Hoãn san tải bến xe Mỹ Đình

Chủ trương di dời một số tuyến xe ra khỏi bến Mỹ Đình nhằm mục đích san tải đã được các sở, ban ngành Hà Nội nhất trí, tuy nhiên, khi giờ G cận kề, quyết định này đã được hoãn lại.

Chủ trương di dời một số tuyến xe ra khỏi bến Mỹ Đình nhằm mục đích san tải đã được các sở, ban ngành Hà Nội nhất trí, tuy nhiên, khi giờ G cận kề, quyết định này đã được hoãn lại.

Thành phố nói “có”, doanh nghiệp nói “không”

Thống kê cho thấy, hiện tại Bến xe Mỹ Đình có hơn 200 DN kinh doanh vận tải hành khách đăng ký hoạt động. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 xe khách (ngày cao điểm tới khoảng 1.300 xe) ra vào bến này, chưa kể đến hơn 600 lượt xe buýt cùng với số lượng taxi chưa thống kê được.

Bến xe Mỹ Đình chỉ được thiết kế với công suất 600 - 700 lượt xe/ngày, nên chỉ sau gần 10 năm hoạt động, bến xe này đã và đang phải “cõng” lượng xe khách gấp đôi công suất thiết kế. Trong khi đó, Bến xe Yên Nghĩa  với vốn xây dựng hàng trăm tỷ đồng nhằm mục đích thay thế Bến xe Hà Nội lại vẫn ế ẩm nằm đợi khách.

Bến xe Mỹ Đình

Vì quá tải nên tại khu vực Bến xe Mỹ Đình xuất hiện tình trạng mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc vào một số thời điểm. Hiện tượng xe dù, bến cóc, dừng bắt khách không đúng nơi quy định suốt chiều dài tuyến đường vành đai 3gia tăng, gây bức xúc trong dư luận.

Từ tình hình này, vào đầu tháng 4, Sở GTVT đã kiến nghị UBND thành phố  phương án sắp xếp lại luồng tuyến tại bến xe Mỹ Đình. Những tuyến xe được Sở GTVT đưa vào tầm ngắm điều chỉnh là các tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) về bến xe Yên Nghĩa, tuyến đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình về bến Yên Nghĩa, Gia Lâm.

Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc điều chuyển kể trên phù hợp với hướng tuyến, ví như các tuyến đi các tỉnh phía Tây Bắc sẽ đi theo hành trình quốc lộ 6 vào bến xe Yên Nghĩa là hợp lý. Còn đối với các tuyến đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, sẽ đi theo đường 70 hoặc đường Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - đường trên cao vành đai 3... để vào bến xe Yên Nghĩa hoặc đi theo quốc lộ 1, cầu Thanh Trì; hoặc quốc lộ 39, quốc lộ 5 để vào bến xe Gia Lâm. Việc điều chỉnh này theo dự kiến được áp dụng từ ngày 6/5.

Chủ trương tưởng chừng tích cực đó đưa ra công luận đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của giới DN vận tải đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình; thậm chí một số DN, hiệp hội, Sở GTVT một số tỉnh đã gửi đơn phản ứng lên thành phố Hà Nội.

Với các hành khách thường xuyên sử dụng bến xe Mỹ Đình làm địa điểm lựa chọn cho mình khi biết được sắp phải ra một địa điểm đón chờ khách mới cách xa gần chục cây số cũng đã có những phản ứng không đồng thuận với dự định điều chỉnh này.

Quá tải “ảo” vì lộn xộn?

Tuy nhiên, ngày 18/4 thông tin chưa di chuyển một số tuyến xe  ra khỏi bến Mỹ Đình đã bất ngờ được Phó Chủ tịch TP. Hà Nội đưa ra. Gọi là bất ngờ bởi theo dự định trong buổi sáng 18/4, sẽ diễn ra cuộc họp bàn giữa các ngành về vấn đề này.

Theo đó, Phó Chủ tịch TP. Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo Sở GTVT lên phương án điều tiết tổng thể các tuyến xe khách liên tỉnh vào bến xe, đảm bảo sự đi lại thuận tiện và an toàn cho người dân, giảm ùn tắc giao thông.

Các nhà xe, hành khách nhận thông tin này không tránh khỏi cảm giác sung sướng bởi mới vừa ngày trước còn đang lo đếm từng ngày phải rời khỏi bến Mỹ Đình.

Trước khi có chủ trương dừng việc điều chuyển này, phóng viên đã có câu hỏi với ông Nguyễn Mạnh Tiến - Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe Mỹ Đình - về tính khả thi của việc điều chuyển của Sở và có phải bến đang lâm vào tình trạng quá tải. Trả lời câu hỏi, ông Tiến cho biết bến  rộng 34.600 m2, mỗi ngày có khoảng 950 xe xuất bến, cao điểm tăng lên 1.200 xe, trong khi đó công suất tối đa có thể lên tới 1.600 xe xuất bến mỗi ngày.

Ông Tiến cho rằng, tình trạng lộn xộn, mất trật tự đô thị chủ yếu do nhiều xe dù, bến cóc, xe ôm chèo kéo khách bên ngoài bến, chứ không thật sự quá tải trong bến.

Trở lại với một trong những lý do chính lúc đầu được Sở GTVT nêu ra về việc điều chuyển này là để tránh việc lộn xộn, nảy sinh các bến cóc. Tuy nhiên, điều đó có thể khẳng  định ngay rằng, khi người dân có nhu cầu, thì việc thay đổi bất hợp lý chắc chắn sẽ làm xuất hiện bến cóc, xe dù. Và như thế chắc rằng nếu như không có chủ trương tạm dừng việc điều chuyển các tuyến xe kia thì xe dù, bến cóc sẽ mặc sức lộng hành…

Sơn Bình

Đọc thêm