Hình xăm trên gáy cô hiệu phó và những câu hỏi khó của trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có một thực tế là không ít phụ huynh thường lảng tránh, hoặc trả lời qua quýt các câu hỏi khó của con trẻ liên quan đến những vấn đề mà họ cho là “nhạy cảm”, hoặc khó trả lời.

Những ngày vừa qua, người ta tranh luận nhiều về một hình xăm trên gáy một cô hiệu phó ở Hà Nội. Có người cho đó là chuyện thường tình, vì hình xăm nhỏ, nhẹ nhàng, ở vị trí kín đáo. Nhưng cũng không ít phụ huynh lo lắng, việc cô giáo xăm hình và tấm ảnh được lan truyền khắp nơi, liệu có gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh? Liệu hình ảnh này có làm dấy lên trong suy nghĩ của bọn trẻ những thắc mắc, so sánh, hoài nghi?

Phụ huynh cần có những cuộc trò chuyện cởi mở, giải đáp cho con những thắc mắc. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh cần có những cuộc trò chuyện cởi mở, giải đáp cho con những thắc mắc. (Ảnh minh họa)

Trên một diễn đàn về nuôi dạy con, chị Quyên, cũng là giáo viên một trường tiểu học tại TP HCM đưa ra ý kiến: “Một hình xăm chỉ là chuyện nhỏ, chuyện cá nhân của mỗi người. Nhưng khi nó có trên cơ thể giáo viên, lại là hiệu trưởng có thể sẽ dẫn đến một số “cái khó” cho các thầy cô giáo khác và cả phụ huynh học sinh khi cần giải thích cho học sinh. Các em sẽ thắc mắc rằng, tại sao học sinh thì bị cấm, nhưng cô giáo thì được làm?. Và thực tế là con tôi ở nhà đã hỏi rồi, khi nhìn thấy cô giáo dạy vẽ của mình có một hình xăm cánh hoa trên cổ tay”.

Trong cuộc sống hàng ngày, những câu hỏi từ phía các con mà phụ huynh cần đối mặt không chỉ có chuyện xăm hình. Ở một thế giới phẳng, cùng với sự phát triển của công nghệ khiến con trẻ có thể tiếp nhận số thông tin đa dạng từ mạng xã hội. Thế nên, biết bao phụ huynh đã phải gặp khó trước những câu hỏi của con: Ăn mặc hở hang có xấu không, sao có người lại mặc chụp ảnh đăng lên mạng? Sao nam diễn viên này lại bị gọi là “lăng nhăng”, nữ diễn viên nọ bị gọi là “người thứ 3”?...

Có một thực tế thường thấy, là không ít phụ huynh thường lảng tránh, hoặc trả lời qua quýt các câu hỏi khó của con trẻ liên quan đến những vấn đề mà họ cho là “nhạy cảm”, hoặc khó trả lời. Tuy nhiên, việc từ chối hoặc lảng tránh trả lời những thắc mắc khó giải đáp của trẻ con không phải là một phương pháp giáo dục tốt cho con. Nếu phụ huynh không đưa ra câu trả lời, rất có thể con trẻ tự lý giải hoặc tự đi tìm câu trả lời cho mình, và rất có thể sự giải đáp ấy lại lệch lạc.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh, khi đối diện với những thắc mắc của con về nhiều vấn đề hóc búa, tế nhị trong đời sống, phụ huynh cần nghiêm túc ghi nhận và thảo luận với nhau, thống nhất để đưa ra cách giải đáp tốt nhất cho nhận thức của trẻ con.

Theo chuyên gia, nhiều phụ huynh rất lo lắng và khó nghĩ khi lý giải nhiều vấn đề cho con. Ví dụ câu chuyện người lớn xăm hình, chuyện đồng tính, những vấn đề về tình dục… Quả thật, không dễ để giải thích cho con hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác, nhưng vẫn giữ cho con ranh giới đạo đức để con không coi nhiều vấn đề tiêu cực là hiển nhiên và học theo. Con trẻ cần hiểu rằng, giới tính, hình thể, sở thích chính đáng của người khác cần được tôn trọng, không nên bị xúc phạm.

“Nhưng con cũng cần học được giới hạn của hành vi. Có những hành vi chỉ đến một độ tuổi nhất định mới có thể thực hiện. Ví như câu chuyện xăm hình, các hành vi tình dục. Với những câu chuyện chuyển giới, đồng giới, phụ huynh cũng cần nói chuyện với con về nguồn gốc của những vấn đề giới tính “khác biệt” này bằng sự tìm hiểu nghiêm túc về giới tính, không chê bai, chỉ trích quá khích. Kinh nghiệm cho thấy, những bậc phụ huynh có thái độ cởi mở, có thể trò chuyện với con các vấn đề trong cuộc sống, sẽ nuôi dạy được con trẻ có tầm nhìn, có suy nghĩ độc lập và có thái độ sống văn minh”, chuyên gia Lê Thị Minh Nga nói.

Đọc thêm