Viên Thế Khải người Hán, quê Hạng Thành, tỉnh Hà Nam, là nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, đồng thời là thủ lĩnh quân phiệt Bắc Dương, được đánh giá là có cống hiến quan trọng trong việc hiện đại hóa chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa và khôi phục văn hóa truyền thống của người Hán, là người đặt nền móng cho nền tư pháp hiện đại của Trung Quốc, có tác dụng then chốt trong việc thành lập chính thể Trung Hoa Dân quốc.
Các sử gia đánh giá về Viên Thế Khải: “Ông là một chính trị gia có tài, thông minh, biết tổ chức, mưu mô, cương quyết, có bản lĩnh, có thủ đoạn; chỉ tiếc rằng ông ham quyền quá, nhiều tham vọng quá, không dùng tài mình vào việc giúp nước, mà chỉ để nhắm cái ngai vàng...”.
Ngày 6/6/1916, Viên Thế Khải đột ngột qua đời ở tuổi 57 sau khi làm hoàng đế được 83 ngày. Đối với một chính trị gia, tuổi này đang là thời kỳ sung mãn, chín chắn nhất.
Xung quanh cái chết của Viên Thế Khải, có rất nhiều truyền thuyết: có ý kiến cho rằng do ông quá uất ức vì bị các đối thủ chính trị chén ép, buộc phải từ bỏ giấc mơ làm hoàng đế; nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông chết vì uống sữa người, bị đầu độc bởi Thạch tín; lại có ý kiến khẳng định ông chết vì hoang dâm quá độ.
Viên Thế Khải khi xưng đế |
Những người ở cạnh Viên Thế Khải thời đó kể rằng: ông thường luôn miệng nhai nhân sâm và lộc nhung, lại còn nuôi hai vú em, hàng ngày vắt sữa để cho ông uống. Về chuyện phòng the, Viên Thế Khải “thê thiếp hàng đàn”, có tới mấy chục người. Theo một tài liệu thì ông có chính thức 1 chính thất (vợ chính thức), 9 người thiếp (vợ lẽ) và có 32 người con.
Người vợ cả quê mùa, ít học – phu nhân trên danh nghĩa
Cuối năm 1876, Viên Thế Khải cưới Vu Thị khi ông 17 tuổi. Vu Thị là con gái nông thôn cùng quê Hà Nam. Tuy là con nhà giàu, nhưng Vu Thị học hành ít, không hiểu biết nhiều về lễ phép, phong tục, sau khi kết hôn, tình cảm 2 người không tốt lắm.
Sang năm thứ 2, Vu Thị sinh hạ được con trai, đó là Viên Khắc Định, con trai trưởng của Viên Thế Khải. Sau khi bà sinh được con trai, Viên Thế Khải liền ghẻ lạnh, nên Vu Thị từ đó chỉ đóng vai trò “bà chủ”, không sinh nở thêm nữa. Sau khi Viên Thế Khải làm quan cho triều đình nhà Thanh, Vu Thị vẫn ở lại quê nhà Hạng Thành; mãi đến khi Viên Thế Khải được bổ nhiệm làm Tuần vũ Sơn Đông, cho đón mẹ tới Tế Nam, bà mới đi cùng đến sống cùng nhà với chồng.
Từ khi đón Vu Thị về ở cùng cho đến khi quay trở lại kinh thành làm Quân cơ đại thần kiêm Ngoại vụ bộ thượng thư, Viên Thế Khải chỉ thừa nhận Vu Thị là phu nhân trên danh nghĩa, không giao cho bà quản lý gia sự, cũng chẳng ở chung phòng. Dù sao, cứ như thế, họ đối xử với nhau rất khách khí, triều đình nhà Thanh vẫn phong cho Vu Thị là “Nhất phẩm Cáo mệnh phu nhân”.
Sau khi Viên Thế Khải lên làm Đại Tổng thống, vào ở trong Trung Nam Hải, Vu Thị cũng vào theo. Tại phía sau Diên Khánh Lâu của Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải có một tòa viện lớn gồm 3 nhà gọi là Phúc Lộc Cư, Vu Thị cùng vợ con Viên Khắc Định sống ở đó. Vu Thị ở nhà trước, các người vợ và con của Viên Khắc Định ở nhà giữa, nhà sau là nơi ở của những người hầu.
Khi đó, theo thói quen, cứ 3-5 ngày thì Viên Thế Khải lại đến nhà của Vu Thị ngồi một lát. Khi gặp nhau, Viên Thế Khải nói: “Thái Thái, chào bà”; Vu Thị trả lời: “Đại nhân, chào ông!”. Họ hỏi han nhau vài câu lấy lệ, thế là kết thúc cuộc gặp lấy lệ.
Một lần, vào dịp năm mới dương lịch, công sứ và phu nhân các nước theo lễ tiết ngoại giao tới Phủ Tổng thống chúc tết, sau đó muốn chúc tết phu nhân Tổng thống, Viên Thế Khải buộc phải để cho Vu Thị tham dự buổi tiếp khách. Hôm đó, Vu Thị mặc bộ lễ phục váy đỏ, áo choàng đỏ để nhận lời chúc mừng của quan khách.
Viên Thế Khải xưng Hồng Hiến Hoàng đế |
Nào ngờ, giữa chừng bỗng có một vị công sứ bước tới trước mặt, muốn bắt tay Vu Thị. Vu Thị không biết nghi thức này nên rất sợ hãi, lập tức lùi lại, miệng “hừ” và giấu tay về phía sau. Vị khách thấy phu nhân Tổng thống mặt biến sắc, động tác bất thường, bất giác đứng như trời trồng không hiểu vì sao, sau đó vội cùng vợ lui về phía sau.
Thấy tình cảnh đó, Viên Thế Khải bèn quy định từ nay về sau phàm là tiếp khách cần có Vu Thị tham dự thì phải có 2 cô con gái thứ 2 và thứ 3 đứng cùng để trả lời thay, không để Vu Thị nói câu nào và cũng không để cho bà có bất cứ động tác nào bất thường để tránh xảy ra tình hình khó xử.
Thẩm Thị - người thiếp thứ nhất xuất thân gái lầu xanh
Năm 22 tuổi, Viên Thế Khải quyết định “bỏ văn tập võ”, đi theo Ngô Trường Khánh. Trước đó, ông đến Thượng Hải để mưu nghiệp, một mặt muốn thưởng lảm phong cảnh Thượng Hải, mặt khác cũng cảm thấy ở đây cơ hội thành đạt nhiều hơn. Thế nhưng, ở đây trong thời gian dài mà ông vẫn không làm nên trò trống gì. Ở trọ trong một lữ điếm, do buồn chán, ông tìm đến chốn lầu xanh để giải khuây.
Do vậy, ông quen biết với một kỹ nữ nổi tiếng tên Thẩm Thị, quê Tô Châu. Đó chính là người thiếp đầu tiên mà sau này Viên Thế Khải cưới về, gọi là “Đại di thái thái” (Thiếp thứ nhất). Sau khi kết giao với Thẩm Thị, Viên Thế Khải ngày càng gắn bó với người đẹp. Thẩm Thị khuyên ông nên sớm rời Thượng Hải để tìm lối thoát khác, rồi bỏ tiền giúp đỡ, cổ vũ Viên Thế Khải sớm thành đạt. Trước khi rời xa nhau, Thẩm Thị tổ chức tiệc rượu chia tay.
Nàng nói, sau khi Viên Thế Khải đi, sẽ bỏ tiền tự chuộc mình rồi rời khỏi kỹ viện, hy vọng sau này ông công thành danh toại, đừng phụ tình nhau. Những lời đó khiến Viên Thế Khải cảm động, sau khi thề thốt với trời đất, hai người gạt lệ chia tay nhau. Về sau, sau khi Viên Thế Khải đã có chỗ đứng ổn định ở Triều Tiên, quả nhiên đã cho đón Thẩm Thị tới Hán Thành (Seoul ngày nay) và cưới làm người thiếp thứ nhất.
Viên Thế Khải và chính thất Vu Thị |
Trong 12 năm ở trên đất Triều Tiên, Viên Thế Khải còn cưới thêm 3 cô vợ người xứ này nữa. Về xuất thân của 3 người này có nhiều giả thuyết. Có người nói đó là 3 ca kỹ do Quốc vương Triều Tiên ban cho; lại có giả thuyết nói đó là 3 y tá chăm sóc Viên Thế Khải trong thời gian ông ta bị bệnh, sau khi khỏi bệnh, Quốc vương Triều Tiên đã tặng họ cho Viên Thế Khải…/.(Mời xem tiếp số sau)