Giai nhân tuyệt sắc
Người phụ nữ trong câu chuyện tình bi thương trên là bà Nguyễn Thị Huệ (73 tuổi). Sau lần hẹn ước dang dở, giai nhân miền sống nước ngày nào, đang sống cô quạnh những ngày tháng cuối đời tại căn nhà nhở trên đường Yersin (thuộc phường 4, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
Bà Huệ sinh ra trong một gia đình gia giáo, có ba mẹ đều là trí thức. Vì thế, bà được thừa hưởng tư tưởng yêu cái hay cái đẹp, đặc biệt là văn chương từ bậc sinh thành.
Tuổi thiếu thời, cô gái trẻ này đã nức tiếng một vùng bởi nhan sắc xinh đẹp và tài hoa. Bà Huệ kể rằng, người con gái dưới chế độ bấy giờ, đa phần bị ràng buộc bởi khuôn phép lễ nghi. Bà Huệ cũng không phải ngoại lệ.
Bà Huệ luôn ấp ủ ước mơ sau này được đứng trên bục giảng, theo nghiệp dạy học trồng người. Qua thời gian tìm đủ mọi cách, như tuyệt thực, đau ốm... cuối cùng ý chí của cô gái cũng được gia đình chấp thuận. Một phần vì bị thuyết phục, phần khác vì thương con, họ không đành lòng nhìn thấy con gái ủ rũ ở nhà. Sau đó, cha mẹ bà Huệ gửi bà đến học trường Tây xa nhà.
Nhắc đến bà Huệ, những người cũ ở xứ này có lẽ chẳng ai xa lạ. Bởi trong thập niên 60 thế kỷ trước, bà chính là hoa khôi trong một cuộc thi người đẹp của ty Mỹ Tho (nay là Tiền Giang).
Sau khi đoạt giải, bà từng lên Sài Gòn tham gia vào vào cuộc thi người đẹp xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh do chế độ cũ tổ chức. Dù không đoạt giải nhất, nhưng bà Huệ nằm trong tốp 10 người đẹp của cuộc thi. Thời điểm đó, báo giới đưa tin, tên tuổi của người đẹp này nổi như cồn.
Không những sở hữu trí tuệ tuyệt vời, thiếu nữ Huệ đến tuổi cập kê càng lúc càng xinh đẹp đốn tim biết bao chàng trai gần xa. Nhất là khi bà đoạt giải người đẹp trong cuộc thi do trường tổ chức, sau đó là của ty Mỹ Tho. Hằng ngày trên đường đi học hay ở trọ, bà đều nhận được những ánh mắt nhìn dõi theo.
Ngoài những cậu học trò, đến cả quan lớn, mấy cậu con nhà công tử chạy xe hơi cũng xếp hàng trước cổng trường bà Huệ theo học, chỉ với một mục đích là mong được người đẹp chiếu cố một lần. Thế nhưng cô gái ấy chẳng yêu ai cả, vì cho rằng đang trong thời gian đi học, vả lại bà cũng cho rằng họ kém tài.
|
Căn nhà nhỏ của bà Huệ |
Hồng nhan bạc phận
“Sắc nước hương trời”, là những mỹ từ mà người thân hay láng giềng dành để nói về bà Huệ. Hầu như ở thành phố Mỹ Tho này, khi nghe tên bà, ai cũng lắc đầu ngao ngán tiếc thương cho số phận một giai nhân, lại lận đận trong chuyện tình duyên trăm bề. Đến những đứa bé cũng gán gọi bà là “Bà hoa khôi cô đơn”. Cái từ hoa khôi mang nét thanh cao đi theo bà từ thuở hàn vi đến tận bây giờ…
Nhớ lại quãng thời gian đẹp nhất của mình, bà Huệ tâm sự: “Nhiều lời ong bướm đường mật, tôi vẫn chưa rung động trước bất kỳ ai. Người ta bảo tôi kiêu sa nên kén cá chọn canh. Nhưng họ đâu hiểu, tôi cũng là con gái mà, cũng có khát vọng của hạnh phúc lứa đôi. Tôi chỉ chấp nhận khi trái tim rung cảm”.
Bà Huệ kể rằng, sau khi nghiệp đại học xong, bà vẫn chưa thật sự có cảm tình với bất kỳ chàng trai nào. Biết bà học cao, lại xuất thân gia đình danh gia vọng tộc nên nhiều người đến dạm hỏi, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, đơn giản vì những người đàn ông ấy chưa khiến bà rung động.
Để rồi, định mệnh như sắp đặt, cô hoa khối ấy cũng tìm được người thương. Bà ngậm ngùi nhớ lại quãng thời gian mở đầu cũng như khép lòng của người con gái.
Đó là một lần theo chân mẹ ra chợ, một hộ tiểu thương gần chợ thấy bà vội tìm cách bàn bạc với ba mẹ bà xin làm sui gia. Ba mẹ bà đồng ý. Hai bên gia đình bắt đầu hẹn ước bất chấp những đứa con chỉ biết nhau thông qua lời giới thiệu từ cha mẹ.
Với một người chưa từng yêu ai, xinh đẹp, ngang bướng và thông minh thì việc phải dựa theo sự sắp đặt của ba mẹ là không thỏa đáng. Nhiều lần bà nói ước vọng của mình không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Nhưng cuối cùng, bà đã phó mặc cho số phận khi biết chàng trai sắp thành chồng mình là một người không kém phần tài năng và thú vị.
“Khi đó, ông ấy đang làm việc trên Sài Gòn. Cũng là người học rộng tài cao, có tiếng trong vùng. Chúng tôi dần cảm mến, và thương nhau từ những lá thư xa gần”, bà Huệ cho biết. Bà và người đàn ông ấy chưa từng gặp nhau một lần. Gần đến ngày dạm hỏi, khi hai bên đã chuẩn bị đầy đủ, thì bà Huệ bất ngờ nhận được tin dữ về người chồng tương lai chết thảm trên đường từ Sài Gòn về Mỹ Tho đúng ngày họ ra mắt nhau.
Bà như không tin vào tai mình, bao nhiêu dự định, bao nhiêu ấp ủ đành dở dang từ đó.
Không những vậy, sau khi tai ương ập đến với người thương, bà Huệ cũng chịu bao tai tiếng từ miệng lưỡi người đời, khi họ gắn cho bà hai tiếng “sát phu”. Để tránh xa những gièm pha và chạy trốn nỗi buồn về cuộc tình ngắn ngủi, bà Huệ đã âm thầm bỏ về vùng Châu Đốc dạy học, như một sự chạy trốn khỏi thế giới khắc nghiệt khi mà những quan điểm phong kiến còn trói buộc thân phận người phụ nữ.
Hành trang trong chuyến đi xa của bà là bài vị của người tình đã khuất. Đến nơi mới, bà Huệ được phân công làm giáo viên trong trường cấp ba. Cuộc sống mới, khiến cho những vết thương lòng người phụ nữ này cũng dần nguôi ngoai. Vẫn như trước đây, cũng không ít người để ý tương tư đến cô giáo trẻ này.
Thậm chí, có một hôm, bà Huệ đang trong tiết dạy, thì có anh chàng kia chạy đến rồi bảo: “Em ơi làm vợ anh nhé”. Bữa khác, vừa mới tan ra trường, cả năm bảy anh theo bà về đến nơi ở trọ.
Họ đối với bà Huệ đều chân tình, nhưng bà đã không đáp lại. Bởi bà luôn giữ trong lòng bóng hình người đã khuất. “Dù chưa từng gặp nhau một lần, cũng không có lễ cưới nào, nhưng tôi đã là vợ của người ta kể từ lúc đón nhận tình cảm của ông ấy. Khi người đó mất, tôi đã có lời thể cả đời này sẽ không đi bước nữa”, bà Huệ tâm sự.
Sau này, khi sự việc xảy ra đã khá lâu, bà Huệ xin với gia đình về Mỹ Tho dạy học. Kể từ đó bà như an phận sống vui vầy cùng gia đình. Ở tuổi xế chiều, người phụ nữ từng là khiến không ít chàng trai ngây ngất vẫn nở nụ cười tươi một cách mãn nguyện vì chưa bao giờ hối hận với sự lựa chọn của mình ngày ấy.