Hoa bồ bồ tím ngát

(PLVN) -
Cây bồ bồ.

LTS: Không chỉ nổi tiếng qua các tranh vẽ về miền núi, dân tộc, vùng cao, họa sĩ Đỗ Đức còn viết báo, làm văn. Những cảm nhận, suy tư của ông là sự chắt lọc từ vốn sống, chiều sâu văn hóa, thể hiện những góc nhìn riêng.

1. Trên mười lăm năm trước, một buổi sáng tôi nhận được lệnh đi đón cô em dì từ Ba Lan về. Dì ấy học xong 6 năm tại trường đại học về thiết bị y tế, nhưng giáp ngày về, bị bệnh cấp tính phải đi cấp cứu. Cả lớp về trước, dì nhờ bạn trai cầm túi quà mọn về cho bố.

Nửa năm nằm điều trị, dì được một người bạn Ba Lan chăm sóc tận tình.

Cậu ấy yêu dì, thế là dì đã đi đến một quyết định dũng cảm là theo tiếng gọi của trái tim, dì ở lại. Lúc ấy đất nước chưa thống nhất.

Quyết định không về nước thời đó coi như đào ngũ, là phản bội đất nước. Bố dì lại đang dạy ở trường Đảng. Thế cũng nguy cho bố lắm. Dì biết thế nhưng tình yêu lớn hơn cả nỗi sợ hãi.

Nhưng cũng từ đấy dì sống lén lút, không muốn gặp bất cứ người Việt nào bên ấy. Có tình yêu nhưng nửa tình quê hương thì hoang vu, dì sống với nửa hạnh phúc. Còn nửa kia trong nỗi thắc thỏm khôn cùng.

Nhưng rồi những biến cố bất ngờ theo thời gian đã xảy ra. Đất nước thống nhất, Khối Đông Âu tan vỡ, hàng loạt lưu học sinh cũng tán tàn ở lại kiếm sống vì ở nhà lúc ấy thiếu thốn triền miên, có nơi không có cơm ăn.

Chuyện lưu học sinh ở lại dần trở nên bình thường, chẳng ai kiểm soát nổi huống hồ trường hợp của dì nhỏ như hạt vừng, còn ai để ý nữa. Vậy mà dì vẫn sợ, vẫn tiếp tục sống đời con gián, lấy bóng tối làm chỗ trú ẩn an toàn.

2. Rồi thời gian qua, yên hàn dần, người qua lại châu Âu như đi chợ. Lúc này dì mới chui ra khỏi kẽ tối, nghĩ đến chuyện trở về thăm bố mẹ anh em. Thế nhưng với dì, đó cũng là một quyết định gan góc không kém quyết định ở lại năm xưa.

Gần sáu giờ sáng. Sân bay Nội Bài còn chìm trong sương mù đục như sữa loãng. Sau hơn nửa giờ máy bay hạ cánh thì hành khách bắt đầu ra. Tôi căng mắt tìm dì. Cũng chẳng lâu la, tôi đã nhận ra ngay dì trong đám đông hối hả. Hơn hai mươi mấy năm, dì không còn là con gái nhưng chẳng khác là bao. Vẫn gầy nhẳng, chiếc áo khoác ngoài thõng xuống, mọi thứ đều thõng, kể cả khuôn ngực phẳng phiu im lìm. Tôi thầm nghĩ, ở nước ngoài gì mà trông dì chẳng khác chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn thế này. Tôi tiến đến gọi tên dì. Dì ngước mắt lên, chớp chớp, chẳng nhớ tên tôi nhưng dì vẫn kịp thốt lên: ơ, anh Điền… Dì còn nhớ tôi là anh rể nhưng không nhớ tên nên dì gọi theo tên chị…

Đến nhà ngoại, ông bà mừng khỏi nói. Gần hai nhăm năm, một thế hệ đi qua, dì mới gặp lại bố mẹ. Nước mắt lã chã của cả hai bên chan vào nhau.

Hai ngày sau tôi quay lại nhà ông ngoại.

Lại đến đúng lúc đống đồ đạc dì đem về làm quà được dỡ ra. Tôi là anh rể đứng ngoài cuộc làm quan sát viên. Bất ngờ quá, đám quần áo thì toàn đồ cũ. Đồ điện như bàn là nồi nấu, chảo cầm tay, ca đựng nước… dùng rồi. Thì ra dì vẫn nhìn nước nhà như hơn hai chục năm trước, vẫn nghĩ thiếu đói và rách nát. Đúng là nhà đã có lúc muốn vá áo không tìm đâu ra mụn vải, nồi mất tai, đáy thủng vá bằng giấy bản nhồi vôi, bát ăn thì chín cái mười kiểu. Nhà dì 8 chị em mà bố là ông giáo, mẹ giữ chân trực gác điện thoại thì bói đâu ra tiền nên sống chỉ thế thôi.

3. Mấy ngày sau, không khí ồn ào lắng xuống, tôi mới ngồi nói chuyện với dì, hỏi dì không biết thông tin ở nhà hay sao mà tha lôi toàn thứ bỏ đi này về? Dì rớm nước mắt: nhớ nhà, thương cậu mợ và mọi người nhưng bên ấy nhà chồng cũng nghèo. Vả lại ngoài mười tám tuổi, khi đã lập nghiệp thì không có chuyện dựa vào bố mẹ nữa. Những năm lưu lại, dì không dính vào buôn bán, sống bằng nghề nhưng tìm việc thì phập phù….

…Dì bảo thôi anh đừng hỏi nữa, đến hôm nay, em vẫn nhớ lại cái đận sơ tán Bắc Giang. Hàng tuần đi cắt cây bồ bồ về đun. Bây giờ cứ nhắm mắt lại vẫn thấy hoa bồ bồ tím ngát.

Thì ra, với dì hai mươi nhăm năm màu hoa không phai…

21/8/2011

Đọc thêm