Hoang mang khi số bé trai ngày càng xa cách bé gái

Bất bình đẳng giới sẽ dẫn đến coi trọng nam hơn nữ, mong muốn có con trai để “nối dõi tông đường” và sự hiểu biết thiên lệch về giá trị con trai và con gái cũng sẽ dẫn đến tâm lý muốn có con trai để đề phòng rủi ro; mong muốn có con trai tạo ra sức ép đối với bà mẹ chỉ toàn sinh con gái, đặc biệt khi biết thai nhi là gái, các cặp vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến quyết định phá thai…

Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh (MCBTSGTKS) ở nước ta là một thực tế rõ ràng và đã được cảnh báo từ trước. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tỷ lệ sinh con trai, con gái vẫn ngày càng cách xa nhau…

Gia tăng bất thường trẻ nam…

Theo Tổng Cục Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS –KHHGĐ), tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) có hiện tượng tăng bất thường, đặc biệt là từ sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 đến nay.

Trên phạm vi cả nước, TSGTKS năm 1999 chỉ là 107 thì đến năm 2006 đã tăng lên 110 và năm 2007 là 111,6. Năm 2008 đã tới mức 112 và theo dự báo, trong thời gian tới, TSGTKS ở nước ta còn tiếp tục tăng. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của MCBTSGTKS.

Hình minh họa
Hình minh họa

Điều đáng lưu ý là, năm 2006 chỉ có 19 trong số 64 tỉnh, thành phố có TSGTKS từ 110 trở lên thì đến năm 2007 đã tăng lên 35 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính này. Nhiều tỉnh/thành phố có TSGTKS rất cao vào năm 2007 như Hưng Yên là 129 ; Bắc Ninh, Thanh Hóa là 122; Hải Dương là 120; Kiên Giang, Bắc Giang là 118…

Phú Thọ là một tỉnh có tình trạng MCBTSGTKS đang ở mức cao, xảy ra ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, TSGTKS của Phú Thọ cao hơn trung bình cả nước.

Theo báo cáo của hệ thống dân số các huyện, thành thị về số trẻ em sinh trong 5 năm 2006-2010 cho thấy tất cả các đơn vị đều có TSGTKS cao trên mức bình thường. TSGTKS bình quân 5 năm của toàn tỉnh là 118,3; các huyện có tỷ số cao là Thanh Ba 128,1, Thanh Thủy 127; Cẩm Khê 125; Yên Lập 120. TSGTKS 8 tháng năm 2011 toàn tỉnh vẫn cao 115,3.

Khảo sát ở 9 xã thuộc 3 huyện cũng cho thấy TSGTKS ngay từ con thứ nhất đã rất cao, có nơi trên 200, xu hướng lựa chọn giới tính thai nhi xuất hiện ngay từ lần sinh thứ nhất. Đây là điều cảnh báo của nguy cơ MCBGTKS nghiêm trọng sẽ diễn ra trong tương lai ở các địa phương trong tỉnh.

Nằm trong hoàn cảnh trên, các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đang hoang mang tìm cách xoa dịu tình hình. Bận rộn với hàng chồng tài liệu chuẩn bị cho buổi truyền thông xuống cơ sở, ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ TP.Hà Nội lo lắng cho hay, TSGTKS của TP bắt đầu  tăng lên từ  năm 2006.

Từ năm 2009 đến nay ở mức 115, 116 và 117, hiện nay là 116/100, tập trung ở hầu hết các huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín, Đan Phượng, Mỹ Đức… Thậm chí, một số phường ngoại ô của quận Tây Hồ cũng bắt đầu có sự MCBTSGTKS.

Truy tìm “thủ phạm”

Qua điều tra, xác minh nguyên nhân của tình trạng MCBTSGTKS ở hai địa phương trên so với tình hình chung của cả nước đều có cùng lý do. Tựu trung lại, Bác sỹ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục DS – KHHGĐ nhận định, tình trạng MCBTSGTKS tập trung ở một số nguyên nhân:

Đầu tiên phải kể đến là sự bất bình đẳng giới. Hiện nay, theo Bác sỹ Phương, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại cả trong ý thức và hành động của một bộ phận dân cư được coi là nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Nguồn gốc sâu xa của bất bình đẳng giới là: Việt Nam là một xã hội thuộc châu Á, với chế độ gia tộc phụ hệ truyền thống, con theo họ của bố, con trai mới được nối dõi tông đường, mới được vào nơi thờ tự..., đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ.

Bất bình đẳng giới sẽ dẫn đến coi trọng nam hơn nữ, mong muốn có con trai để “nối dõi tông đường”; sự hiểu biết thiên lệch về giá trị con trai và con gái cũng sẽ dẫn đến tâm lý muốn có con trai để đề phòng rủi ro; mong muốn có con trai tạo ra sức ép đối với bà mẹ chỉ toàn sinh con gái, đặc biệt khi biết thai nhi là gái, các cặp vợ chồng sẽ dễ dàng đi đến quyết định phá thai…

Cùng với đó, do chế độ an sinh xã hội còn hạn chế, chưa đảm bảo, đặc biệt là người già không được hưởng lương hưu, dẫn đến tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính; con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, con gái khi lấy chồng sẽ không sống trong gia đình của mình, không thể thường xuyên đỡ đần cho cha mẹ đẻ.

Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con trai để có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già. Rồi hiện nay, do dịch vụ siêu âm sẵn có, dễ tiếp cận và chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ là điều kiện thuận lợi để những người cung cấp dịch vụ siêu âm thông báo “tế nhị” cho các bà mẹ biết giới tính thai nhi là trai hay gái.

Khi biết kết quả siêu âm là con gái cộng với việc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, nhiều cặp vợ chồng có thể quyết định nạo phá thai. Điều này đã trực tiếp gây ra tình trạng MCBTSGTKS.

Còn rất nhiều nguyên nhân khách quan khác dẫn đến tình trạng này. Kéo theo đó là những hậu họa vô cùng lớn về sau này, nếu như chúng ta không có chiến lược và giải pháp tối ưu để hạn chế và ngăn ngừa kịp thời.

Biết là sẽ khó khăn và rất nhiều thách thức, nhưng để  bảo vệ giống nòi, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là tránh tình trạng phải “nhập khẩu” cô dâu như thực tế các nước Hàn Quốc, Trung Quốc…, chúng ta phải bắt tay vào làm ngay, đừng để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý, e quá muộn.

Lâm Hùng

Đọc thêm