Vợ đẻ, em gái vợ đến trông cháu giúp chị, chồng bị “cai” lâu ngày thấy cô em vợ thì khó chịu trong người. Vợ biết, mắc võng nằm ngang cửa vào buồng có cô em gái ôm cháu ngủ. Nửa đêm, anh chồng bò dưới võng vợ vào buồng.
Vợ thấy liền cất tiếng ru: “Đêm trăng gà gáy o o/ Hỡi người quân tử kia bò đi đâu?”. Chồng chữa ngượng: “Đêm đông gà gáy o o/ Anh ngủ chẳng được anh bò đi chơi!”. Cô em vợ ru cháu: “Cháu ăn cho no, cháu ngủ cho no/ Của dì, dì giữ ai bò mặc ai”.
Hãy thử tưởng tượng là chuyện đó xảy vào thời nay. Người vợ lấy điện thoại thông minh ra quay cảnh chồng bò rồi đưa lên mạng xã hội thì chuyện sẽ ra sao? Vẫn chỉ là cười thôi và những lời “còm” đàm tiếu khiến anh chồng mất mặt. Anh ta cáu và có thể kiện vợ đến cơ quan chức năng, nhất định chị này bị phạt vì “xâm phạm hình ảnh riêng tư của người khác”.
Cô em vợ cũng có thể bị vạ lây bởi thiên hạ suy đoán “có tội” (thường là thế) là anh kia đã nhiều lần bò vào rồi nay mới bị phát hiện mà thôi. Cô ta có khả năng bị “ế” vì lời “còm” đó và kiện cái người kia ra tòa vì “vu khống”... Còn cô vợ, có lý lẽ của riêng mình: “Tôi chỉ bảo vệ hạnh phúc gia đình thôi!”.
Như vậy, rất có nhiều khả năng xảy ra và sẽ tốn không ít thời gian, tâm sức của các nhà xã hội học, nghiên cứu tâm lý, đạo đức học, luật học, cơ quan công quyền, tổ chức bảo vệ phụ nữ…, và tất nhiên cả báo chí. Kết cục, sẽ hòa cả làng vì đã có chuyện gì xảy ra đâu, người ta đã cố tình quên cái kết “của dì, dì giữ, ai bò mặc ai” để mà “chuyện bé xé ra to”. Ngày xưa, dân gian chỉ dừng lại ở đấy, đủ sức phê phán nhẹ nhàng anh chồng và cười vui vẻ với nhau.
Với cảnh riêng tư, ai cũng có nhưng sinh hoạt “kín” không thể phơi bày như chuyện chăn gối hay thay quần áo... mà lại đưa cái sự kín ra công khai thì không ai chấp nhận cả. Trường hợp này thường là quay lén, chụp trộm và cũng chẳng có gì phải bàn cãi khi hành vi đó đã được pháp luật điều chỉnh, ai làm thì phải chịu sự xử lý theo quy định pháp luật mà thôi; nhẹ thì bị phạt hành chính, lớn thì phải chịu trách nhiệm hình sự, thiệt hại thì phải bồi thường, chuyện đó rõ như ban ngày. Nên lưu ý là có những trường hợp chụp trộm, quay lén, phát tán trên mạng đã để lại những hậu quả hết sức đau xót, thương tâm.
Dư luận xã hội cần lên án hành vi này và phải bảo vệ kịp thời những nạn nhân của trò đùa chết người này. Riêng đối với trường hợp cố tình khoe thân ở nơi công cộng rồi bị đưa lên các phương tiện truyền thông để phê phán mà người đó lại cho rằng mình bị “xâm hại hình ảnh riêng tư” mà “đòi lẽ công bằng” thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Tương tự, có cán bộ chửi dân bị đưa lên mạng xã hội cũng đòi người ta phải xóa, phải xin lỗi,... Xin lỗi, hành xử không đúng mực, trong khi đang thực hiện công vụ, ghi hình công khai, đưa lên thì có tội gì?
Giữ gìn hình ảnh cá nhân không để người khác xâm hại bằng cách sống lành mạnh, mực thước, đường hoàng, xử sự có văn hóa,... thì loại trừ được những hành vi chụp trộm, quay lén và đó là cách tốt nhất để giữ gìn hình ảnh cá nhân, dù ảnh thật hay nghĩa trừu tượng của hình ảnh.
Còn trong trường hợp có nguy cơ bị xâm hại hình ảnh hoặc phẩm giá của mình thì hãy xử sự như cô em vợ kia “của dì, dì giữ” thì có ai xâm hại được, thêm nữa, đạo lý và pháp luật đều bảo vệ việc giữ gìn đó, có ngại gì!