Hòa Bình: Bảo tồn và phát huy chữ dân tộc Mường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Hòa Bình có trên 63% dân số là người dân tộc Mường (còn gọi là Mol). Vì vậy, việc bảo tồn và truyền dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc Mường đã và đang được tỉnh Hòa Bình chú trọng thực hiện.
Học sinh dân tộc Mường được học và sử dụng bộ chữ viết Mường.
Học sinh dân tộc Mường được học và sử dụng bộ chữ viết Mường.

Bộ chữ Mường góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Dân tộc Mường thường duy trì trạng thái song ngữ, tức ra ngoài xã hội dùng ngôn ngữ dân tộc Kinh, còn ngôn ngữ mẹ đẻ (tiếng Mường) sử dụng trong sinh hoạt gia đình.

Sau quá trình giao lưu được đẩy mạnh thì ngay trong gia đình cũng ít sử dụng tiếng dân tộc thiểu số. Hiện nay, ngày càng có nhiều người Mường, nhất là người Mường trẻ tuổi, sống ở trung tâm huyện lỵ, thành phố không nghe và không nói được tiếng Mường. Cùng với đó, kiến thức, sự hiểu biết của người Mường về Mo Mường, bản sắc văn hóa dân tộc Mường cũng dần mai một.

Chính vì thế, ngày 8/9/2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng bộ chữ viết dân tộc Mường. Đây là một dấu mốc quan trọng của dân tộc Mường, gắn với 130 năm xây dựng và phát triển của tỉnh. Bộ chữ Mường ra đời đã đáp ứng sự mong mỏi của rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa và là niềm tự hào của hơn 50 vạn đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh.

Bộ chữ Mường được xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ, tức là, tận dụng những đặc điểm chung, thống nhất của chữ quốc ngữ để xây dựng chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình. Bộ chữ Mường xây dựng trên cơ sở của chữ quốc ngữ nhưng vẫn giữ được bản sắc ngôn ngữ văn hóa của tiếng Mường.

Ngay từ khi được đưa vào sử dụng rộng rãi, bộ chữ đã giúp con em dân tộc Mường Hòa Bình học và sử dụng tiếng Mường để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

GS, TS Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Với tư cách là công cụ bảo tồn và phát triển của một ngôn ngữ thành văn, chữ viết Mường sẽ giúp cho việc bảo tồn bản sắc của tiếng Mường. Bộ chữ Mường cũng góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc của ngôn ngữ, văn hóa Mường. Đồng thời giúp cho con em dân tộc Mường bảo tồn, phát huy tiếng mẹ đẻ của mình…”.

Theo số liệu khảo sát năm 2019, tỉnh Hòa Bình có khoảng hơn 16.300 cán bộ, công chức, viên chức không phải là người dân tộc thiểu số, cần được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường.

Mới đây, Báo Hòa Bình cũng tiến hành tổ chức lớp tập huấn viết chữ Mường cho các cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Từ đó, có thể dịch các tin, bài đăng trên Báo Hòa Bình từ phiên bản tiếng Việt sang chữ Mường để đăng tải trên phiên bản tiếng Mường của Báo. Đây là bước đi tích cực để từng bước quảng bá và đưa bộ chữ Mường vào đời sống dân tộc Mường tại tỉnh, góp phần tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh.

Sự ra đời của bộ chữ viết này cũng giúp cho Mo Mường được lưu giữ một cách chính xác. Bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại Mo Mường một cách chính xác. Từ bản ghi chính thức này, Sử thi Mo Mường được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về Mo Mường.

Mo Mường – niềm tự hào của đồng bào Mường

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Không gian diễn xướng của Mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là Ông mo, Thầy mo (hoặc Ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức Mo, không những thuộc lòng hàng vạn câu mo, mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Người Mường sử dụng Mo để thực hành nghi lễ trong đời sống rất phổ biến, qua khảo sát cho thấy có tổng số 23 nghi lễ được thực hiện có sử dụng Mo.

Tại tỉnh Hòa Bình hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có ba bản Mo chính, đã được sưu tầm và xuất bản có dung lượng và quy mô lớn.

Theo nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày mo liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44.000 câu thơ Mo.

Trong công trình Mo Mường dài ba tập của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi có hơn 22.000 câu Mo.

Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 2010 có dung lượng hơn 22.500 câu.

Mo Mường được đánh giá là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường, phản ánh đậm nét đặc trưng văn hóa từ cổ sơ của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng.

Thầy mo thực hành nghi lễ tại lễ hội đồng bào dân tộc Mường.

Thầy mo thực hành nghi lễ tại lễ hội đồng bào dân tộc Mường.

Ngày 19/1/2016, Bộ VH, TT&DL đã có Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL đưa Mo Mường vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tiếng Mường không chỉ được gìn giữ và phát huy cùng Mo Mường mà còn trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc Mường nói chung, trong các làn điệu dân ca, hát ví của người Mường nói riêng. Trong những năm gần đây, ý thức về giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Mường được khơi dậy trong cộng đồng.

Năm 2017, lần đầu tiên, câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường được thành lập tại xóm Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Năm 2019 tiếp tục có thêm một câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ra đời ở xóm Định, thị trấn Mãn Đức. Các câu lạc bộ đẩy mạnh hoạt động truyền dạy đánh chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ, hát đối đáp, duy trì việc mặc trang phục dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường qua lời ăn tiếng nói.

Với Đề án “Dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường” giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2035, sẽ mở ra nhiều hy vọng cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế nội lực trong bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Trong thế giới hội nhập, việc bảo tồn ngôn ngữ của mỗi dân tộc càng trở nên cần thiết để bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Cộng đồng dân tộc Mường tại Hòa Bình đang nỗ lực gìn giữ và phát huy tiếng Mường nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà ngày càng vững mạnh. n

Đọc thêm