Hồ sơ quốc tịch "nằm chờ" thủ tục

 Với Luật Quốc tịch 2008, công tác quốc tịch đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Nhưng thực tế đang đặt ra yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các hồ sơ về quốc tịch cho người dân, trên cơ sở sự phối kết hợp của các cơ quan chức năng…

Với Luật Quốc tịch 2008, công tác quốc tịch đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Nhưng thực tế đang đặt ra yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các hồ sơ về quốc tịch cho người dân, trên cơ sở sự phối kết hợp của các cơ quan chức năng…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hạn chế lớn nhất là thời hạn giải quyết

Từ khi Luật có hiệu lực, hơn 2 năm qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan trung ương, như Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Chính phủ, Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và UBND các tỉnh, thành phố  để thụ lý hồ sơ về quốc tịch, chuyển về các cơ quan trong nước xem xét, xử lý và trình Chủ tịch Nước ra quyết định.

“So với trước đây, trung bình cần 3-4 năm để giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch thì nay chỉ còn 1 năm. Hồ sơ xin thôi quốc tịch cũng đã được giải quyết trong 3-6 tháng (trước trung bình cần 6-7 tháng). Thậm chí có hồ sơ được giải quyết trên dưới 1 tháng” - ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Bộ Tư pháp) .

Sáng qua (12/8), ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp) – cho biết, trong 2 năm triển khai Luật Quốc tịch mới, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là qui trình giải quyết hồ sơ về quốc tịch.

Điểm hạn chế lớn nhất của công tác quốc tịch trong thời gian qua là thời hạn giải quyết các hồ sơ về quốc tịch. Thời gian giải quyết các hồ sơ về quốc tịch dù đã được đẩy nhanh nhiều, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu của luật, đặc biệt là thời hạn giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam. Đại diện Sở Tư pháp TP.Hà Nội từ thực tiễn giải quyết hồ sơ về quốc tịch trên địa bàn nhận định, “đảm bảo thời hạn giải quyết phụ thuộc vào nhiều cơ quan khác, nên nếu không đảm bảo thời hạn phối hợp chung thì rất khó đảm bảo thời hạn theo yêu cầu của luật”.

Theo qui định thì thời hạn giải quyết nhập quốc tịch là 6 tháng, hồ sơ trở lại, thôi quốc tịch là 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, chỉ có 20 ngày đối với hồ sơ xin thôi quốc tịch, 30 ngày đối với hồ sơ xin nhập, trở lại quốc tịch để Bộ Tư pháp kiểm tra, xem xét, lập danh sách, trình lãnh đạo Bộ lập tờ trình trình Chủ tịch nước quyết định.

Trong sự “gò bó” của qui định thời hạn giải quyết hồ sơ về quốc tịch, quá trình giải quyết những hồ sơ về quốc tịch có nhiều phức tạp, nên thời gian giải quyết hiện nay thường bị kéo dài hơn qui định của pháp luật. Thậm chí một số thường không thể giải quyết dứt điểm ngay.

Thực hiện Luật Quốc tịch 2008, số lượng hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam phải chuyển Bộ Công an xác minh giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời hạn xác minh của cơ quan công an vẫn bị kéo dài đáng kể so với qui định, có địa phương phải mất 2 – 3 tháng mới xác minh được những hồ sơ xin nhập quốc tịch theo Điều 22 Luật Quốc tịch.

Có lỗi của các cơ quan thực hiện

Việc nhiều hồ sơ về quốc tịch phải “nằm chờ” không chỉ do các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ chậm giải quyết, mà một phần cũng xuất phát từ việc các cơ quan thụ lý hồ sơ (các Sở Tư pháp và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài) chưa thực hiện nghiêm túc các qui trình giải quyết hồ sơ theo qui định của Luật Quốc tịch và văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Ước tính, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mỗi năm nhận được khoảng 10.000 hồ sơ về quốc tịch. Nên dù chỉ một số hồ sơ về quốc tịch do cơ quan lãnh sự gửi về chưa đáp ứng yêu cầu (vì khai theo mẫu hồ sơ cũ hoặc không viện dẫn văn bản đang có hiệu lực), cũng khiến số hồ sơ về quốc tịch tồn lại rất lớn.

Tuy vậy, tình trạng này cũng vì nguyên nhân rất khách quan là do điều kiện xa xôi, cần nhiều thời gian hồ sơ mới chuyển về được nên khi làm hồ sơ thì đúng qui định nhưng về đến Bộ Tư pháp đã trở nên “lỗi thời”… như lý giải của đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Mới đây, 8 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam do Sở Tư pháp TP.Hà Nội trình bị trả lại vì không đảm bảo hình thức và yêu cầu làm lại công văn đề xuất. Đó cũng là một trong những vấn đề “góp sức” kéo dài thời gian quá trình giải quyết hồ sơ về quốc tịch hiện nay.

Hơn nữa, khi giải quyết hồ sơ về quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM thường phải nhận “sự phàn nàn của người dân vì thủ tục tra cứu”. Theo qui định, khi có yêu cầu xác nhận người có quốc tịch hay gốc Việt Nam, Sở Tư pháp phải tiến hành thủ tục tra cứu xem người đó đã bị thôi quốc tịch Việt Nam hay chưa. “Thực tế “cứng nhắc” này khiến thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài thêm” – ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp) thừa nhận.

Từ thực tế cho thấy, các cơ quan có liên quan đều “có trách nhiệm trong việc chậm giải quyết” hồ sơ về quốc tịch. Do đó, việc tuân thủ đúng qui trình  luật định và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan mới đảm bảo việc giải quyết hồ sơ về quốc tịch đúng thời hạn và có bước chuyển mạnh mẽ./.

Kể từ ngày 1/7/2009 đến nay, cùng với sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho nhập, trở lại, thôi quốc tịch Việt Nam đối với 23.702 người (trong đó thôi quốc tịch là 21.760 người, nhập quốc tịch 1.962 người, trở lại quốc tịch là 16 người)

Riêng 6 tháng đầu năm 2011, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước ra quyết định giải quyết các việc về quốc tịch 8.527 trường hợp (tăng gần gấp 2 cùng kỳ năm 2010). Trong đó, 6.779 trường hợp đã có Quyết định của Chủ tịch Nước, còn 1.748 trường hợp đã trình nhưng chưa có Quyết định.

Xuân Hương

Đọc thêm