Lời “kêu cứu” từ Thảo Cầm Viên
Cách đây hơn 10 ngày, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã lên tiếng "kêu cứu". Những ngày bình thường, doanh thu trung bình của Thảo Cầm Viên Sài Gòn hơn 300 triệu đồng/ngày. Từ doanh thu phải dành nhiều tỉ đồng để chăm sóc và cung cấp thức ăn cho số lượng thú đông đảo nơi đây.
Mùa dịch, không còn du khách, doanh thu Thảo Cầm Viên sụt giảm còn hơn chục triệu đồng/ngày. Mặc dù cán bộ, viên chức nơi đây đã tự nguyện giảm 30% lương để dành tiền mua thức ăn cho động vật, nhưng vấn đề đảm bảo lượng thực phẩm hàng ngày để nuôi sống bầy thú trong Thảo Cầm Viên là hết sức khó khăn.
Để đảm bảo cam kết "không để thú đói", ban lãnh đạo và nhân viên Thảo Cầm Viên đã phát đi lời "kêu cứu" đến cộng đồng. Từ đó, trên mạng xã hội lan tỏa lời kêu gọi "cứu" động vật Thảo Cầm Viên. Chỉ hai ngày sau, Ban lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã thông báo nhận được số tiền ủng hộ lớn, đủ để duy trì cuộc sống cho động vật trong thời gian tới và ngừng tiếp nhận ủng hộ để dành cho những nơi cần hơn.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn tiếp tục ủng hộ Thảo Cầm Viên bằng cách kêu gọi, rủ nhau mua vé vào tham quan mỗi cuối tuần để "bầy thú có thức ăn".
Có mặt tại Thảo Cầm Viên vào chủ nhật ngày 23/8, Lê Thị Lan Anh, sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM cùng nhóm bạn 6 người đã đi thăm quan khắp vườn thú. Lan Anh chia sẻ: "Tụi em đọc trên mạng thấy nói Sở thú gặp khó khăn nên rủ nhau đến đây vào cuối tuần, coi như dã ngoại, vừa có thể góp phần giúp các con vật có thêm thức ăn. Tụi em cũng sẽ chụp hình đăng lên mạng xã hội và kêu gọi mọi người lúc rảnh rỗi đến tham quan".
Theo ghi nhận, mỗi dịp cuối tuần gần đây, Thảo Cầm Viên có lượng khách hàng trăm lượt người, trong đó các bạn trẻ chiếm phần đông. Không những ủng hộ bằng cách mua vé, nhiều bạn trẻ còn mua thêm những đồ vật lưu niệm tại đây.
Trên Fanpage của Thảo Cầm Viên, nhiều bạn trẻ đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích xoay quanh việc chăm sóc động vật, vận hành, hoạt động và quảng bá để Thảo Cầm Viên đổi mới và phát triển bền vững.
Cổ tích trên mạng
Không ít lần cộng đồng mạng ra tay nghĩa hiệp với những người gặp khó. Mới đây, cộng đồng mạng đã cùng chia sẻ sự việc bé trai 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh, kêu gọi cung cấp thông tin để lực lượng chức năng sớm tìm thấy cháu bé.
Cũng trong thời gian này, cộng đồng mạng lại chung tay giúp đỡ một bác bảo vệ bị mất việc, hay tài xế grab gia cảnh khó khăn, không có bộ quần áo lành lặn để mặc.
Trong hai đợt dịch Covid, cư dân mạng đã có nhiều hành động nghĩa hiệp dành cho những hoàn cảnh khó khăn. Như kêu gọi giúp đỡ những người vô gia cư, bán vé số, từ đó lan tỏa thành phong trào của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hay cư dân mạng kêu gọi, phát động phong trào đóng góp, hỗ trợ dụng cụ y tế cho các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Còn biết bao câu chuyện cảm động về sự hỗ trợ, nhiệt tâm của cư dân mạng dành cho những người cần sự giúp đỡ. Từ những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn cần giúp khẩn cấp cho đến giúp tìm người thân thất lạc nhiều năm, thậm chí “đòi” công bằng cho những người đang gánh chịu bất công trong xã hội...
Hay như mới đây, một tỉnh đã phải hủy hợp đồng tặng cặp da cho đại biểu dự đại hội lên đến 2,2 tỉ đồng vì áp lực của dư luận, vì sự chia sẻ thông tin chóng mặt của cộng đồng mạng. Đó là một số tiền lãng phí, quá lớn khi cả nước đang gồng mình chống dịch bệnh trong thời điểm này.
Trên thế giới mạng, sự ẩn thân, giấu mặt đôi khi tạo nên sự lộng hành, nhưng mặt khác, nó cũng khiến người ta có thể dễ dàng giãi bày những khó khăn, chia sẻ nỗi đau của mình hơn. Không hiếm lần, trong những nhóm kín, các thành viên đã nhận lời cầu cứu của những người đang gặp khó, như bị dồn vào đường cùng của bệnh tật, thất nghiệp, đói khổ, bị bạo hành tinh thần và thể xác, để rồi những "Lục Vân Tiên" trên mạng đã hào hiệp giúp đỡ họ.
Như trường hợp một cô gái trẻ có thai với bạn trai nhưng bị ruồng rẫy, gia đình từ mặt, không nghề nghiệp, không chốn dung thân đã được các thành viên trong một nhóm kín của chị em phụ nữ chung tay giúp đỡ, cho cô gái một mái nhà, được chăm sóc đến lúc sinh và tạo công ăn việc làm để nuôi con. Trong câu chuyện ấy, đã có hơn một cuộc đời được cứu giúp, không bị đẩy vào tử lộ.
Sự nhiệt tình, trái tim nhân ái của một bộ phận cư dân mạng đã viết nên bao câu chuyện cổ tích giữa đời thường, khiến người ta hiểu rằng, mạng là ảo, nhưng tình người là rất thực. Thế giới ảo, nhưng vẫn tồn tại không ít những điều đẹp đẽ có thật trên đời.