Hỗ trợ địa phương “giải bài toán” tinh gọn bộ máy về trợ giúp pháp lý

(PLO) - Một trong các mục tiêu quan trọng mà Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2015 - 2025 hướng tới là thực hiện tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những “rào cản” khiến nhiều địa phương trăn trở khi triển khai Đề án quan trọng này. 
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, việc tinh gọn bộ máy (giảm 15% biên chế) của các Trung tâm không có nghĩa là giảm ra khỏi hệ thống nhà nước mà chỉ giảm trong tổng số biên chế TGPL. Đề án đã đưa ra giải pháp tháo gỡ theo hướng số biên chế dôi dư sẽ được chuyển đổi sang các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực, các Sở Tư pháp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn bảo đảm Trung tâm có 02 bộ phận, gồm: (1) Bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL là các trợ giúp viên pháp lý; (2) Bộ phận quản lý nghiệp vụ; tạo tiền đề để chuyển đổi các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý nhà nước và dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện TGPL ở giai đoạn sau.
Việc sắp xếp lại tổ chức các Trung tâm theo nguyên tắc: Đối với Trung tâm ở các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, nguồn lực xã hội chưa thể bảo đảm đáp ứng nhu cầu TGPL của người được TGPL thì củng cố, tăng cường hợp lý số lượng trợ giúp viên pháp lý, đồng thời tinh giản và nâng cao năng lực bộ phận quản lý nghiệp vụ. Đối với Trung tâm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, nhu cầu TGPL, số lượng luật sư trên địa bàn thì thực hiện theo hướng thu hút mạnh mẽ sự tham gia thực hiện TGPL của luật sư; đồng thời với việc nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của các trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng, tư vấn tiền tố tụng, đại diện ngoài tố tụng đồng thời tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc của bộ phận quản lý nghiệp vụ. 
Số biên chế dôi dư của Trung tâm chuyển đổi sang các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 
Biên chế này nằm ngoài số biên chế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho Sở Tư pháp; các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, bảo đảm tổng số biên chế của các Trung tâm trong toàn quốc giảm 15% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án. 
Trong giai đoạn này, Đề án cũng yêu cầu về cơ bản không thành lập mới Chi nhánh. Trường hợp cần thiết phải thành lập Chi nhánh thì Giám đốc Sở Tư pháp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho ý kiến trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Trường hợp Chi nhánh được thành lập không đúng quy định, không căn cứ vào nhu cầu TGPL, không có trợ giúp viên pháp lý hoặc hoạt động không hiệu quả thì chấm dứt hoạt động. 
Đối với Câu lạc bộ TGPL, Đề án xác định dứt  điểm không thành lập mới Câu lạc bộ TGPL. Đối với các Câu lạc bộ TGPL đang tồn tại nhưng hoạt động không hiệu quả thì Sở Tư pháp có phương án giải thể hoặc sáp nhập với các Câu lạc bộ khác ở địa phương để tăng cường hiệu quả hoạt động. 
Đây là các giải pháp được đánh giá là mạnh mẽ và kiên quyết của Bộ Tư pháp trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động TGPL. 

Đọc thêm