Hiểu về chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0

(PLVN) - Trong dòng chảy của cuộc CMCN 4.0, chuyển đổi số đang trở thành vấn đề tất yếu, sống còn của các quốc gia, doanh nghiệp (DN). Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, DN sớm muộn sẽ thất bại.
Hiểu về chuyển đổi số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0

Chuyển đổi số là gì?

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số, nhưng hiểu một cách chung nhất, chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. 

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời; giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN.

Chuyển đổi số khác số hóa như thế nào?

Theo các chuyên gia, "số hóa" là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn "chuyển đổi số" là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

 

Ví dụ Grab trong việc xây dựng ứng dụng gọi xe. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Công ty phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực... Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn...

Vì sao phải chuyển đổi số?

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT: "Câu hỏi mà các DN phải đặt ra vẫn không thay đổi: làm thế nào để tăng trưởng, để có khách hàng, để có lợi nhuận, nhưng cách trả lời rất khác biệt và những công ty chuyển đổi số sẽ thể hiện sự vượt trội. Nói cách khác, nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của DN sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi".

Còn theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TP HCM: chuyển đổi số DN là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của DN bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho DN giảm nhanh.

Như vậy, chuyển đổi số là con đường tất yếu, các DN cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh....

Làm gì để chuyển đổi số?

Theo các chuyên gia, có ba điều cần phải làm. Thứ nhất, là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song song với yếu tố nhân sự. 

Hiểu về trí tuệ nhân tạo – AI như thế nào? 

Trong kỷ nguyên 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn với đời sống toàn cầu, sự phát triển vượt bậc sẽ đến từ ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo, được tạo ra do máy có khả năng thay thế con người tương đối tốt.

Trí tuệ nhân tạo hay AI, là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên được con người thể hiện. Thông thường, thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" thường được sử dụng để mô tả các máy móc bắt chước các chức năng "nhận thức" mà con người liên kết với tâm trí con người, như "học tập" và "giải quyết vấn đề.

 

Con người không thực sự tạo ra "AI - trí thông minh nhân tạo", mà tạo ra chương trình máy tính để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể.Khi một công ty tuyên bố ra mắt tính năng AI mới, nghĩa là họ đang sử dụng công nghệ máy học (machine learning) để xây dựng một hệ thống mạng nơ-ron nhân tạo (neural network) phục vụ riêng cho tính năng đó. Máy học giúp thiết bị có thể “học” cách thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ cụ thể. 

Máy học chứng tỏ là công nghệ tuyệt diệu với nhiều khả năng mạnh mẽ. Tuy nhiên, máy học chưa thể tạo ra trí thông minh nhân tạo đa năng mà vẫn bị giới hạn, nói cách khác công nghệ AI vẫn còn hạn chế.

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. 

Với công nghệ máy học (machine learning), máy tính không được lập trình để thực hiện nhiệm vụ cụ thể, mà được cung cấp dữ liệu để “học” cách hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ nhất định nào đó.

Máy học được sử dụng để “đào tạo” một hệ thống nơ-ron nhân tạo (neural network) - chương trình máy tính sở hữu nhiều lớp phân tích dữ liệu đầu vào, để có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Nó mô phỏng cách não bộ chúng ta hoạt động, với nhiều lớp nơ-ron thần kinh tham gia suy nghĩ về một vấn đề.Tất cả những quá trình này có thể diễn ra hoàn toàn tự động. Tựu trung, AI tại thời điểm này chỉ có thể học cách thực thi nhiệm vụ, nhưng không hiểu bản chất của nhiệm vụ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn với đời sống toàn cầu. Đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2020, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với thời kỳ trước, trong đó 50% sự tăng trưởng sẽ đến từ ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo, được tạo ra do máy có khả năng thay thế con người tương đối tốt.

Đọc thêm