Khởi tố vụ án “lừa đảo” liên quan Tân Hiệp Phát: Mối liên hệ 'bí ẩn' giữa bà Uyên Phương và ông Nguyễn Phi Long

(PLVN) - Trong Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo xảy ra tại TP HCM và Đồng Nai mà Bộ Công an vừa ban hành ngày 9/3/2021, ngoài hai con gái ông Trần Quý Thanh (ông chủ Cty Tân Hiệp Phát - THP), xuất hiện người bị tố cáo có tên Nguyễn Phi Long (SN 1980, ngụ 150A, Tân Hòa Đông, phường 14, Quận 6, TP HCM). Vậy ông Long là ai, có liên hệ gì với bà Trần Uyên Phương?.
Ông Phú (người ngoài cùng bên trái), ông Long là người đứng.
Ông Phú (người ngoài cùng bên trái), ông Long là người đứng.

Đội ngũ “cò” chuyên dắt người đến vay tiền THP? 

Theo tố cáo của một số DN, cá nhân, tại khu vực phía Nam, có một đội ngũ “cò” môi giới vay tiền có quan hệ mật thiết với Cty THP, chuyên “gạ gẫm” dẫn người cần tiền đến Cty THP để vay tiền, sau đó phía THP cho vay lấy lãi, còn đội ngũ “cò” này lấy tiền “cò”, “trích thưởng”.

Trong các sự việc mà Cty Kim Oanh Đồng Nai và ông Lâm Sơn Hoàng cho hay mình là nạn nhân, như PLVN đã phản ánh trong các số báo trước, “cò” môi giới là ông Nguyễn Hoàng Phú, GĐ Cty TNHH Vàng Xuân, đã nhận của Cty Kim Oanh Đồng Nai và ông Hoàng hơn 20 tỷ đồng. Tương tự như ông Phú, ông Nguyễn Phi Long cũng bị tố là “cò” dắt mối cho bà Trần Uyên Phương. 

Theo tố cáo của ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986, ngụ KP3, phường An Lạc, quận Bình Tân), ngày 1/8/2018, ông Chung nhận chuyển nhượng của ông Lâm Hoàng (SN 1947) khu đất gần 3000m2 tại số 230, Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân, giá 70 tỷ, trả trước một phần tiền.

Gần đến ngày hẹn trả nốt tiền, trùng thời điểm gần Tết, không kịp làm thủ tục vay ngân hàng, qua người quen giới thiệu, ông Chung được biết ông Long “là một người thân thiết với bà Uyên Phương, chuyên cho vay lãi suất 3%/tháng”.

“Ngày 8/1/2019,  tôi gặp ông Long. Tôi nói muốn vay tiền. Ông Long dò hỏi tôi có tài sản gì không và hứa trả lời sớm. Chỉ một ngày sau (9/1/2019), ông Long đi cùng một người phụ nữ gặp lại tôi, giới thiệu người phụ nữ đi cùng là “Trần Uyên Phương, vợ Long”. Hai người này đồng ý cho tôi vay 35 tỷ trong 3 tháng, nhưng buộc phải kèm hai điều kiện”.

“Thứ nhất, ông Long yêu cầu tôi phải thuyết phục chủ đất cũ ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng khu đất 230 cho bà Phương, giá tiền ghi trên hợp đồng giả cách 11 tỷ. Thứ hai, ông Long yêu cầu tôi phải ký thêm một hợp đồng giả cách vay của ông Long 24 tỷ, thế chấp cho ông Long khu đất khác của tôi (số 402 tờ bản đồ số 44-TL 2005 tại phường An Lạc, diện tích 2400m2), giao ông Long giữ sổ đỏ”.

“Bên cho vay lấy luôn 4,85 tỷ (gồm 3,15 tỷ lãi 3 tháng, 1,7 tỷ tiền “cò” cho ông Long). Số tiền còn lại bên cho vay thay tôi chuyển trả cho chủ đất 26,5 tỷ; chuyển vào tài khoản của tôi 3,65 tỷ. Tổng cộng 35 tỷ tiền vay”, ông Chung nói. 

Người tố cáo THP bất ngờ bị bắt:

Chỉ vài ngày trước khi Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo liên quan THP, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM bất ngờ tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam với ông Chung để “điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Công an TP HCM cho rằng ông Chung đã có hành vi lập khống bản vẽ chi tiết và ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng một số lô đất tại quận Bình Tân để bán cho nhiều người; các lô đất nói trên không thuộc quyền sử dụng của ông Chung hay Cty mà ông Chung làm giám đốc. Công an TP HCM cho rằng có tám bị hại.

Chỉ 3 ngày từ lần đầu gặp nhau, các bên đã giao dịch giả cách như trên. Bất thường là khi ký hợp đồng công chứng, không có mặt bà Phương, mà bà Phương ký sẵn và VPCC Hoàng Xuân Ngụ đưa đến. “Sau này tôi mới biết Long và các đối tượng đã âm mưu lừa đảo tôi ngay từ đầu, vì tìm hiểu kỹ tôi mới hay người phụ nữ tự xưng “Trần Uyên Phương” đi cùng Long không phải bà Phương. Long còn bịa đặt khi nói “Trần Uyên Phương là vợ của Long”, ông Chung tố. 

Hai tháng sau khi vay, xoay được tiền, ông Chung liên hệ ông Long xin trả lại khoản vay 35 tỷ, lấy lại hai khu đất và bất ngờ bị ông Long từ chối. “Tôi liên lạc với bộ phận kế toán tài chính THP, đề nghị trả nợ và lấy lại đất, thì họ tuyên bố “đấy là mua bán chứ không vay mượn gì”. Bộ phận này cho biết sổ đỏ khu đất 402 của tôi hiện THP cũng đang giữ, chứng tỏ dù không một lần ra mặt xuất hiện, nhưng có dấu hiệu bà Phương mới là đối tượng cầm đầu, chủ mưu trong vụ này”.

Mâu thuẫn, bất thường trong bản tự khai của bà Phương

Khác với sự việc liên quan Cty Kim Oanh, trong nghi án này, chủ cũ của khu đất (đồng thời là người trực tiếp ký hợp đồng giả cách) đã đứng về bên người tố cáo. Ông Lâm Hoàng xác nhận những lời khai của ông Chung là chính xác. 

“Trước ngày giao nốt tiền, anh Chung đến, trình bày vì thiếu tiền trả tôi nên phải đi vay, nhờ tôi ký hợp đồng giả cách bán khu đất cho người có tên Trần Uyên Phương là người anh Chung mượn tiền”, ông Hoàng cho hay.

“Ngày 11/1/2019, khi đến VPCC, tôi càng nghi ngờ hơn khi không thấy có mặt người có tên Trần Uyên Phương, mà VPCC đưa ra văn bản soạn sẵn, nói cô Phương đã ký sẵn. Anh Chung nói với tôi lần nữa: “Chú cứ ký giúp cháu. Đây là hợp đồng giả cách, không sao hết”.

“Hợp đồng” này có nội dung ông Hoàng chuyển nhượng khu đất 230 cho bà Trần Uyên Phương, giá 11 tỷ đồng. Sau khi ông Hoàng ký tên lăn tay, chỉ ít phút sau tài khoản nhận được 26,5 tỷ. Ông Hoàng cho hay lúc đó yên tâm với suy nghĩ đây là tiền bà Phương cho ông Chung vay và chuyển trả thay ông Chung. 

Trong tất cả các bản tường trình, lấy lời khai, ông Hoàng đều khẳng định khu đất trên thực chất là của ông Chung; ông chỉ ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng cho bà Phương giúp ông Chung, nhằm che giấu quan hệ vay tiền giữa ông Chung – bà Phương. “Thực sự tôi không bán đất cho bà Phương, không biết bà Phương là ai. Hơn nữa khu đất giá hàng trăm tỷ, không thể có chuyện tôi chỉ bán 11 tỷ”, ông Hoàng nói.  

Về phía bà Phương, sau này trong bản tự khai gửi cơ quan chức năng, cung cấp một số thông tin, trong đó có nhiều mâu thuẫn bất thường, cần xác minh điều tra.

Bà Phương xác nhận có quan hệ với ông Long khi khai được ông Long giới thiệu khu đất 230 “đang có nhu cầu chuyển nhượng rất gấp”. Dù Luật Công chứng quy định khi công chứng chuyển nhượng nhà đất, các bên phải cùng có mặt ký tên trước mặt công chứng viên, nhưng bà Phương cho hay ngày 11/1/2019 lại yêu cầu VPCC Hoàng Xuân Ngụ cử công chứng viên lên trụ sở THP để bà ký trước. Bà Phương xác nhận 26,5 tỷ chuyển cho ông Hoàng chính là của mình. 

Mâu thuẫn thứ hai, trong hợp đồng, có nội dung bà Phương “mua” khu đất giá 11 tỷ đồng. Nhưng trong bản tự khai, bà Phương lại khai mua với giá 26,5 tỷ đồng. 

Bà Phương cho rằng “hợp đồng chuyển nhượng đất giữa tôi với ông Hoàng là ngay tình, đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán”. Trong khi đó ông Hoàng phủ nhận, khẳng định không biết bà Phương là ai, không bán đất cho bà Phương, chỉ ký hợp đồng giả cách giúp ông Chung. 

Theo ông Chung và ông Hoàng: “Ông Long nhận làm “cò” cho vay, dẫn một người phụ nữ khác đến giả danh là bà Phương, sau đó bà Phương chưa từng xuất hiện hay trao đổi gì với người vay tiền và người ký hợp đồng giả cách nhưng vẫn được sang tên khu đất… chứng tỏ giữa bà Phương và ông Long có một mối liên hệ rất bất thường”.

Hiện cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 18/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/3/2019, cấm chuyển dịch quyền về tài sản với khu đất 230, đồng thời có Quyết định cấm ông Long xuất cảnh ngày 3/4/2019.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

Ông Long còn vướng nghi án “xâm phạm chỗ ở”

Ông Nguyễn Phi Long hiện cũng đang bị một gia đình tại Quận 11 tố cáo có hành vi xâm phạm chỗ ở và hủy hoại tài sản.

Theo đơn của ông Phan Tấn Phát (SN 1961, ngụ đường Tân Hóa, phường 1, Quận 11), gia đình ông có căn nhà số 6/28 đường Tân Hóa là của tổ tiên để lại làm nhà từ đường. Căn nhà sau đó vướng tranh chấp, dù theo quy định, tài sản đang tranh chấp không được phép chuyển nhượng, nhưng bằng cách nào đó, căn nhà vẫn tiếp tục được “chủ mới” chuyển nhượng tiếp cho bà Trần Thị Thanh Kiều (SN 1986) vào năm 2014.

Ông Long dù không phải người liên quan đến vụ tranh chấp, dù không phải là chồng bà Kiều, nhưng khoảng 18h ngày 22/1/2018 lại xuất hiện cùng nhóm người phá cổng, la hét, xông vào, đòi lấy nhà.

Bị phản ứng, ngày hôm sau (23/1/2018), nhóm thanh niên do ông Long dẫn đầu trở lại, xông vào, khiêng chủ nhà ném ra ngoài đường, khóa cổng, chỉ đạo người leo lên nóc nhà đập phá mái và kính cửa sổ, hất tất cả ảnh thờ trên bàn thờ tổ tiên gia đình ông Phát xuống đất. Phải đến ngày 1/2/2018, được lực lượng chức năng đưa về, gia đình ông Phát mới vào lại được nhà.

Công an Quận 11 có văn bản khẳng định: “Ngày 23/1/2018, Long đã có hành vi dùng búa, xà beng hủy hoại tài sản tại nhà 6/28 (…)”, nhưng vẫn ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng: “Hành vi hủy hoại của ông Nguyễn Phi Long không cấu thành tội phạm; hành vi xâm phạm chỗ ở của ông Nguyễn Phi Long không cấu thành tội phạm”.

Ngày 5/3/2018, Công an Quận 11 ra Quyết định xử phạt VPHC ông Long “về hành vi hủy hoại tài sản người khác”. Trong văn bản trả lời, CA Quận 11 không nêu rõ ông Long bị phạt theo quyết định xử phạt số bao nhiêu, mức tiền bao nhiêu, căn cứ pháp lý nào.

Ông Phát không đồng ý với nội dung trả lời của Công an Quận 11 nên có đơn gửi C01: “Chúng tôi nhận thấy trong vụ án xảy ra với gia đình chúng tôi, có chứng cứ rõ ràng, đầy đủ các clip, nhiều nhân chứng, gây bất bình dư luận địa phương thì lại “chìm xuồng”, đối tượng Long chỉ bị xử phạt hành chính; nên chúng tôi cho rằng cơ quan tố tụng Quận 11 áp dụng chưa chính xác pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt người lọt tội trong vụ việc”.  

Đọc thêm