Hiệu quả các công trình 30a, nhìn từ huyện Sìn Hồ

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 60 huyện nghèo đã được nhà nước giao cho các Bộ ngành, Tập đoàn, Tổng công ty hỗ trợ đầu tư. Nhiều công trình an sinh xã hội quan trọng đã được xây dựng, góp phần đổi thay diện mạo các huyện nghèo. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng công trình còn nhiều điều đáng nói. Câu chuyện ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) là ví dụ.

Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 60 huyện nghèo đã được nhà nước giao cho các Bộ ngành, Tập đoàn, Tổng công ty hỗ trợ đầu tư. Nhiều công trình an sinh xã hội quan trọng đã được xây dựng, góp phần đổi thay diện mạo các huyện nghèo. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng công trình còn nhiều điều đáng nói. Câu chuyện ở huyện Sìn Hồ (Lai Châu) là ví dụ.

Trung tâm cai nghiện không có phòng cai nghiện

Trung tâm chữa bệnh - giáo dục – lao động thường xuyên của huyện Sìn Hồ nằm trên diện tích 8000m2, được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2012. Công trình này được đầu tư mới hoàn toàn, nằm trong kế hoạch đầu tư Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nguồn vốn do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tài trợ. Đây là công trình Trung tâm giáo dục - lao động thường xuyên cuối cùng của tỉnh Lai Châu, được thiết kế cho 50 học viên thường xuyên.

Một công trình của huyện Sìn Hồ
Một công trình của huyện Sìn Hồ

Công trình này được đánh giá là một trong những công trình an sinh xã hội quan trọng của huyện Sìn Hồ, bởi hiện số người nghiện có hồ sơ quản lý của toàn huyện Sìn Hồ là hơn 500 người. Trước đây, khi công trường 05 bị gián đoạn trong 5 năm, số người nghiện ở Sìn Hồ được đưa về tỉnh cai nghiện. Giờ, xây dựng xong Trung tâm, nếu được đưa vào đây, người nghiện được điều trị cắt cơn trong 7 ngày,  rồi điều trị 12 tháng trước khi trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm, ông Hồ Xuân Vĩ – Giám đốc Trung tâm – chỉ cho chúng tôi một loạt bất cập khi nhận vận hành công trình. “Công trình này là Trung tâm cai nghiện, nhưng không có phòng cắt cơn, khu vực cách ly, trong khi nhà bếp quá rộng lại chẳng để làm gì. Tất cả chỉ có 6 phòng ở, lại trang bị giường tầng, vừa chật chội vừa không phù hợp với tính chất đặc thù của một cơ sở cai nghiện” – ông Vĩ nói.

Theo ông Vĩ, phòng cắt cơn phải là phòng được thiết kế đặc biệt, có sẵn nhà vệ sinh ở trong phòng để người nghiện sinh hoạt khép kín ở đây trong thời gian cắt cơn mà không giao lưu với thế giới bên ngoài. Hiện tại, không có phòng nào trong số sáu phòng được xây dựng ở trung tâm đáp ứng yêu cầu đó cả. Khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân bị AIDS giai đoạn cuối cũng không có. Người nghiện đã chia nhóm để tự nấu ăn trong từng phòng mà không cần đến nhà ăn. Vì thế, ông Vĩ đề xuất cải tạo lại hai gian nhà bếp làm khu cách ly cho trung tâm.

Một điều bất hợp lý khác gây nhiều bất tiện cho hoạt động của Trung tâm là nhiều người nghiện dễ dàng trốn thoát khỏi trung tâm do bức tường bao bọc chung quanh Trung tâm được xây quá thấp, lại còn đắp gờ nổi từ bên trong nên người nghiện có thể dễ dàng trèo ra ngoài bất cứ lúc nào.

Giờ đây, Trung tâm cần kinh phí cải tạo lại nhà bếp và tường rào, nhưng huyện thì không có mà nguồn vốn 30a để xây dựng các công trình này thì đã được giải ngân xong.

Có phải do thiết kế cũ?

Trung tâm được xây dựng trên một khu đất toàn đá sỏi, nên việc trồng rau, cây cối ở trung tâm cũng rất khó khăn, nên khu đất được quy hoạch làm vườn giờ đây được đào thành ao, dự định sẽ làm hồ sinh thái và nuôi cá. Đất cho trung tâm thì thiếu, nên người cai nghiện không biết phải làm gì, trong khi đất cho dự án trồng cây thuốc nam ở quanh Trung tâm thì bỏ không. Ông Vĩ chỉ mong có thể “mượn” được khu đất rộng đến 8.000m2 trước mặt trung tâm để người nghiện có thể trồng cây, rau quả... Có như thế thì trung tâm của ông mới trở thành một trung tâm chữa bệnh – giáo dục và lao động được.

“Những bất hợp lý này là do trong quá trình thiết kế, thẩm tra thiết kế không tính toán được đặc thù của loại công trình này” – ông Vĩ nói – “Là giám đốc trung tâm mà tôi không được tham gia từ quy trình thiết kế cho đến việc xây dựng trung tâm, nên khi nhận vận hành Trung tâm tôi mới phát hiện ra những thứ bất hợp lý”.

Hơn nữa, đây là Trung tâm Lao động xã hội được xây dựng sau cùng ở tỉnh Lai Châu, không hiểu tại sao thiết kế lại không tham khảo ý kiến chuyên môn của những người làm công tác cai nghiện, cũng không tham khảo mô hình các trung tâm đã được xây dựng từ trước mà vẫn được UBND huyện Sìn Hồ – chủ đầu tư dự án – thông qua, nghiệm thu.

Vân Thủy

Đọc thêm