Hiểu luật nhân quả để đời người không uổng phí: Vì sao tìm được long mạch vẫn gặp tai ương?

(PLVN) - Câu chuyện về phong thủy và nhân quả này được chép trong cuốn Công dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề thời vua Lê Ý Tông. Tuy chuyện chủ yếu là người thật việc thật được ly kỳ hóa nhưng cũng là bài học để dăn dạy người đời tu nhân tích đức để hưởng phước lâu dài.
Hình minh họa

Được huyệt nhờ cứu người

Tổ tiên họ Trần người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc tỉnh Nam Định) nối đời làm nghề chài lưới, dọc ngang suốt một dải sông dài ở Nam Đạo, đến đâu thì coi đó là nhà chứ không định cư hẳn một nơi nào.

Bấy giờ có thầy địa người Trung Quốc sang ta tìm mạch đất và ông đã lặn lội suốt từ đầu dãy Tam Đảo, lần theo long mạch đi qua cả vùng Thăng Long, Cổ Bi rồi đến các xã Kệ Châu, Cao Xá, thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay. Thấy có nhiều gò đống liền nói đó là chỗ quân lính đóng lại nấu cơm, đi tiếp đến xã Phương Trà, huyện Nam Xương, nay thuộc tỉnh Hà Nam thì không thấy vết tích long mạch nữa. 

Sau đó, thầy tìm đò qua sông đi đến làng Hà Liễu của huyện Ngự Thiên, nay thuộc tỉnh Thái Bình, lại thấy một gò núi hiện ra, thầy địa mừng rỡ khi phát hiện ra long mạch.

Khi tới xã Đại Đường là nơi tụ huyệt, thầy lấy la bàn ra coi say mê, quanh quẩn mãi ở đó. Lúc ấy, có người tên là Nguyễn Cố ở xã Tây Vệ đi qua. Nguyễn Cố lại gần hỏi thầy để ý mãi chỗ này, ắt phải có ngôi huyệt quý. Thầy địa lý tự phụ, ngửa mặt cả cười lớn bảo ở đây có ngôi huyệt Đế vương, các thầy địa trước đây quả không có mắt.

Nghe vậy, Nguyễn Cố xin thầy làm ơn để lại cho mình và sẽ biện lễ hậu tạ, bao nhiêu cũng được. Thầy địa lý đồng ý, nhưng ngay sau khi táng xong phải đưa cho thầy 100 quan tiền, sau này khi Nguyễn Cố có được nước rồi, phải chia đôi thiên hạ.

Nguyễn Cố chấp thuận ngay. Ông thầy giúp Nguyễn Cố táng mộ tổ vào huyệt nhưng lại sợ Nguyễn Cố lật lọng, nên có dặn thêm rằng đây là huyệt đại phát nên trong 100 ngày đầu, phải luôn luôn coi chừng. Nếu trời mưa gió sấm sét, mộ có gì lạ, phải hiểu ngay là điềm lành ít, điềm dữ lại nhiều, phải mau dời đi chỗ khác.

Quả đúng được ba ngày, vào lúc nửa đêm, sấm sét nổi lên ầm ầm, nhân dân vùng ấy ai cũng lo sợ. Sáng hôm sau, người ta thấy đá từ dưới đất trồi lên, trông chẳng khác đá tai mèo, rải đầy ba xã Đặng Xá, Tây Vệ và Thái Đường, tất cả vườn tược, ao hồ, ở đâu cũng có. Dấu tích còn mãi đến nay. Nguyễn Cố thấy vậy biết rằng mộ đã kết nên mừng rỡ vô cùng. Nhưng Nguyễn Cố lại nghe lời vợ, tiếc của nên tính chuyện phản bội thầy. 

Đúng hẹn, thầy địa yên chí tìm đến, nào ngờ vừa vào nhà đã bị Nguyễn Cố nhét giẻ vào miệng, trói chặt lại rồi đợi đến đêm vác ra quăng xuống sông cái. Xong việc, Nguyễn Cố đi về, tưởng không ai hay biết.

Nhưng, chỗ anh ta quăng thầy địa là bờ cát, nước lên thì ngập, nước xuống lại trồi lên, Nguyễn Cố ném thầy địa đang lúc nước rút, đêm khuya nhìn không rõ, cứ tưởng thầy địa chết chìm chứ thực ra thầy địa vẫn còn nằm trên bãi. Bấy giờ, có thuyền chài của họ Trần đi qua, thoáng thấy liền vội cứu. Thầy liền kể hết đầu đuôi sự việc và ngỏ lời rằng mình được cứu thoát, ấy là ơn tái sinh nên xin đem ngôi đất quý đó để báo đáp.

Người nhà họ Trần băn khoăn, vì huyệt ấy thầy đã cho người ta rồi, làm sao lấy lại? Ông thầy bảo mình đã tính kỹ, biết ngôi đất quý ấy, trời chỉ dành cho nhà họ Trần, nên đã có cách.

Đêm ấy trời nổi mưa gió, sấm sét đùng đùng, mãi đến gần sáng mới tạnh. Bấy giờ, thầy địa và người họ Trần mới tìm đến ngôi mộ tổ của Nguyễn Cố thực hiện kế sách. Sáng hôm sau, Nguyễn Cố ra thăm mộ, thấy lưỡi tầm sét lởm chởm, lại thấy cả nước đỏ như máu từ dưới mộ trào lên, nghĩ là đã bị trời đánh, liền cho bốc mộ tổ chôn về chỗ khác. Thầy địa lập tức đem mộ tổ của họ Trần bí mật táng vào.

Ngôi đất quý này, phía trước trông ra ngã ba sông cái thuộc địa phận xã Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc, tục gọi là cửa Tuần Vàng hay Tuần Vường, phía sau lại gối lên mình con voi phục, có lâu đài và cờ kiếm la liệt hai bên, huyệt nằm ở chỗ thổ phúc tàng kim, tọa phương Càn tức Tây Bắc, khán phương Tốn tức Đông Nam. Xong việc, thầy địa có lời đoán rằng: Son, phấn, khói, hoa, hiện ra phía trước, hẳn là vì sắc đẹp mà lấy được thiên hạ.

Người họ Trần nghe vậy, liền nói nếu quả đúng như lời, sau này xin chia đôi lợi lộc. Thầy địa lý đáp, nếu sau này họ nhà ông lấy được thiên hạ, xin cấp cho con cháu mình đời đời đủ cơm ăn áo mặc là được. Sau đó, hai bên lập khoán ước để làm tin.

Nhưng, thầy địa lý vốn là kẻ đa mưu và kín miệng. Ngay sau đó, thầy soạn hai bản sấm thư và dặn con cháu đem cất thật kỹ và dặn, sau này nhà Trần xử sự có hậu nên nói cho họ biết, còn như nếu họ bội ước, thì nên làm như thế này, thế này...

Mất huyệt vì đời sau suy trị

Trước khi ra về, thầy địa còn dặn họ Trần: Tôi còn có một phép có thể giúp giữ nước lâu dài, nhưng xin để sau cũng chưa muộn. Họ Trần lấy làm hân hạnh, sắm sửa lễ vật thật hậu hĩ để đưa tiễn thầy địa về Trung Quốc.

Thế rồi đến đời thứ ba của họ Trần là Trần Thừa, vào năm Kiến Gia thứ 8 thì sinh được người con trai là Trần Cảnh, mũi rồng mắt phượng, sau được Lý Chiêu hoàng nhường ngôi, ấy là Trần Thái Tông. Từ ấy, con cháu thầy địa từ Trung Quốc sang, lần nào cũng được tiếp đãi rất nồng hậu.

Sau, họ Trần đối đãi bạc bẽo dần, con cháu thầy địa liền nói: Ông tổ của thần thuở trước có để lại một bản sấm thư, hẹn đến năm nay thì đưa sang trình. Vua Trần xem qua thấy nói: Ngôi mộ ở xã Thái Đường là nơi phát tích, nhưng từ năm nay trở đi sẽ không còn thịnh vượng nữa, cần phải khai thông đường thuỷ mới giữ được lâu dài.

Bởi quá tin thầy địa, vua liền dựa vào hoạ đồ đã vẽ sẵn trong sấm thư, đào ngay một con sông từ cửa sông cái ở xã Phú Xuân chạy đến xã Thái Đường. Sông này nay vẫn còn dấu tích. Ngờ đâu, cũng bởi việc đào sông mà làm đứt long mạch, khiến cho nhà Trần bị suy yếu, rốt cuộc, bị Xích Chuỷ hầu tức là Hồ Quý Ly cướp ngôi. 

Trong câu chuyện trên, dẫu là thật hay giả thì việc Nguyễn Cố cam tâm làm chuyện phản thầy và giết người thì chẳng đấng nhân từ nào dung tha được. Cũng may hắn sống trong thời loạn phép nước bị rẻ rúng, nếu không hẳn đã chẳng yên...

Còn việc nhà Trần suy trị đó là do đời sau không biết noi gương tiền nhân vun trồng công đức. Vua Trần Dụ Tông tuy được đánh giá thông minh, hiểu rộng, sách vở đều thông nhưng đến khi Thượng hoàng Minh Tông băng hà, ông bỏ bê chính sự ham mê tửu sắc, ra lệnh cho xây cung điện, tạo sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Trong nước, giặc giã nổi lên khắp nơi. Trong khi đó tại triều đình, các bọn gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng.

Vua thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo khiến triều đình rối nát. Bên ngoài xảy ra mất mùa trong nhiều năm. Trần Dụ Tông chỉ có các biện pháp khắc phục tạm thời như sai các nhà hào phú bỏ thóc lúa chu cấp cho người nghèo để chống đói và thưởng chức tước cho họ để trả công. Ông không chú trọng việc đắp đê và làm thủy lợi để phát triển nông nghiệp lâu dài.

Đọc thêm