng sự hướng dẫn của anh Linh. “Nhiều ngã tư, dân ở đó thương tôi lắm. Còn người đi đường, thấy tôi điều tiết xe cộ, họ cho nước ngọt, cho khăn lạnh, quần áo. Không còn như xưa nữa, thấy tôi, họ nở nụ cười, kiên nhẫn chờ đợi đến khi tôi ra hiệu mới cho xe chạy. Có một vài trường hợp cá biệt nhưng không đáng kể lắm”, anh Linh nói.
Anh Linh gần như quen thuộc với những ngã tư, những tuyến đường có kẹt xe. Mỗi lần thấy anh, các em học sinh lại chào “chú hiệp sĩ giao thông”. Còn người dân hai bên đường thì chào đón, cười tươi. Mỗi ngày, anh Linh điều tiết giao thông đến tận 20h tối, khi xe cộ không còn đông, các tuyến đường thông thoáng mới ra về, cơm nước cùng vợ con.
Nhưng công việc nắng mưa, nguy hiểm cận kề. Nào là những kẻ chạy ẩu, thấy đèn đỏ vẫn vượt, có khi suýt tông trúng anh Linh. Có lần một thanh niên chạy xe ẩu cán ngang qua bàn chân anh rồi quay lại nói “ông rảnh hơi quá, đứng giữa đường tôi tông ráng chịu”. Anh Linh buồn nhưng không sợ, cũng không nói lời nào. Trời mưa, anh Linh vẫn cứ dầm mình, chạy tới, chạy lui. “Mặc áo mưa vào vướng lắm, không làm được việc gì đâu. Mưa cứ mặc mưa, tôi chả sợ”, anh Linh nói.
Bên cạnh những kỷ niệm vui, không ít lần anh Linh gặp nguy hiểm khi đang làm việc. Anh kể: “Năm 2007, tôi điều tiết giao thông ở đoạn ngã tư Bốn Xã. Lúc đó chưa có đường nhựa như bây giờ đâu, đường lầy lội lắm. Dựng xe đó lo làm đâu có để ý. Tới lúc quay lại thì cái xe đâu mất tiêu. Về nhà vợ con chửi quá trời. Mình sai thì mình chịu, nhưng bữa sau tôi lại lấy xe đạp đi làm tiếp”.
Lo chuyện bao đồng nhưng anh Linh vẫn chu toàn cho gia đình. Mặc dù còn ở trọ, khó khăn chồng chất nhưng anh vẫn cố gắng kiếm tiền từ công việc rửa xe hàng ngày. Anh cười: “Cái gì cũng có giá của nó cả. Ai cũng cứ lo cho ấm thân thì xã hội sẽ ra sao. 12 năm làm công việc này, tôi thấy điều đáng mừng là ý thức của người dân được nâng cao. Họ ý thức được việc đi lại, nhường nhịn nhau. Còn một phần nhỏ nhưng mình cố gắng là được”.
Công việc không lương, không quyền hạn, không chức vụ nhưng anh Linh vẫn miệt mài, vẫn vui vẻ. Anh xem đó là một công việc, cố gắng, tận tâm chứ không phải để chơi, để được nổi tiếng. Trước đây, bao người phản đối nhưng giờ đây, thấy kẹt xe, họ lại mong có mặt anh. Người đàn ông lo chuyện thiên hạ nhận được nhiều sự quý mến từ mọi người.
Với sự tự nguyện điều tiết giao thông của mình, anh Linh nhận được nhiều bằng khen, lời động viên từ các cấp chính quyền. Niềm vui của anh là được khỏe để cống hiến thêm, giảm bớt nạn kẹt xe vào giờ cao điểm của Sài Gòn.
Khi được hỏi về động lực nào giúp anh gắn bó với công việc điều khiển giao thông này, anh Linh cười hiền: “Nghề nghiệp nó chọn mình thôi. Chắc cũng là cái duyên”. Và cái “duyên nghiệp” đó đã theo anh Linh suốt 12 năm nay, đủ lâu để anh nắm rõ lịch giờ cao điểm của từng tuyến đường ở Sài Gòn.