Hiếu, hỉ thời... COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời dịch bệnh COVID-19, nhiều gia đình đã thay đổi suy nghĩ và hành động một cách tích cực. Họ không làm đám cưới rùm beng, không tổ chức thượng thọ, giỗ chạp hàng chục mâm cỗ, đám tang cũng tối giản... Điều này góp phần không nhỏ phòng trừ và đẩy lùi sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Anh Nguyễn Xuân Sáng - Bí thư Đoàn phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hoãn cưới vì dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Xuân Sáng - Bí thư Đoàn phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hoãn cưới vì dịch Covid-19.

Hoãn cưới vì an toàn cộng đồng

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, khi COVID-19 quay trở lại lần thứ 4 tại cộng đồng, rất nhiều tỉnh đã vận động nhân dân tạm dừng việc tổ chức các đám cưới, tổ chức đám tang tối giản. Đơn cử như Hải Dương ra Chỉ thị số 14 về yêu cầu các cấp vận động nhân dân tạm dừng việc tổ chức các đám cưới, đám tang cần tổ chức gọn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh; Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương đã ký Văn bản 1095/SVHTT-NSVH gửi UBND các quận, huyện, thị xã, trong đó đáng chú ý là nội dung vận động nhân dân cưới báo hỷ, hoãn cưới, tổ chức đám tang văn minh... để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; Hậu Giang yêu cầu lãnh đạo các địa phương vận động người dân tạm hoãn tổ chức đám cưới, đám hỏi, các buổi họp mặt, liên hoan… 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đông đảo người dân đã nghiêm chỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh, thành. Rất nhiều đôi uyên ương đã hoãn đám cưới hoặc tổ chức đám cưới một cách giản dị nhất.

Với quan điểm thanh niên cần gương mẫu đi đầu cùng với cả nước phòng, chống dịch, anh Nguyễn Xuân Sáng - Bí thư Đoàn phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đã quyết định tạm hoãn đám cưới. Quyết định đưa ra không dễ dàng vì lễ cưới đã được chuẩn bị chu đáo từ mâm cỗ, giấy mời đã phát đến tận tay mọi người. Anh Sáng chia sẻ: “Đám cưới là việc hệ trọng của đời người nhưng là một cán bộ Đoàn, tôi thấy mình có trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định về phòng chống dịch COVID-19”.

Trung úy Lê Thị Thủy Tiên - cán bộ Đội cảnh sát giao thông thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - xác nhận thông tin chị và gia đình hai bên đã thống nhất hoãn tổ chức đám cưới để phòng chống dịch COVID-19.

Người dân xã Quang Lộc, huyện Can Lộc đã chung tay “giải cứu” 150 mâm cỗ cho gia đình khi nghe tin chú rể hoãn cưới. Ông Đặng Hồng Kiệm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau khi được vận động, tuyên truyền, một gia đình trên địa bàn xã đã quyết định hoãn chuyện trăm năm để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mặc dù đã thuê rạp cưới, đặt mua đủ lương thực, thực phẩm làm 150 mâm cỗ.

Trong số các địa phương đang tích cực triển khai, nhân rộng mô hình đám cưới, đám tang văn minh, gọn nhẹ để tập trung cho công tác phòng, chống dịch, huyện Đông Anh được lãnh đạo TP Hà Nội ghi nhận, biểu dương. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, bên cạnh các biện pháp quyết liệt, khẩn trương để phòng, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn, Đông Anh đã vận động dừng tổ chức hoãn, hủy cũng như thu gọn tổ chức quy mô nội bộ gia đình gần 100 đám cưới. 

Tối giản đám hiếu

Việc hiếu cũng được các tỉnh, thành vận động các gia đình tổ chức tối giản. Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các gia đình có đám hiếu về công tác phòng, chống dịch; cử đoàn viên thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ hỗ trợ các gia đình, nhắc nhở người đến viếng giữ khoảng cách, lập danh sách và tổ chức khử khuẩn, đo thân nhiệt cho 100% người đến các đám hiếu…

Bà Nguyễn Hiếu, 68 tuổi rưng rưng cho biết: “Con trai tôi vì bệnh hiểm nghèo đã qua đời khi mới 28 tuổi. Gia quyến nội ngoại cùng bạn bè tỏ lòng thương tiếc và muốn tới viếng. Dù rất thương con nhưng vì giữ an toàn sức khỏe cộng đồng, tôi đã gửi lời nhắn tới tất cả thân bằng cố hữu gần xa rằng gia đình tôi chỉ tổ chức lễ tang tối giản với người thân ruột thịt và hỏa táng ngay”.

Có thể thấy, hầu hết những lễ tang thời COVID-19 đều chỉ có những người nội tộc tham dự. Còn lại, những bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp đều có thể chia buồn qua điện thoại. Nếu có ý định phúng viếng, họ sẽ gửi qua tài khoản để nhờ gia đình thắp hương giùm. 

Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương vận động các hộ dân dừng, hoãn toàn bộ các hoạt động tập trung đông người, các đám cỗ, cưới hỏi; thực hiện nghiêm thông điệp 5K; cài đặt các ứng dụng khai báo y tế... trong những ngày khó khăn này, mỗi người Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S thực sự là một “pháo đài” chống dịch COVID-19. 

Đọc thêm