Đó là: Triệu Cao thời Tần, Trương Nhượng thời Đông Hán, Cao Lực Sĩ, Cừu Sĩ Lương đời Đường, Vương Chấn, Uông Thực, Lưu Cẩn, Ngụy Trung Hiền thời nhà Minh và An Đức Hải, Lý Liên Anh thời nhà Thanh.
Can dự chính trường
Cao Lực Sĩ, tên thật Phùng Nguyên Nhất (684-762) là một trong những hoạn quan có quyền uy và mưu mô nhất trong thời nhà Đường. Cha Phùng Quân Hành là Thứ sử Phiên Châu phạm tội, bị tịch biên tài sản, gia quyến bị sung làm nô tỳ. 16 tuổi, Nhất bị thiến rồi đưa vào cung hầu hạ Võ Tắc Thiên. Do phạm lỗi, Nhất bị đuổi ra, hoạn quan Cao Diên Phúc đưa về nuôi, đổi tên thành Cao Lực Sĩ bởi y vóc người lực lưỡng cao lớn.
Được đưa trở lại hầu hạ Võ Tắc Thiên, chứng kiến những mưu mô thủ đoạn tàn hại lẫn nhau trong chốn cung cấm, Cao Lực Sĩ “thuộc bài” rất nhanh. Trở cờ trong sự kiện “Thần Long cách mạng”, giúp Thái tử Lý Long Cơ lấy lại cơ nghiệp nhà Đường từ tay “Thánh thần hoàng đế” Võ Tắc Thiên, Cao Lực Sĩ còn bày mưu hiến kế giúp Lý Long Cơ giết hại Vĩ Hậu và Thái Bình Công chúa.
Lý Long Cơ lên ngôi hoàng đế (Đường Huyền Tông), Cao Lực Sĩ thành thân tín của vua, được thăng làm Hữu giám môn tướng quân, Tri nội thị sảnh sự, đứng đầu các hoạn quan lo mọi việc trong cung. Cao Lực Sĩ còn can dự vào các công việc triều chính, góp ý với Đường Huyền Tông dùng người này, bỏ người kia, tìm cách loại bỏ những người ông ta ghét.
Vương Mao Trọng là một đại thần được trọng dụng, nhưng lại tỏ ý coi thường Cao Lực Sĩ. Khi vợ Trọng sinh con trai, Huyền Tông sai Cao Lực Sĩ mang quà đến chúc mừng. Khi về, y gièm pha với vua là Trọng nói con trai ông sau này nhất định làm nên nghiệp lớn. Huyền Tông nổi giận, sai người bắt Trọng đi đày, y nhân đó cho người bí mật đuổi theo giết chết.
|
Cao Lực Sĩ và vợ trong phim ảnh |
Đường Huyền Tông tín nhiệm Cao Lực Sĩ tới mức các văn thư, tấu sớ các nơi gửi về đều giao y xem trước, những việc nhỏ Sĩ được quyền tự xử lý, việc lớn mới tâu lên. Đại thần trong triều đều nể sợ Sĩ, Thái tử Lý Hanh cũng kêu ông là “Nhị huynh”, các hoàng tử, công chúa gọi là “Cao A Ông”, các phò mã gọi là “Cao Gia”, Huyền Tông thì gọi Sĩ là “Tướng quân”.
Được hoàng đế ưu ái, Cao Lực Sĩ thành hoạn quan đầu tiên lấy vợ trong lịch sử, cưới người con gái xinh đẹp của Lã Huyền Ngộ - một viên quan nhỏ - sau đó đưa bố vợ lên đến chức Thứ sử trong triều.
Các sử gia đánh giá Cao Lực Sĩ đã đảm nhiệm vai diễn xuất sắc trong vũ đài lịch sử: Tác thành cho nhân duyên giữa Dương Ngọc Hoàn với Đường Huyền Tông, đưa bà thành Dương Quý Phi, nhưng chính tay ông lại thắt cổ Dương Quý Phi ở Mã Ngôi Pha.
Cao Lực Sĩ được nhìn nhận là người có nhiều đóng góp với chính trường nhà Đường đương thời, với tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực. Nhưng sự can dự chính sự của Cao Lực Sĩ cũng mở ra việc tham chính của hoạn quan rồi tiến tới chuyên quyền từ thời nhà Đường trở về sau trong lịch sử Trung Quốc.
|
Tranh cổ vẽ Cao Lực Sĩ |
“Loạn 12 hoạn quan”
Trương Nhượng vào cung hầu hạ từ khi mới 7 tuổi, dưới thời Hán Hoàn Đế được giao chức Tiểu Hoàng môn. Tới Hán Linh Đế Lưu Hoằng, Nhượng được thăng làm Trung Thường thị, cầm đầu 12 Thường thị (hoạn quan) gồm Triệu Trung, Hạ Huy, Quách Thắng, Tôn Chương, Hoa Phượng, Lật Tùng, Đoạn Côi, Cao Vọng, Trương Cung, Hàn Lý, Tống Điển được vua phong tước hầu, mà sử Trung Quốc thường gọi là “thập thường thị” làm loạn triều chính.
Nhượng cùng Hán Linh Đế lập ra “Tứ viên mại quan sở” công khai bán quan tước thu tiền; lại cho xây giữa Tây Uyển trong Hán cung “Lõa du quán” để Hán Linh Đế ngày ngày trần truồng hưởng lạc với gái đẹp.
Nhượng còn ngang ngược đến mức xây dựng trang viên nhà mình cao hơn cả hoàng cung. Y nghĩ ra thuyết “Thiên tử không thể leo lên cao, nếu leo cao tất gặp đại họa” để lòe bịp, vậy mà Hán Linh Đế vẫn tin theo, lại còn gọi Nhượng là “phụ” (cha).
Nhượng cầm đầu đám “thập thường thị” đổi trắng thay đen, lập mưu loại bỏ những người không thuộc phe cánh, bịa đặt tội danh để giết hại triều thần. Năm 184, Trương Giác nổi dậy phát động cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn Vàng) chống triều đình. Quan Lang trung Trương Câu dâng tấu thư lên Hán Linh Đế kể tội Trương Nhượng và những người cùng cánh, nhưng Hán Linh đế lại đưa bản tấu cho Trương Nhượng xem.
Trương Nhượng cùng “thập thường thị” vội tạ tội, xin hiến gia tài phục vụ cho việc đánh dẹp. Hán Linh Đế bèn xá miễn cho Trương Nhượng và các hoạn quan, rồi gọi Trương Câu vào mắng. Trương Câu lại dâng tờ tấu nữa với nội dung tương tự, Trương Nhượng và các hoạn quan bèn giữ lại không đưa lên trình vua, sai người vu cáo Trương Câu thông đồng với giặc. Linh Đế hạ lệnh bắt Trương Câu tống giam vào ngục, không lâu sau Trương Câu bị bức tử trong nhà giam.
Tháng 4/189, Hán Linh đế qua đời, thái tử Lưu Biện con của Hà hoàng hậu lên ngôi, tức Hán Thiếu Đế. Anh trai Hà hoàng hậu là Hà Tiến mâu thuẫn gay gắt với đám Trương Nhượng nên khuyên em và cháu bãi chức “thập thường thị”, nhưng bà này chịu ơn đám này can Hán Linh đế mới giữ được ngôi hoàng hậu khi trước nên không nghe theo.
Hà Tiến thông đồng với Đổng Trác đem quân Tây Lương về triều gây sức ép để loại bỏ “thập thường thị”. Khi Đổng Trác chưa đến nơi, Tiến khuyên Hà hoàng hậu bắt giết Trương Nhượng và đồng bọn. Có hoạn quan nghe được, mật báo với Nhượng, Nhượng liền sai quân phục sẵn ở cửa cung, đợi Hà Tiến ra là bắt rồi giết.
Thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu đem quân đánh vào cung tìm giết đám hoạn quan để báo thù. Ngày 27/8 năm Trung Bình thứ 6 (189), Nhượng đem Hà thái hậu, Hán Thiếu đế và em vua là Lưu Hiệp chạy trốn, bến đò Tiểu Bình bên sông Hoàng Hà thì bị Thượng thư Lư Thực dẫn quân đuổi kịp. Biết không thể thoát, Nhượng và một số hoạn quan nhảy xuống sông tự vẫn, những hoạn quan còn lại đều bị Lư Thực giết hết.
|
Đồng Quán trong phim Thủy Hử |
Chuyên quyền cậy công, làm điều bạo ngược
Đồng Quán (1054-1126) người kinh thành Khai Phong, tịnh thân vào cung làm thái giám từ nhỏ dưới trướng đại thái giám Lý Hiến. Quán khỏe mạnh nhanh nhẹn, kỹ xảo xoa bóp, bấm huyệt rất siêu, lại khéo nịnh bợ lấy lòng nên thái tử Thừa Thuận rất thích.
Điều lạ là Đồng Quán vẫn đầy đủ râu tóc như người thường, rất bảnh trai nên rất được các phi tần sủng ái. Thừa Thuận lên ngôi (Tống Huy Tông), Đồng Quán được trọng dụng, cho đứng đầu Ty Kim minh lo việc thu thập thư họa. Quán quen biết Sái Kinh, một người từng đắc tội không được tin dùng, nhờ có Quán nói giúp nên Huy Tông bỏ qua, sau đó còn đưa Sái Kinh lên làm Tể tướng.
Đồng Quán nhân lúc được Huy Tông tin tưởng, sai người lùng tìm, cướp bóc đồ cổ, thư họa cổ, những thứ quý lạ trong dân gian như ngà voi, sừng tê, kỳ hoa dị thảo, đá quý…dâng lên để lấy lòng, nhờ đó liên tục thăng tiến.
Khi xảy ra cuộc khởi nghĩa Phương Lạp (1120), Đồng Quán được giao làm Tổng chỉ huy dẫn 15 vạn quân đi đánh dẹp. Quán đã khéo sử dụng các tướng, dẹp loạn thành công, được vua phong làm Thái sư, sau làm Quảng Dương quận vương. Ông ta liên kết với Sái Kinh, đặt mình ngang các đại thần, hai người cấu kết với nhau bá chiếm đại quyền quân chính của triều đình Bắc Tống, Đồng Thái giám trở thành “Đồng Đại vương”.
Đồng Quán độc nắm binh quyền trong suốt 20 năm, nhiều lần Bắc Tống xảy ra chiến tranh với các nước Liêu, Kim, nhưng lần nào cũng thua, sức nước cùng kiệt nhưng binh quyền của Quán vẫn không suy suyển, cho thấy thủ đoạn giữ quyền cố vị của Quán cao đến mức nào.
Năm 1125, nhà Kim sau khi diệt Liêu bèn đem quân kéo xuống phía Nam đánh Tống; thế giặc mạnh, Đồng Quán không dám quyết chiến mà rút về Biện Kinh. Đầu năm 1126, Tống Huy Tông nhường ngôi cho con, lui về làm Thượng hoàng. Vua mới Tống Khâm Tông quyết đánh, thân chinh ra trận, giao Quán ở lại giữ kinh thành.
Quán không nghe, cậy mình được lòng Huy Tông nên mang quân bản bộ hộ tống Thượng hoàng chạy về phía Nam để lánh nạn. Về sau, Khâm Tông cho người bắt Đồng Quán đi lưu đày, nhưng vẫn chưa hả tức giận, vua sai quan Giám sát ngự sử Thượng Huy mang chiếu thư đuổi theo kể 10 tội trạng rồi xử tử Quán.../.
(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 62, ngày 18/7/2016)