Hộ khẩu - hy vọng và ám ảnh

(PLO) - Cho mãi tới những năm cuối cùng của thế kỷ XX, câu ca dao mới “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/Có hộ khẩu Hà Nội đời đời ấm no” gần như là một giá trị bất biến. Hộ khẩu thành phố, nhất là Thủ đô trở thành mơ ước, hy vọng của rất, rất nhiều thế hệ; nhưng đồng thời nó cũng là nỗi ám ảnh cho đến tận bây giờ. 
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Căn cứ pháp lý đầu tiên về vấn đề quản lý cư trú qua hộ khẩu là Nghị định 104-CP ngày 27/06/1964 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu. Kể từ đó hộ khẩu xuất hiện chính thức ở Việt Nam để đảm bảo cho việc quản lý cư trú. Câu chuyện bỏ hộ khẩu đã được bàn đến nhiều năm nay từ chủ yếu là phía người dân, phía những người chịu tác động tiêu cực từ “gông cùm” hộ khẩu khá đặc thù ở Việt Nam nhưng rồi rơi vào im lặng.

Do vậy, “bỏ hộ khẩu, bỏ chứng minh thư nhân dân” được báo chí nêu ra cuối tuần trước, ngay lập tức trở thành vấn đề “thời sự” xã hội, dân sinh rất được quan tâm. Theo đó, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an. Nghị định sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ai cũng biết, chỉ riêng vấn đề hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (CMTND) hiện đang được điều chỉnh bởi 32 văn bản quy phạm pháp luật. Phải nói là một “rừng luật”. Do vậy, việc “bỏ hộ khẩu, CMTND” không nghi ngờ gì nữa, đây là một giá trị của hội nhập, của khoa học công nghệ mà Việt Nam thừa nhận. 

Ai cũng biết, năm 2006 với việc thông qua Luật Cư trú, lần đầu tiên Quốc hội nước ta long trọng cam kết “quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đặc biệt, với các quy định mới về Luật Hộ tịch (Luật số 60/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016), quy định về thẻ căn cước công dân chúng ta hoàn toàn xóa bỏ hộ khẩu mà vẫn có thể quản lý tốt dân cư. 

Mỗi một người có một mã số định danh cá nhân suốt đời, thì dù đi đâu chỉ cần đăng ký, xác nhận là cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác được người đó di chuyển từ đâu đến, đang ở đâu. Giá trị này nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu, ở châu Âu, thậm chí chỉ một cái hộ chiếu người ta sẽ dùng nó chung cho việc lưu chuyển, cư trú ở các quốc gia khác nhau trong khối EU, có thể thay thế cho tất cả các giấy tờ tương tự ở Việt Nam như CMND, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy khai sinh. 

Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta dã và đang tiệm cận được với một số giá trị văn minh, đẩy lùi một số “gông cùm” hành hạ con người.