LỜI TÒA SOẠN:
Tại Báo cáo Tổng kết công tác năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022, Bộ Y tế đánh giá: Trong bối cảnh đặc biệt thách thức của năm 2021 (Đại dịch COVID-19 xuất hiện chưa có trong tiền lệ), hệ thống y tế, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn thể hệ thống, đặc biệt là các lực lượng y tế tuyến đầu đã hoạt động vượt mức giới hạn, trụ vững ngay trong những thời điểm thách thức nhất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một số vấn đề tồn tại tiềm ẩn của hệ thống y tế có cơ hội bộc lộ rõ. Trong đó, việc thực hiện các quy định về cơ chế giá thị trường, mua sắm còn vướng mắc, một số vụ việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế vi phạm pháp luật về đấu thầu xảy ra; thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý…
Với tinh thần xây dựng, Chuyên đề: “Thiết bị y tế - thực tiễn và pháp lý” trong số báo này nhằm góp thêm những góc nhìn đa chiều hướng tới hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực này.
Đáng tiếc trước những sai phạm
Cũng tại diễn đàn Quốc Hội, đại biểu đoàn Đồng Nai Nguyễn Công Long, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ ra thực tế "rất đáng lo ngại" thời gian qua khi nhiều bác sĩ vướng vào vòng lao lý.
“Không còn gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người là tinh hoa của đất nước. Trong một xã hội mà nhiều người đang được coi là lực lượng chủ lực, những người được xã hội nể trọng, danh xưng cao quý là người thầy, thì đây là hiện tượng rất đáng lo ngại” - ông Long nêu quan điểm.
Đại biểu Long cho rằng đã đến lúc cần phải nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng hạn chế yếu kém trong quản lý điều hành.
“Có lẽ khi thông qua Luật hình sự 2015, các nhà làm luật không hình dung được tội phạm kinh tế có sự chuyển hóa như vậy. Chủ thể vi phạm kinh tế không chỉ là những người hoạt động kinh doanh mà còn là cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Vậy những vi phạm của bác sĩ trong quản lý điều hành hệ thống bệnh viện công lập có nguyên nhân từ bất cập pháp luật trong quản lý điều hành của ngành y tế hay không?" - ông Long đặt câu hỏi.
“Chúng ta không phải thấy cảnh một bác sỹ phải vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng lẽ bác sỹ không phải làm hoặc không được làm” - đại biểu Nguyễn Công Long, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. (Ảnh Trung tâm Báo chí Quốc hội) |
Theo đó, đại biểu đề nghị cùng với việc xử lý nghiêm sai phạm cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý điều hành lĩnh vực y tế, nhất là hoàn thành quy định bệnh viện công, ngăn ngừa hiệu quả hành vi vi phạm, để không thấy cảnh bác sĩ sẽ phải vướng vào vòng lao lý.
Là người trực tiếp công tác trong ngành, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, một vị lãnh đạo ngành Y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý, điều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi sau lại khó vô cùng.
Theo đại biểu, một Giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc người đó đã nắm vững những vấn đề về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân từ việc thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện. Bác sĩ làm chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đã làm quản trị tốt.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn TP.Hà Nội đặt vấn đề đến những cơ quan chức năng, có chuyên môn về quản lý kinh tế thanh tra, kiểm toán hàng năm mà không phát hiện ra những đơn vị đó sai phạm, vậy thì làm sao các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án và giáo án phát hiện ra việc làm như thế đúng hay sai để tránh. Nếu như phát hiện ra sai phạm từ trước, ngăn chặn, cảnh báo thì sẽ không xảy ra những hậu quả như vừa qua.
Không phải do cơ chế
Làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thời gian vừa qua, tình trạng đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp, nhất là tại các bệnh viện lớn, đã bị lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.
Tại sao cơ quan dân cử, giám sát thường xuyên không biết?
"Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nghị quyết rất cụ thể về mua sắm công, nhất là trong lĩnh vực mua sắm thuốc, kit test, vật tư, trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt, tại sao lại có một số địa phương khác lại không mua sắm được, tình hình "4 tại chỗ" cũng rất hạn chế. Quốc hội cho phép mua đặc thù, đặc cách, Chính phủ cũng quy định rất cụ thể nhưng một số địa phương không dám mua và ngược lại không ít địa phương mua lại có sai phạm.
Tuy nhiên, sai phạm đó được phát hiện qua điều tra, qua các cơ quan chức năng chứ vai trò giám sát tại chỗ của HĐND cần phải rà soát lại và rút kinh nghiệm cụ thể. Những việc như vậy tại sao cơ quan dân cử, giám sát thường xuyên không biết, đấy là điều cần phải hết sức suy nghĩ",
- Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc) sáng 21/02/2022.
Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng quán triệt quan điểm của Tổng Bí thư là “phát hiện một vụ, cảnh tỉnh một vùng”, trong đó công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn các khâu đột phá, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác động cảnh tỉnh, răn đe.
“Qua các vụ vi phạm này, có dư luận rằng những vi phạm này là do lỗi cơ chế. Bộ Công an khẳng định không phải do cơ chế mà là các đối tượng lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra đã yêu cầu là phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong từng vụ việc, chứng minh được yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng để xử lý như thông đồng với nhà thầu trong mua máy móc, thiết bị, đẩy giá lên để ăn chia nhau”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Qua những vụ việc này, Bộ Công an kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra quá trình tham mưu, quy trình đầu tư, công tác triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm; các bộ ngành nghiên cứu đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp cấu kết, thông đồng với các cơ quan, đơn vị nâng giá, trục lợi. Bộ Công an cũng tiếp tục điều tra, xử lý các vi phạm này.
.