Cơ sở để triển khai hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi
Khi mới thành lập, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTG) hoạt động theo quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về BHTG, Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, Quyết định số 75/2000/QĐ-TTg về Điều lệ tổ chức và hoạt động của BHTG Việt Nam. Sau 5 năm hoạt động, cơ sở pháp lý cho hoạt động của BHTG Việt Nam được tiếp tục củng cố thông qua Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89.
Năm 2012, Luật BHTG số 06/2012/QH13 được thông qua, đánh dấu một bước tiến lớn cho hoạt động của BHTG Việt Nam, quy định rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của BHTG Việt Nam. Sau khi Luật BHTG có hiệu lực, các văn bản dưới Luật cũng đã được ban hành nhằm quy định những vấn đề cụ thể để triển khai Luật BHTG. Các văn bản này tạo nên khung pháp lý về hoạt động BHTG và BHTG Việt Nam.
Sau 8 năm Luật BHTG đi vào cuộc sống - một chặng đường mà BHTG Việt Nam đã ghi dấu ấn của tổ chức tài chính nhà nước được trao quyền thực thi chính sách BHTG, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền – vị thế của BHTG Việt Nam ngày càng được khẳng định, thể hiện trên nhiều mặt hoạt động.
Mục tiêu hoạt động của BHTG Việt Nam là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đây là những mục tiêu khái quát, tiến bộ và phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
|
Một số hoạt động tại chương trình trao giải cuộc thi Tìm hiểu về Bảo hiểm tiền gửi. |
Luật BHTG được ban hành quy định rõ ràng hơn về mô hình hoạt động của BHTG Việt Nam có nhiều đặc trưng của mô hình BHTG chi trả với quyền hạn mở rộng. Theo đó, Luật BHTG tiếp tục trao cho BHTG Việt Nam chức năng giám sát từ xa trên cơ sở các thông tin nhận được từ Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và báo cáo Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng, những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng; BHTG Việt Nam được tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hay tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ.
Quy định này đảm bảo cho BHTG Việt Nam thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và xác định rõ giới hạn của BHTG Việt Nam trong việc bảo đảm an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm đã tăng dần qua các năm từ mức 30 triệu đồng (Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về BHTG), lên đến 50 triệu đồng (Nghị định số 109/2005/NĐ-CP) và 75 triệu đồng (Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg). Tháng 7/2020, Chính phủ đã công bố Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo đó, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 125 triệu đồng.
Ngoài ra, BHTGVN cũng được trao nhiệm vụ mới, cụ thể hơn trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14 đã trao thêm chức năng, nhiệm vụ mới cho BHTG Việt Nam như cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ; tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt...
Năm 2019, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ cho BHTG Việt Nam trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các QTDND; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Sửa đổi, bổ sung Luật BHTG phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành
Tuy nhiên, để tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật BHTG, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động BHTG, cần xem xét bổ sung, chỉnh sửa một số quy định của Luật BHTG.
Cụ thể, cần bổ sung quy định cụ thể về các khoản tiền gửi được bảo hiểm, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm, ví dụ: tiền gửi ký quỹ, tiền của thẻ trả trước, tiền mua trái phiếu tổ chức tín dụng.
Xem xét lại việc quy định phí BHTG theo xếp hạng từng tổ chức tín dụng hay áp dụng mức phí đồng hạng. Bổ sung quy định về trường hợp được miễn nộp phí, gia hạn nộp phí BHTG.
Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo hướng sớm hơn. Về thời hạn trả tiền bảo hiểm, cần hướng tới rút ngắn thời hạn trả tiền để chi trả sớm hơn cho người gửi tiền nhằm ổn định tâm lý người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, người được bảo hiểm tiền gửi cần cung cấp đầy đủ thông tin về các khoản nợ tại tổ chức tham gia BHTG khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.
Cùng với đó, cần quy định rõ hơn về mô hình hoạt động của BHTG Việt Nam, do Luật BHTG hiện nay chỉ quy định tổ chức BHTG là tổ chức tài chính do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quy định về nguồn vốn, đầu tư, các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, các loại thông tin mà BHTG Việt Nam được tiếp cận v.v. cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của BHTG Việt Nam hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trở nên bức thiết thì vấn đề nâng cao vai trò của BHTG Việt Nam được đặc biệt quan tâm. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu cần thống nhất quy định của Luật BHTG với các Luật có liên quan, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Đây là tiền đề đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTG Việt Nam như quy định về cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt.