Hiện nay, lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ đang phát triển mạnh nhờ thị trường phát triển do thu nhập tăng và nhu cầu làm đẹp tăng, xin Luật sư cho biết, để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, doanh nghiệp cần chuẩn bị kiến thức pháp luật nào?
Lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ hiện nay đang phát triển mạnh và cũng trở thành lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt. Để khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này thì có rất nhiều yếu tố các bạn cần quan tâm; tuy nhiên tôi sẽ lưu ý các bạn tập trung tới 3 yếu tố chính như: (i) về pháp lý: đáp ứng điều kiện kinh doanh (do đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện); (ii) thứ hai là về lĩnh vực chuyên môn; (iii) thứ ba là về marketing và vận hành.
Luật sư Đoàn Thu Nga |
Ở đây, dưới góc độ luật sư, tôi chia sẻ với các bạn các yếu tố cần chuẩn bị về mặt pháp lý. Các doanh nghiệp cần lưu ý các quy định pháp luật về điều kiện hoạt động của thẩm mỹ viện. Cụ thể, Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định, đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, chỉ được thực hiện hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phải xin giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi Sở Y tế quản lý
Đối với cơ sở thực hiện dịch vụ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ. Các cơ sở này phải có giấy phép hoạt động do Bộ Y tế cung cấp.
Lưu ý là đối với các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiều doanh nghiệp thẩm mỹ bị phạt vì quảng cáo, truyền thông không đúng, theo bà thì doanh nghiệp cần chấp hành pháp luật và thực hiện truyền thông như thế nào để hiệu quả và không bị phạt do vi phạm, thưa Luật sư?
Theo quy định của pháp luật về quảng cáo thương mại, việc quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa có hồ sơ chứng minh điều kiện dịch vụ và sản phẩm có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến tối đa 70 triệu đồng tùy mức độ theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
Mô tả ảnh |
Do đó, để không vi phạm pháp luật, doanh nghiệp cần chấp hành đúng. Đó là chỉ quảng cáo những sản phẩm dịch vụ đã được đăng ký và đã đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Đối với những dịch vụ mà doanh nghiệp chưa được cấp phép, chưa được làm thì không nên quảng cáo.
Như tôi đã chia sẻ ở trên, việc quảng cáo là thực hiện tiếp thị dịch vụ, marketing sản phẩm nên chỉ quảng cáo khi chất lượng dịch vụ, sản phẩm đã đảm bảo và hồ sơ pháp lý về sản phẩm, dịch vụ đã đầy đủ. Việc quảng cáo quá sự thật, quảng cáo vượt ngoài phạm vi dịch vụ các bạn được cung cấp là điều tối kỵ, có thể phản tác dụng.
Quảng cáo cũng là những gì các bạn cam kết với khách hàng nên nội dung quảng cáo phải là những gì các bạn được làm và đã làm tốt cho khách hang, trong phạm vi các bạn đã đăng ký và được cấp phép.
Tôi tin rằng, với các yếu tố được lưu ý kể trên, các bạn sẽ có bước đà khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực thẩm mỹ và dịch vụ làm đẹp này.
Xin cảm ơn Luật sư!