Hỗ trợ để 'vũ phu' ngừng đánh vợ, tại sao không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để đi đến tận gốc rễ của vấn đề “vì sao đàn ông đánh vợ” có lẽ cần thiết phải tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi: Câu chuyện sau hành vi bạo lực của họ là gì? Niềm tin, quan điểm nào đang củng cố hành vi bạo lực của họ? Để thay đổi hành vi bạo lực họ cần gì và xã hội cần làm gì?...

Vì sao đàn ông đánh vợ?

Xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một trong 4 xã tại hai địa bàn tỉnh Yên Bái và Nghệ An được Tổ chức HAGAR International tại Việt Nam thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2022.

Ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là thành viên đội phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được thành lập với thành phần là cán bộ chủ chốt cấp xã, thôn và những người có uy tín trong cộng đồng.

Trao đổi với truyền thông, ông Cảnh cho biết trường hợp nặng nề nhất ở địa phương là một người đàn ông chưa đến 40 tuổi đã kịp qua lấy vợ 3 lần. Và điều đặc biệt là cả 3 người vợ đều bị bạo lực gia đình. Hai người vợ trước do không chịu được những trận đòn chồng nên đã ly hôn. Cuộc hôn nhân thứ 3 này cũng không khác gì hai lần trước. Người vợ liên tục bị đánh, mọi nơi mọi lúc và bằng mọi thứ người chồng vớ được trong tầm tay…

Do sự bất bình đẳng giới đang tồn tại rất sâu bền trong nhiều gia đình, nên nam giới luôn cho mình có nhiều đặc quyền để định đoạt/trừng phạt cuộc sống của vợ con

Do sự bất bình đẳng giới đang tồn tại rất sâu bền trong nhiều gia đình, nên nam giới luôn cho mình có nhiều đặc quyền để định đoạt/trừng phạt cuộc sống của vợ con

Trong khuôn khổ của dự án, khảo sát trước khi thực hiện dự án về thực trạng về bạo lực với người dân sống tại 4 xã Minh An, Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái và xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho thấy đa số người được khảo sát đều khẳng định người nắm quyền quyết định những vấn đề của gia đình phải là chồng/nam giới trong nhà (79,9% đồng ý).

Từ đây, cũng kéo theo một số nhận thức khác như: người vợ tốt là phải biết vâng lời chồng (62,7% đồng ý); người vợ biết im lặng khi bị chồng đánh, chửi để bảo vệ danh tiếng gia đình là người khôn ngoan (44,6% đồng ý). “Quan điểm của tôi là không để đàn bà quyết định được” – một nam giới tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết.

Để xác định nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới, BLGĐ, các lý thuyết hiện hành, các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đều xác định đó chính là sự mất cân bằng quyền lực và thái độ cá nhân chấp nhận bạo lực cả trong gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát tại 4 xã trên có thể thấy, số đông vẫn lầm tưởng cho rằng các yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực là nguyên nhân chính.

Ví dụ như, 33,7% người được hỏi cho rằng nguyên nhân chính của hành vi BLGĐ là do “nam giới uống rượu, cờ bạc/có bồ/ nghiện ngập”. Thậm chí, một số quan điểm còn khẳng định rằng, nếu không có rượu, người chồng, người cha đó rất hiền hành, chăm chỉ, yêu vợ thương con. Không chỉ dùng rượu để bao biện cho hành vi bạo lực của nam giới, gần 16% người được hỏi còn đổ lỗi do phụ nữ đã vụng về, không biết cách cư xử nên mới khiến nam giới gây ra bạo lực (!).

“Nguyên nhân là do một phần do phụ nữ vụng, không biết cư xử, nếu phụ nữ khéo léo hơn thì tỷ lệ bạo lực sẽ giảm đáng kể” – một nam giới ở xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, Yên Bái cho biết. “Vợ nói nhiều, hay cằn nhằn thì đánh là đúng. Mình dịu dàng nhẹ nhàng thì làm sao chồng đánh” – một phụ nữ ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết.

Một buổi Tham vấn câu lạc bộ nam giới “Gia đình chung sức” tại Yên Bái trong khuôn khổ dự án của HAGAR.

Một buổi Tham vấn câu lạc bộ nam giới “Gia đình chung sức” tại Yên Bái trong khuôn khổ dự án của HAGAR.

Bên cạnh đó, 18,5% người được khảo sát cũng cho rằng BLGĐ là do kinh tế khó khăn và 15,5% do bản tính nam giới vũ phu. Họ lý giải, do nghèo đói, không đủ ăn, quẫn bách, vợ chồng cãi vã, rồi bản tính nam giới vốn vũ phu nên đã đánh vợ và nếu gia đình đủ ăn thì sẽ thuận hòa.

Và một điều đáng lo ngại hơn, khi 35,3% người được hỏi đồng với quan điểm “chồng nghi ngờ/phát hiện vợ không chung thủy, chồng đánh vợ là đúng’’. Thậm chí ở tình huống ngược lại, có tới 11,2% đồng ý rằng khi “vợ nghi ngờ/phát hiện chồng có quan hệ với người khác, chồng đánh vợ vẫn là đúng”…

Qua những thông tin trên đây có thể thấy sự bất bình đẳng giới đang tồn tại rất sâu bền trong nhiều gia đình. Từ đó, nam giới luôn cho mình có nhiều đặc quyền hơn phụ nữ để định đoạt/trừng phạt cuộc sống của vợ con. Và việc nam giới gây ra bạo lực luôn luôn nhận được sự bao biện đổ lỗi cho tính cách (nóng, gia trưởng…) hoặc hoàn cảnh (uống rượu, nghèo đói, vợ không nghe lời, nói nhiều…) từ cả hai giới.

Hỗ trợ cho người gây ra bạo lực – rất cần thiết

Từ trước đến nay, chúng ta đã nghe nhiều về việc hỗ trợ cho nạn nhân bị BLGĐ. Điều này là đúng nhưng chưa đủ. Bởi nếu BLGĐ không được giải quyết tận gốc rễ như tìm ra nguyên nhân gây bạo lực; hỗ trợ cho người gây ra bạo lực để giúp họ thay đổi nhận thức… thì vấn nạn này mãi mãi là vấn đề khó có thể giải quyết triệt để.

Qua khảo sát của Tổ chức HAGAR tại 4 xã thuộc Nghệ An và Yên Bái có thể thấy, hạn chế trong nhận thức về bạo lực giới, BLGĐ không chỉ ở người dân, mà ngay cả cán bộ cũng chưa có hiểu biết tường tận: “Chúng tôi đã đi tập huấn, nhưng chỉ nắm được chung chung, chứ chưa sâu về BLGĐ, xâm hại tình dục trẻ em”, một cán bộ nữ ở xã Minh An, huyện Văn Chấn, Yên Bái cho biết.

Với câu hỏi “Bạn đã bao giờ nghe nói về bạo lực với phụ nữ và trẻ em chưa?’’, kết quả cho thấy, chỉ có 17,8% đã nghe và biết rất rõ, còn lại là có nghe nhưng biết sơ sài, hoặc không biết, không nghe thấy bao giờ.

Các chương trình truyền thông về phòng ngừa bạo lực giới tại địa phương chủ yếu đang diễn ra dưới hình thức truyền thống: như sinh hoạt đoàn, hội; qua loa truyền thanh; lồng ghép vào các buổi họp thôn; hoạt động ngoại khóa tại trường học…

“Hiện chúng tôi mời người dân đến nhà văn hóa thôn, từ vài chục đến một trăm người. Hình thức truyền đạt bằng văn bản, có dẫn dắt các ý chính và giải thích ngắn gọn. Người dân đến nghe chủ yếu là phụ nữ nên chưa được hiệu quả vì người gây bạo lực lại không đến để nghe”, theo một nam cán bộ xã Minh An, huyện Văn Chấn, Yên Bái.

Thành viên trong CLB “Gia đình chung sức” tại Yên Bái xây dựng nội quy sinh hoạt nhóm.

Thành viên trong CLB “Gia đình chung sức” tại Yên Bái xây dựng nội quy sinh hoạt nhóm.

Về phần mình, bản thân người gây ra bạo lực không phải ai cũng cố chấp đến cùng, không chịu thay đổi. Kết quả từ phỏng vấn sâu nam giới của dự án của Tổ chức HAGAR cho thấy, hầu hết nam giới đều mong muốn được tham gia các buổi sinh hoạt về kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình mà không dùng bạo lực, kỹ năng kiểm soát cơn nóng giận.

“Em mong muốn học cách hoà giải để giúp đỡ các gia đình” (nam giới ở xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái); “Nói chung là người con trai khi điên lên thì chửi bới, hoặc là tức thì đánh liền. Nếu nóng thì mình nên học cách sử dụng phương pháp kiềm chế cơn nóng giận” (nam giới ở xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)

Quan điểm cần hỗ trợ cho người gây ra bạo lực từ vấn đề truyền thông thay đổi nhận thức cho tới kỹ năng ứng phó, để từ đó giúp triệt tiêu bạo lực cũng được ông Trần Thanh Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên áp dụng nhiều lần trong các chuyến đi tuyên truyền phổ biến pháp luật của mình.

Cũng cần nói thêm rằng, ông Hưng năm 2019 đã được Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVnet) vinh danh là “Hiệp sĩ Công lý” vì những đóng góp tích cực trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018 – 2019.

Ông Trần Thanh Hưng (hàng đứng giữa, người thứ 5 từ phải qua) trong các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, bạo lực giới

Ông Trần Thanh Hưng (hàng đứng giữa, người thứ 5 từ phải qua) trong các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, bạo lực giới

“Có hai kỷ niệm mà có lẽ là tôi không bao giờ quên. Đó là một lần tôi xuống một bản để nói chuyện, tuyên truyền về phòng chống BLGĐ, thì được biết ở khu vực đó có một nhóm chừng ba, bốn người đàn ông nổi tiếng là thích uống rượu và sau khi đã uống say hay về nhà đánh vợ. Buổi nói chuyện hôm đó cũng có những người đàn ông đó đến nghe và họ tranh luận rất gay gắt với tôi về vấn đề BLGĐ với quan niệm rằng đó là chuyện nhà của họ, không ai có quyền can thiệp. Buổi nói chuyện kết thúc khi đã khá muộn, đám đàn ông liền kéo nhau đi uống rượu.

Thấy thái độ của họ tại buổi nói chuyện, tôi lo lắng rằng họ sẽ tiếp tục đi uống rượu sau đó lại về đánh vợ. Không chỉ tôi mà trong thôn bản mọi người cũng nghĩ thế nên họ cử người đi giám sát. Nhưng sự việc hóa ra không phải vậy, mà nhóm đàn ông đó rủ nhau đi uống rượu để thề ước với nhau là từ nay sẽ không đánh vợ nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm và niềm vui đó cứ theo tôi mãi trên suốt chặng đường truyền thông để phòng chống BLGĐ.

Còn một kỷ niệm khác đã trải qua hơn chục năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Khi ấy, tôi xuống một bản thuộc xã Thanh An, huyện Điện Biên để tuyên truyền, hướng dẫn chị em phụ nữ phòng chống BLGĐ. Buổi tuyên truyền diễn ra ở nhà một chị phụ nữ và khán giả cũng toàn là chị em.

Ai ngờ, người chồng của người phụ nữ chủ nhà ngồi dưới bếp nghe truyền thông thấy hay, liền đi gọi các ông bạn khác đến ngồi nghe và họ cứ ngồi dưới bếp lắng tai nghe thôi, chứ không chịu lên nhà.

Sau đó một thời gian, thông tin đến với cán bộ dự án và tôi là nhóm đàn ông “nghe lén” đó không những tự nhận thức được đánh vợ là xấu mà còn bỏ thời gian đi vận động các đàn ông khác trong thôn bản chấm dứt hành vi BLGĐ. Đến nay đã hơn chục năm rồi, tôi được biết thôn bản đó vẫn là nơi thanh bình, không có bạo lực gia đình”, ông Hưng kể lại với phóng viên.

Được biết, ông Trần Thanh Hưng luôn công khai số điện thoại để sẵn sàng tiếp nhận, tư vấn, can thiệp các trường hợp có yêu cầu liên quan đến các vụ việc BLGĐ, bạo lực giới.

Trung bình mỗi tháng ông tiếp nhận và hướng dẫn xử lý, tư vấn hàng chục vụ việc BLGĐ, bạo lực giới trên địa bàn, trong đó có không ít cuộc điện thoại là từ những người đàn ông “thủ phạm” của bạo lực. Sau những lần tư vấn của ông Hưng, nhiều “hạt giống niềm vui” được đã gieo vào những gia đình, để “bông hoa bình yên” của xã hội bung nở.

Kết

Vẫn biết rằng, với người Việt thuật ngữ “bạo lực” là một khái niệm rất mạnh và người dân thường ngần ngại sử dụng thuật ngữ này để nói về các thành viên gia đình mình. Thế nên, trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều hình thức bạo lực thường không được coi là bạo lực, hoặc được lý giải theo rất nhiều hướng bao biện khác nhau.

Nhưng kết quả điều tra quốc gia đã cho thấy có 62,9% phụ nữ (tức là gần 2/3 phụ nữ) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực giới và từ năm 2010 đến nay, chính phủ Việt Nam đã liên tiếp phê duyệt các Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trong đó khẳng định mục tiêu đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình, giảm dần bạo lực trên cơ sở giới.

Vậy thì tại sao chúng ta không nghĩ đến và thực hiện việc hỗ trợ cho chính người gây ra bạo lực để giúp họ thay đổi?

Lễ ra mắt đội Phản ứng nhanh tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong khuôn khổ dự án của HAGAR.

Lễ ra mắt đội Phản ứng nhanh tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An trong khuôn khổ dự án của HAGAR.

Thấu hiểu để không kỳ thị

Người đàn ông ở xã Quỳnh Thắng huyện Quỳnh Lưu đã từng BLGĐ với 3 đời vợ nói tới ở trên, sau khi được dự án của HAGAR hỗ trợ đã thay đổi rất nhiều: “Tham gia các buổi tập huấn, tôi được xem nhiều các clip, bộ phim ngắn về BLGĐ, hậu quả của việc bạo lực ảnh hưởng rất lớn đến con cái, người thân. Tôi nhận thấy hình ảnh của mình ở trong đó và ân hận vô cùng. Tôi nghĩ rằng bản thân mình cần phải thay đổi để có một cuộc sống tốt đẹp hơn…”.

Nếu như trước đây, việc đánh vợ xảy ra như cơm bữa, thì giờ đây, anh đã tu chí làm ăn, không còn tham gia các cuộc nhậu vô bổ. Thay vào đó là những buổi đưa vợ đi chơi, đi mua sắm…

Về phần mình, ông Hồ Diên Cảnh, thành viên đội phản ứng nhanh phòng chống BLGĐ xã Quỳnh Thắng cũng cho biết, mặc dù ông đã gọi điện cho Công an xã đến mời người chồng lên trụ sở giải quyết và xử phạt vi phạm hành chính về hành vi BLGĐ, nhưng ông không kỳ thị người đàn ông ấy.

Ông chia sẻ, vì ở cùng địa phương nên tôi biết chú ấy cũng có một tuổi thơ không yên bình, chú ấy cũng từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Những điều đó ám ảnh và biến chú ấy trở thành người gây bạo lực. Cùng với việc vận động người gây bạo lực thay đổi hành vi, ông Cảnh và đội phản ứng nhanh thường xuyên thăm hỏi, đưa gia đình vào danh sách nhận hỗ trợ từ dự án, tạo sinh kế.

Đọc thêm