Hoa nào cho vợ những người lính đã ngã xuống khi đi cứu nạn Rào Trăng?

(PLVN) - Vợ lính, nghĩa là phải tự mình lo liệu mọi chuyện để chồng yên tâm công tác, là thường trực nỗi lo bất trắc có thể ập đến lúc nào. Vợ lính, nghĩa là gồng mình lo cho gia đình khi chồng không trở về...
Liệt sỹ Đinh Văn Trung hy sinh, để lại người vợ trẻ, cha già mắc trọng bệnh và hai đứa con thơ dại. Từ nay, người phụ nữ này phải gánh vác thay chồng trách nhiệm lo toan cho gia đình.

Mưa tầm tã từ nhiều ngày nay khiến TP Vinh (Nghệ An) ướt sũng, nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Dòng xe cộ “hướng về miền Trung” vẫn lao vun vút trong mưa. Trên xe là những nhu yếu phẩm gửi vào đồng bào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế - khúc ruột miền Trung đang oằn mình trong lũ.

Trong mưa, dòng xe lặng lẽ ngược ra, về đến TP Vinh vào sáng 19/10, trễ hơn so với dự định bởi đường sá ngập khắp nơi. Các liệt sỹ Lê Tất Thắng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Cảnh Cường, Đinh Văn Trung (Lữ đoàn thông tin 80, Quân khu 4) hi sinh tại Trạm kiểm lầm 67, khi đi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) về tới quê nhà, sau hành trình vượt mưa lũ kéo dài cả mấy trăm cây số. Trời vẫn mưa xối xả, như lòng người đau đớn trước nỗi mất mát lớn lao này.

Những người vợ lả đi, khóc không thành tiếng. Nỗi đau của họ lớn hơn cả sự chịu đựng của một người phụ nữ. Ai có thể bình tâm được khi suốt 3 ngày thấp thỏm hi vọng vẫn còn hơi thở của chồng dưới hàng nghìn khối đất đá nhão nhoét kia

 
Nỗi đau ly biệt của vợ liệt sỹ Lê Tất Thắng. Chị khóc nghẹn khi khuôn mặt của anh chỉ còn có thể nhìn thấy trên tấm di ảnh.

Cuộc đào bới càng kéo dài, càng thử thách lòng chịu đựng của họ - của những người vợ lính.

Khi quyết định gắn bó cuộc đời với người lính là họ đã chấp nhận những thiệt thòi về mình. Là vợ lính, họ quen với việc vượt cạn một mình, chăm con ốm một mình, quen với những bữa cơm vắng tiếng cười của chồng, quen với những đêm đông giá lạnh vò võ trên chiếc giường rộng thênh thang...

Là vợ lính, thường trực nỗi lo mỗi khi chồng đi công tác giữa mưa bão hay những nhiệm vụ đặc biệt không thể tiết lộ với người thân. Là vợ lính nghĩa là luôn đối mặt với những bất trắc có thể xảy ra với chồng mình. Nhưng đón nhận nỗi đau góa bụa, hẳn họ không bao giờ nghĩ tới.

Đất nước đã đi qua chiến tranh nhưng cuộc chiến của những người lính đâu đã kết thúc. Trên đôi vai họ là bình yên Tổ quốc, là sự an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Để lại người vợ yếu mềm, những đứa con thơ dại họ sẵn sàng lao vào tâm bão..

Khi những thi thể được đưa lên khỏi đống bùn đất kia cũng là khi những hi vọng tắt hẳn. Những người vợ lịm đi trong nỗi đau mất chồng. Chồng họ - những người lính không trở về giữa thời bình.

Nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai nhưng rồi họ vẫn phải gượng dậy. Trên đôi vai họ là bố mẹ già yếu, là những đứa con thơ dại. Từ nay, họ vừa làm mẹ, vừa làm cha, thay chồng gánh trọng trách chăm lo cho gia đình.

Từ nay, sẽ không còn những dòng tin nhắn của chồng, không còn những cái ôm siết thật chặt đầy gửi gắm mỗi khi anh lên đường. Từ nay, là những trống trải trong căn phòng từng mặn nồng hương lửa, là chiếc giường trống trải phía anh nằm.

Sẽ không còn những bó hoa, những tấm thiệp cho những ngày đặc biệt. Tất cả hóa thành kỷ niệm nhói đau.

Vợ liệt sỹ Nguyễn Cảnh Cường đứng bất động trước di ảnh của chồng. Chị vừa mới tận hưởng hạnh phúc hôn nhân 8 tháng và chưa được nếm trải niềm vui làm mẹ...

Hôm nay, hàng triệu phụ nữ sẽ hạnh phúc đón nhận những bó hoa từ chồng, từ con. Riêng họ, nỗi đau vẫn đè nặng trên vành khăn trắng. Sẽ không còn đóa hoa nào cho họ, hôm nay và những ngày lễ sau này...

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chuyển vợ của những quân nhân hi sinh trên đường cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3 vào quân đội như một cách bù đắp cho những mất mát mà những người phụ nữ này đã và đang phải trải qua. Họ - người người phụ nữ tay yếu chân mềm sẽ can trường bước tiếp con đường chồng đã đi.

Đọc thêm