Hỗ trợ trực tiếp người lao động đang đóng Bảo hiểm thất nghiệp: Nhanh và trực tiếp nhất có thể!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 8/2021, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cuộc khảo sát với trên 69 nghìn người lao động. Kết quả cho thấy có đến 62% người lao động đang bị mất việc làm và cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát…
 Bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ gánh nặng với người lao động mất việc làm vì đại dịch.
Bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ gánh nặng với người lao động mất việc làm vì đại dịch.

Đã mất việc lại “cõng” thêm chi phí phát sinh

Khảo sát được thực hiện trên toàn quốc, trong đó số người tham gia khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 46%, Hà Nội chiếm 25%, Bình Dương chiếm khoảng 3,5%, Đồng Nai khoảng 2,6% và Đà Nẵng 2%.

Qua khảo sát cho thấy, có tới 62% trong tổng số hơn 69 nghìn người tham gia trả lời cho biết hiện đang mất việc làm (trên 42.700 người). Trong số người mất việc, nhóm ở độ tuổi từ 31 đến 45 bị mất việc chiếm nhiều nhất, với khoảng 69,4%; nhóm người mất việc từ 16 đến 30 tuổi chiếm 16,3%; nhóm mất việc từ 46 đến 60 tuổi chiếm khoảng 13,2% và nhóm người mất việc trên 60 tuổi chiếm khoảng 1,2%.

Hỗ trợ nhanh, trực tiếp, chuyển thẳng tiền vào tài khoản

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; 10.400 xã phường thị trấn ngày 25/9/2021, nói về phương thức thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc hỗ trợ sẽ tiến hành một cách nhanh nhất. Cụ thể, đối với người lao động sẽ chuyển vào tài khoản, còn chưa có tài khoản sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại mở tài khoản cho họ để chuyển thẳng; trường hợp còn lại nữa, cũng không có tài khoản thì sẽ hỗ trợ từ bảo hiểm, nhưng số này sẽ rất ít”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong các địa phương, nhất là BHXH, ngành LĐ-TB&XH, chính quyền các cấp, MTTQ VN, các đoàn thể nhân dân giám sát việc tổ chức thực hiện.

Về Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, sau gần 3 tháng thực hiện Nghị quyết 68 đến nay, có gần 17 triệu người đã được thụ hưởng chính sách, với tổng số tiền hỗ trợ gần 12.300 tỷ đồng, trong đó có gần 4,6 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù với kinh phí gần 6.300 tỷ đồng và gần 77.000 hộ kinh doanh.

Theo phân ngành kinh tế lớn, tỷ lệ mất việc cao nhất trong ngành xây dựng, chiếm 66,8%; tiếp đó là ngành dịch vụ 63%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 59,4% và thấp nhất là ngành công nghiệp 48,4%.

Theo tiểu ngành trong khu vực kinh tế dịch vụ, tỷ lệ mất việc cao nhất (87%) thuộc nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch; dịch vụ giúp việc, bảo vệ. Tỷ lệ lao động mất việc ở trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 33,1%, phần lớn lao động làm trong lĩnh vực này là lao động làm trong các phòng khám tư nhân. Tỷ lệ lao động mất việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 52,2%, phần lớn là lao động làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân hoặc các trung tâm dạy nghề hoặc kỹ năng.

Xét theo các tiểu ngành công nghiệp, lĩnh vực da và các sản phẩm (kể cả giày dép) có tới 69,3% người lao động mất việc làm. Con số này với lĩnh vực in, sao chép các bản ghi các loại là 63,2%; chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ và sản xuất nội thất là 56,4%...

Theo đánh giá của Cục Việc Làm - Bộ LĐ-TB&XH, trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với số doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có hơn 11,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động diễn ra ở tất cả các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo. Số người thất nghiệp trong quý II/2021 là 1,2 triệu người, chiếm 2,62%, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,2%. Trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Đã mất việc làm, người lao động còn phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh như: nhiều gia đình ở thành phố phải mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, chi phí tiền điện, tiền internet, tiền kết nối 3G, 4G tăng lên để cho con tham gia các buổi học trực tuyến; chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly giữa các vùng là chi phí phát sinh cao thứ hai; chi phí điện, nước tăng đột biến khi con cái học online ở nhà và bản thân họ phải làm việc online ở nhà. Trong đợt bùng phát dịch lần đầu, các chi phí xét nghiệm, chi phí trong khu cách ly được nhà nước chi trả 100%. Trong bối cảnh dịch kéo dài, người lao động có khi phải tự trả chi phí xét nghiệm Covid-19 để xác nhận khi di chuyển giữa các tỉnh/thành phố nên đây cũng là khoản chi phí phát sinh cao…

Hỗ trợ từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Thực tế này cho thấy bên cạnh các gói an sinh xã hội đã và đang được Chính phủ thực hiện, vẫn cần thiết phải có thêm sự hỗ trợ nữa cho người lao động và người sử dụng lao động để chia sẻ góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cũng như chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc hỗ trợ sẽ tiến hành một cách nhanh nhất.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc hỗ trợ sẽ tiến hành một cách nhanh nhất.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Theo đó, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ BHTN. Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên). Người lao động đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.

Mức hỗ trợ căn cứ trên cơ sở thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động từ mức thấp nhất 1.800.000 đồng/người (cho thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng) cho đến mức cao nhất 3.300.000 đồng/người (cho thời gian đóng BHTN từ đủ 132 tháng trở lên), bao gồm 6 nhóm. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 116 cũng quy định về việc giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Lập tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6858/VPCP-KTTH ngày 24/9/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các bộ, cơ quan, địa phương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tổ công tác tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịchCOVID-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp; lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu định kỳ hằng tháng hoặc khi cần thiết, Tổ công tác kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền của Bộ, cơ quan, địa phương, đề xuất phương án giải quyết vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm