Xây dựng “Thế trận lòng dân”
Theo kế hoạch, Hội nghị tổng kết Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong Quân đội, giai đoạn 2016-2020 sẽ diễn ra vào ngày 17/9/2020 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, là dịp để tuyên truyền, phổ biến những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của Quân đội, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận (CTDV) của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020).
CTDV của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là công tác vận động quần chúng của Đảng, là yêu cầu hàng đầu của quân đội trong thực hiện chức năng đội quân công tác - một trong những chức năng phản ánh bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của QĐNDViệt Nam anh hùng; là một trong những nhân tố quan trọng góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với quân đội, quân đội với nhân dân; thực hiện “Quân với dân một ý chí”.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết và chỉ thị quan trọng về công tác dân vận.
CTDV của quân đội đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế với hàng nghìn chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các cuộc vận động, phong trào, chính sách an sinh xã hội và chính sách hậu phương quân đội.
Trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, quân đội luôn ở tuyến đầu, thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích, có mặt kịp thời ở những nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, không quản hiểm nguy, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Những việc làm nghĩa tình đó làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội của dân luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Những mô hình hiệu quả
Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 cho biết, những năm qua, chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” do Quân khu khởi xướng và thực hiện có tính khả thi cao, hiệu quả thiết thực, xây dựng nội dung, cách thức giúp đỡ nhân dân thoát đói nghèo một cách vững chắc, được các địa phương vận dụng, nhân rộng.
5 năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu 5 đã huy động hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ xóa hơn 500 hộ đói nghèo trên địa bàn. 36/36 đầu mối trực thuộc quân khu giúp 3.278 hộ (986 hộ đói, 2.292 hộ nghèo), trong đó có 763 hộ hoàn vốn và làm ăn có lãi, 1.842 hộ thoát nghèo bền vững, giúp nhiều xã giảm được tỷ lệ và hoàn thành tiêu chí giảm nghèo.
Trong đó, Cục Kỹ thuật quân khu đầu tư 5,9 tỷ đồng xây dựng con đường nhựa dài hơn 3km tạo điều kiện cho bà con mở rộng giao thương, buôn bán. Mô hình “Hũ gạo vì người nghèo” tiết kiệm từ bữa ăn hằng ngày của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đã thu được gần 70 tấn gạo, kịp thời hỗ trợ bà con nơi đóng quân khi gặp thiên tai, hoạn nạn... Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 hỗ trợ giống, hướng dẫn bà con huyện Ea Súp (Đắk Lắk) nuôi bò giống và thỏ.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 còn thực hiện tốt Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; giúp đỡ các địa phương vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa củng cố hệ thống chính trị cơ sở, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bằng cách làm sáng tạo, trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân; xây dựng 2.343 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công, hộ nghèo...
Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ở khu vực biên giới, điều kiện thời tiết, khí hậu bất thường, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của đồng bào các dân tộc còn thiếu thốn.
Hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển chất ma túy, mua bán người, buôn lậu, truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do... tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ của BĐBP.
Những năm qua đã có nhiều mô hình, phong trào, chương trình, đề án về công tác vận động quần chúng của Bộ Tư lệnh Bộ đội BĐBP trên các địa bàn biên giới mang lại hiệu quả cao. Điển hình như: Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; các chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”...
Các đơn vị BĐBP đã nhận đỡ đầu 189 xã xây dựng nông thôn mới (trong đó có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Đẩy mạnh hoạt động quân dân y kết hợp, duy trì các lớp học xóa mù chữ, lớp học tình thương; tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho nhân dân.
Năm 2019, BĐBP đã nhận đỡ đầu gần 3.000 học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới (trong đó có gần 200 học sinh của Lào và Campuchia) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/học sinh đến khi học hết lớp 12.