30 năm không có đất ở
Ông Vương Tất Thủy (trú tại khu vực Cổ Bồng, thôn Dậu, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) gửi đơn gửi đến Báo PLVN với nội dung: Năm 1981, ông Thủy là xã viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Di Trạch và được phân công làm công tác thủy lợi. Đặc thù công việc luôn phải có mặt trên đồng ruộng nên ông Thủy biết được khu vực Cổ Bồng có một khu đất bỏ hoang nhiều năm nên đã đến khai hoang được 130m2 để trồng cây, rau màu.
Năm 1985 ông đi bộ đội, 3 năm sau thì hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương và lập gia đình, được HTX Nông nghiệp chia đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có một thửa ruộng hơn 600m2 tại khu vực Cổ Bồng. Do địa hình quá khó khăn về nước tưới, ông phải chuyển đổi sang trồng cây, hoa màu. Để trông nom thành quả lao động, năm 1991 ông đã dựng lều và đưa vợ con ra sinh sống trên mảnh đất mà ông đã khai hoang trước đó. Năm 1994 ông Thủy nhận thầu thêm 276m2 đất quỹ 2 của HTX Nông nghiệp Di Trạch để canh tác và đến năm 2005 thì kí thầu lần 2 (thời hạn 5 năm), diện tích tăng lên 1.575m2.
Năm 2007, thấy nhiều người dân xây nhà cho sinh viên thuê, ông Thủy cũng xây vài căn phòng cấp 4 cho sinh viên thuê để khắc phục khó khăn. Nhưng đến năm 2009 thì ông nhận được Quyết định số 5620/QĐ-CC của UBND huyện Hoài Đức về việc “Cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Theo đó, hộ ông Thủy bị buộc phải tháo dỡ toàn bộ dãy nhà cấp 4.
Cần quan tâm đến người dân
Theo ông Thủy, vi phạm về việc xây phòng cấp 4 phải tháo dỡ không có gì phải bàn, nhưng theo quyết định của UBND huyện Hoài Đức thì gia đình ông lại bị cưỡng chế toàn bộ diện tích 1.704,1m2, bao gồm cả diện tích ông khai hoang và làm lều ở từ tháng 12/1991 trên diện tích 132,1m2, nhưng không được bồi thường. Không đồng ý, ông Thủy có đơn khiếu nại đối với quyết định đồng thời có đơn xin cấp đất ở.
Ngày 11/3/2010, ông Thủy nhận được Quyết định số 1066/QĐ-UBND của UBND huyện Hoài Đức có nội dung: “Phần diện tích mà ông Thủy đang sử dụng tại khu vực Cổ Bồng là phần đất nằm trong diện tích 9.000m2 đã được UBND hành chính Hà Nội cấp cho Viện Kỹ thuật Quân sự tại Giấy sử dụng đất số 4750-UBXDCB ngày 10/12/1983, nhưng đơn vị chưa sử dụng mà tạm giao cho HTX Nông nghiệp Di Trạch quản lí. Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 22/BC-UBND ngày 28/7/2010 của UBND xã Di Trạch thì hộ ông Thủy cũng không đủ điều kiện để được giao đất ở tại điểm dân cư nông thôn, việc bố trí đất ở cho gia đình ông Thủy thuộc trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Tuất?
“Hộ ông Vương Tất Thủy (là con trai thứ 2 của bà Nguyễn Thị Tuất) có 04 nhân khẩu. Trước khi ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp với HTX Nông nghiệp năm 1994, hộ ông Vương Tất Thủy ở chung nhà với bà Nguyễn Thị Tuất trên diện tích đất ở 197,4m2. Như vậy, hộ ông Vương Tất Thủy có đất ở, diện tích đất ở chung với hộ bà Nguyễn Thị Tuất”, Báo cáo 22 nêu.
Sau khi bị cưỡng chế, không còn chỗ ở nào khác, hộ ông Thủy tiếp tục dựng lều để gia đình tá túc đồng thời có đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, ngày 6/11/2015 ông Thủy tiếp tục nhận được Thông báo số 68/TB-UBND của UBND xã Di Trạch về việc tổ chức thực hiện cưỡng chế vào hồi 8h30 ngày 11/11/2015. Chấp hành, gia đình ông Thủy tự tháo dỡ và có đơn đề nghị các cấp chính quyền xem xét cấp đất giãn dân cho gia đình ông.
Được biết, sau khi thực hiện việc cưỡng chế, UBND xã Di Trạch đã hỗ trợ 6 tháng tiền thuê nhà cho gia đình ông Thủy; đồng thời trong báo cáo sau cưỡng chế tại khu vực Cổ Bồng, UBND xã Di Trạch cũng kiến nghị, đề xuất, nêu: Hộ ông Vương Tất Thủy hiện chưa có đất ở, UBND xã đã hỗ trợ hộ ông Thủy di chuyển đến nơi ở khác, cụ thể là ký hợp đồng thuê nhà và bàn giao nhà ở cho ông Thủy với thời hạn 06 tháng. Hộ ông Thủy có đơn đề nghị giải quyết đất ở, UBND xã đề xuất các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết.
Báo PLVN tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc trên.