“Nàng tiên xinh đẹp” giữa xứ sở của chè
Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, chạy qua xã Tân Cương nổi tiếng với những cánh đồng chè xanh bạt ngàn, du khách sẽ đặt chân đến khu du lịch hồ Núi Cốc. Hồ Núi Cốc vốn dĩ là hồ nhân tạo, được tạo nên sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng trong các năm 1973 đến 1982, gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ, có diện tích mặt hồ rộng khoảng 25km2.
Hồ Núi Cốc còn là chốn hẹn hò cho các cặp đôi vì gắn liền với nhiều câu chuyện tình yêu bất diệt mang đậm màu sắc huyền thoại. Tình yêu của đôi trai gái bị chia cắt đã hóa thân thành núi non, sông hồ, cây cối và sừng sững đứng đó như một minh chứng tình yêu mãi trường tồn với thời gian. Khu du lịch hồ Núi Cốc được xây dựng trên khuôn viên rộng 19.000ha, từ lâu đã hấp dẫn du khách bởi nét đẹp thiên tạo gắn với câu chuyện tình đẹp đã đi vào ca khúc “Huyền thoại hồ Núi Cốc” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Hồ Núi Cốc nổi tiếng với những thiên tình sử nhuốm màu sắc huyền thoại. |
Truyền thuyết kể lại rằng, dưới chân Tam Đảo có chàng trai nghèo tên Cốc, làm nghề đốn củi. Vì nghèo nên chàng không dám cưới vợ, chỉ làm bạn với cây sáo trúc. Khi buồn, chàng hay thổi sáo và thổi rất hay. Một năm hạn hán, Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công xin làm thuê. Quan lang có người con gái tên Công nổi tiếng xinh đẹp, hát hay và múa giỏi. Đến tuổi lấy chồng nhưng Công vẫn chưa ưng dù nhiều người ướm hỏi.
Duyên trời định đã khiến nàng Công say mê tiếng sáo chàng Cốc và họ yêu nhau lúc nào không hay. Biết chuyện, quan lang rất tức giận. Ông giao cho Cốc làm những việc khó khăn và nguy hiểm hòng giết chàng, chia rẽ đôi tình nhân. Nhưng với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại loại thú rừng, Cốc đã hoàn thành nhiệm vụ. Điều này càng làm quan lang tức tối. Quan ra lệnh nhốt nàng Công trong nhà rồi cho quân truy đuổi Cốc.
Phần Cốc, chàng về quê chờ nàng Công. Nhưng cứ chờ mãi, chờ đến khi hóa thành ngọn núi sừng sững. Còn nàng Công, vì khóc thương người yêu ròng rã từ ngày sang ngày mà nước mắt chảy dài thành sông, thân thể cũng tan ra thành nước. Tương truyền, dòng sông mà nàng Công hóa thân thành đã tìm cách chảy về để hội ngộ với núi Cốc. Mỗi đợt lũ lên là những lúc nàng Công cố vươn mình để gần với người yêu hơn. Không chỉ níu giữ bước chân du khách bằng những câu chuyện tình huyền thoại, hồ Núi Cốc còn khiến lòng người mê đắm bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ.
Vẻ đẹp của hồ Núi Cốc đủ làm siêu lòng cả những vị khách khó tính nhất. |
Trên con đường nhựa uốn lượn, ôm ấp quanh sườn núi Đông Bắc, lướt qua những quả đồi phủ xanh cây rừng, những nương chè xanh mướt của xã Tân Cương nằm bên dòng sông Công, bạn sẽ thấy hồ Núi Cốc ngay trước mặt. Hồ giống hệt mặt gương khổng lồ in chiếu vạn vật, khiến cảnh sắc càng thêm mơ màng quyến rũ. Bao quanh hồ là núi non trùng điệp, đồi chè và cây rừng trải dài tít tắt như mở ra sự mênh mông, bao la của đất trời.
Bên thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, mặt nước phẳng lặng, những hòn đảo lớn nhỏ nổi lên giữa sóng hồ, thơm tho của núi rừng phảng phất có mùi chè, bạn sẽ thấy trào dâng trong lòng cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Tất cả tạo nên mãnh lực hấp dẫn khiến người ta tạm xa phố xá đông đúc, thành thị phồn hoa để tìm về những gì nguyên sơ của thiên nhiên.
Hồ Núi Cốc còn được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn” với 89 đảo lớn nhỏ chạy dọc suốt 17km đường hồ. Đã đến hồ Núi Cốc, chắc chắn ai cũng một lần đi thuyền trên mặt hồ phẳng lặng, duyên dáng để khám phá một “vịnh Hạ Long” đậm chất núi rừng. Con thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt hồ huyền thoại sẽ đưa bạn qua ghé thăm những đảo đất hoang sơ xinh đẹp như đảo Cò, đảo Khỉ, đảo Bạch Đàn, đảo Trám, đảo Cái...
Du khách sẽ nghe thấy tiếng khỏa nước nhẹ nhàng, đều đặn của mái chèo trong không gian yên ắng của đất trời. Con người sẽ thấy mình thật nhỏ bé nhưng không hề đơn độc giữa một vùng hồ thơ mộng, lung linh màu sắc cổ tích. Hồ đẹp nhất vào khoảnh khắc bắt đầu ngày mới và ráng chiều buông, dát vàng dòng sông, hay khi sương phủ làm cho cảnh vật ẩn hiện thấp thoáng, mờ ảo vô cùng quyến rũ.
Chùa Thác Vàng trong quần thể khu du lịch hồ Núi Cốc là một địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. |
Ở khu du lịch hồ Núi Cốc còn có ngôi chùa Thác Vàng được mô phỏng theo mô hình “Chùa thiêng Thác Vàng nằm trong lòng Phật”. Chùa nằm trong pho tượng rỗng khổng lồ, tạc hình Phật Thích Ca Mâu Ni cao 45m màu vàng rực dưới nắng. Chùa là điểm hành hương, chiêm bái của nhiều du khách thập phương dịp lễ tết, đầu năm.
Ngoài ra còn nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác ở khu du lịch hồ Núi Cốc như động Huyền Thoại cung, động Ba Cây Thông, động thế giới Cổ tích, vườn động vật hoang dã, Âm Phủ với những mê cung huyền ảo và sân khấu nhạc nước… Cùng đó là nhiều hoạt động vui nhộn, thử thách khác để du khách thỏa mình khám phá, ngoài những phút giây lênh đênh ngắm nhìn sông nước.
Mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2025
Ngày 25/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố quy hoạch vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn 1 cho các doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 10.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, vùng hồ Núi Cốc là khu du lịch trọng điểm quốc gia, khu du lịch sinh thái có quy mô gần 200 km2, gồm 9 xã và 1 thị trấn thuộc thành phố Thái Nguyên và 2 huyện (Phổ Yên, Đại Từ), trong đó diện tích thuộc Thành phố Thái Nguyên trên 5.400 ha, diện tích thuộc huyện Đại Từ trên 10.000 ha và diện tích thuộc huyện Phổ Yên hơn 3.400 ha.
Dự tính đến năm 2020, dân số toàn vùng quy hoạch từ 60,5 đến 62 nghìn người; đến năm 2030 từ 68 đến 70 nghìn người. Vùng du lịch này được định hướng phát triển thành phân vùng phát triển kinh tế bao gồm khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vùng trồng chè tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp, vùng rừng tự nhiên, phòng hộ và Khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị.
Những trò chơi cảm giác mạnh tại khu du lịch hồ Núi Cốc. |
Toàn bộ vùng du lịch này được chia thành 5 khu chức năng bao gồm: Du lịch, thể thao, thương mại dịch vụ tổng hợp với số vốn đầu tư 850-900 tỷ đồng; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái vốn đầu tư 8.100-8.300 tỷ đồng; Trung tâm hành chính mới vốn đầu tư 450-500 tỷ đồng; Khu đô thị và dịch vụ du lịch - Thị trấn Quân Chu.
Các doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 1 bao gồm các dự án: Dự án xây dựng hệ thống giao thông và thoát nước quanh Hồ Núi Cốc; Khu du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng Hồ Núi Cốc; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Quốc tế; xây dựng khu du lịch phía Nam Hồ Núi Cốc; du thuyền và hệ thống bến đỗ; Tổ hợp trung tâm du lịch quốc tế, vui chơi và nghỉ dưỡng 5; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Núi Cốc; đường đô thị Đán - Hồ Núi Cốc.
Hồ Núi Cốc đang được đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2025 (ảnh: Trần Đoàn Huy). |
Cũng theo phê duyệt của Thủ tướng, khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao, văn hóa giải trí cao cấp của cả miền Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, trở thành nguồn kinh tế lớn, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân.
Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc phấn đấu đến năm 2025 đón được khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10.000 lượt; năm 2030 đón được 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng; năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Với vai trò là khu du lịch trọng điểm quốc gia, khu du lịch Hồ Núi Cốc định hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ, khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo an toàn, chất lượng môi trường nước hồ Núi Cốc; khai thác lợi thế về cảnh quan hồ, hệ sinh thái chè và văn hóa trà Thái Nguyên để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù; gắn kết không gian với các tiềm năng du lịch khác trong tỉnh, đặc biệt là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, chú trọng tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng trung du Bắc bộ để hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn…