Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang bàn thảo việc cho ra đời ngành Gia đình học trong các trường văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao giá trị truyền thống gia đình.
|
Gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa |
Lỏng lẻo hai chữ “gia đình”
Ngày nay, Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép người dân được tự do tìm hiểu, yêu nhau rồi kết hôn. Nhưng dường như ngày càng có nhiều cặp vợ chồng không có được cuộc sống hạnh phúc, có cặp sau hôn nhân là sự bất hạnh triền miên, xung đột, bạo lực, rồi dẫn đến chia ty, để lại đằng sau là những đứa trẻ có mẹ vắng bố, có bố nhưng vắng mẹ.
Qua các con số báo cáo tại các tòa thì vụ án về ly hôn đang chiếm trên 50% các vụ án về dân sự. Đáng nói, số vụ ly hôn trong các gia đình trẻ tăng nhanh nhất với trên 70% tập trung ở độ tuổi 22-30, trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con. Điều đó cho thấy 5 năm đầu chung sống, nhiều đôi vợ chồng gặp những khó khăn bước đầu, thiếu trải nghiệm, thiếu kỹ năng sống... và rồi họ sẵn sàng chia tay nhau.
Số liệu thống kê của VKSND tối cao năm 2008 cho thấy, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng lúc. Nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo dưỡng, có gần 50% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần mẹ đánh), bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%.
Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình. Bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển và xã hội hội đối với gia đình hiện đại.
“Trắng” cán bộ gia đình học
Hiện, cán bộ thực hiện công tác gia đình tại địa phương còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác gia đình: Chỉ có 14% cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình tại địa phương đã từng tham gia công tác gia đình, 64% cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình tại địa phương tiếp nhận, tích lũy kinh nghiệm trong công tác gia đình từ năm 2008 đến nay mà chưa hề có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực này.
Do đó, có rất nhiều thách thức khó khăn trong việc triển khai công tác gia đình. Chỉ có khoảng 1/3 cán bộ được đào tạo chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tuyệt nhiên không có cán bộ nào được đào tạo cơ bản chuyên ngành về gia đình.
Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trường Đại học Văn hóa tổ chức cuộc hội thảo về “Đào tạo ngành Gia đình học trong các trường văn hóa nghệ thuật” vào ngày 28/11/2011 tại Hà Nội để góp phần nâng cao đội ngũ làm công tác gia đình.
Th.S.Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay: “Đào tạo môn văn hóa gia đình để trang bị nhóm kiến thức về những vấn đề văn hóa trong lĩnh vực gia đình cho các cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, từ đó, giúp họ nhận thức đầy đủ về nguyên lý cấu thành, lịch sử phát triển và xu hướng biến đổi của gia đình, những giá trị chuẩn mực trong văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống cũng như những vấn đề thực tế đặt ra trong lĩnh vực gia đình hiện nay”.
Những kiến thức chung về gia đình, bao gồm: Cơ sở hình thành gia đình, chức năng của gia đình, đặc trưng của gia đình, quy mô, cấu trúc gia đình, quy định ứng xử giữa các thành viên trong quan hệ gia đình truyền thống, những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng trong gia đình truyền thống, giáo dục trong gia đình truyền thống, quan hệ gia đình với họ mạc và làng xã, vấn đề tạo hôn, kết hôn với người nước ngoài, các kiểu biến thể gia đình, bao lực gia đình, quyền trẻ em, bình đẳng giới...
Hy vọng, việc ra đời ngành Gia đình học sẽ góp phần là “thành trì” bảo vệ truyền thống văn hóa gia đình ngày một vững chắc.
Sau 2 năm trường ĐH Văn hóa Hà Nội triển khai đào tạo thí điểm môn học văn hóa gia đình, có thể nhận thấy rõ sự hứng thú của sinh viên khi tiếp nhận mảng kiến thức này. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi do sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, việc nắm bắt được đầy đủ các giá trị của văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam cũng như xu hướng phát triển của gia đình hiện đại sẽ giúp cho công tác vấn động quần chúng của người cán bộ văn hóa cơ sở tránh được những cực đoạn. PGS.TS Nguyễn Văn Cương (Hiệu trưởng trường ĐH Văn hóa Hà Nội) Việc giảng dạy những nội dung về văn hóa gia đình vô cùng đa dạng và phong phú, tùy theo cấp độ đào tạo, phạm vi và đối tượng đào tạo. Chỉ nói riêng đến văn hóa của 54 dân tộc của Việt Nam, từ cách tiếp cận văn hóa gia đình, cũng đã thấy cả tầng tầng lớp lớp các chiều cạnh văn hóa gia đình cần được giảng dạy. PGS.TS Xã hội hội Hoàng Bá Thịnh (Trường ĐHKHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) |
Thùy Dương