Hoang mang vì lời đồn người "theo nhau" chết do "thần núi giáng họa"

Núi Lim (còn gọi núi Con Lợn) nằm trên địa bàn làng Vạn Chánh (thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) hàng trăm năm qua bạt ngàn gỗ lim mà không ai dám vào khai phá. Ba năm trước đây, ngọn núi bị san phẳng. Sau đó, liên tiếp những chuyện thương tâm xảy ra. Người ta hoang mang nhìn nhau: "Thần linh giáng họa"?.

Núi Lim (còn gọi núi Con Lợn) nằm trên địa bàn làng Vạn Chánh (thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) hàng trăm năm qua bạt ngàn gỗ lim mà không ai dám vào khai phá. Ba năm trước đây, ngọn núi bị san phẳng. Sau đó, liên tiếp những chuyện thương tâm xảy ra. Người ta hoang mang nhìn nhau: "Thần linh giáng họa"?.

“Thần núi giáng họa”?

Những cao niên trong làng kể lại, khi người xưa mới tới khai phá vùng đất này, thấy trên núi rừng lim bạt ngàn nên đặt luôn tên là núi Lim. Sau đó, từ các ngọn núi khác nhìn sang, thấy hình dáng ngọn núi giống một con lợn đang nằm chúi đầu, hướng ra bờ sông Kinh Thầy, người ta tiếp tục gọi núi bằng cái tên dân dã: Núi Con Lợn.

Núi Con Lợn nay chỉ còn lại 3 gò đất
Núi Con Lợn nay chỉ còn 3 gò đất.

Sinh sống quanh khu vực ngọn núi là dân cư thuộc khu 5 và khu 6, làng Vạn Chánh. Người làng cho biết chỉ mấy trong mấy năm gần đây, căn bệnh ung thư bỗng hoành hành tại địa phương. Hàng chục người chết, nhiều người mắc phải căn bệnh vô phương cứu chữa.

Không chỉ thế, trong 3 năm liên tiếp, làng quê vốn yên bình đều xảy ra những án mạng thương tâm. Năm 2011, có người phụ nữ trung niên sống ngay dưới chân núi con Lợn bị sát hại. Hung thủ tẩm xăng đốt xác phi tang. Kẻ thủ ác chẳng ai khác, chính là người tình mới 22 tuổi của nạn nhân. Vì biết nạn nhân có nhiều tiền, vàng nên đã chủ định ra tay giết người cướp của. Hung thủ sau đó phải chịu án chung thân.

Sang năm 2012, dân làng lại rúng động vì một thảm án khiến 3 người trong một gia đình mất mạng. Người chồng say mê cờ bạc, không chịu tu chí làm ăn. Người vợ quyết định ly hôn nhưng anh chồng không đồng ý. Một ngày, anh ta quấn mìn quanh người đến gặp vợ con đòi nối lại tình xưa.

Người vợ tưởng chồng chỉ dọa nạt, kiên quyết không chịu. Anh chồng cùng quẫn cho nổ mìn khiến cả hai vợ chồng cùng đứa con trai nhỏ thiệt mạng. Một số nhân chứng chứng kiến vụ việc, bị ám ảnh ghê sợ đến nỗi lăn đùng ra ốm cả tháng trời mới khỏi.

Đến đầu năm nay, một quán internet trong khu vực lại xảy ra vụ thanh toán của hai nhóm thanh niên. Một thanh niên sống trong khu 5 bị đâm, gục chết.

 

Những người tỉnh táo đều hiểu rằng các vụ trọng án đều xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống. Nhưng dân địa phương lại hoang mang cho rằng “thần núi giáng họa”. Một người làng trầm ngâm: "Dân thôn vốn hiền lành sao bỗng nhiên gây ra những việc tày trời đến thế. Biết đâu núi thiêng ám ảnh mới khiến người ta thay tâm đổi tính".

Dẫn chứng ghê gớm nhất cho việc thần núi nổi giận, người làng kể lại vụ nổ mìn kỳ lạ vào năm 2012, khiến 5 công nhân khai thác đá đều là dân địa phương mất mạng. Ngày hôm đó, 5 người đang leo lên vách núi, chuẩn bị nổ mìn phá đá thì bầu trời đột nhiên đổ cơn giông. Chưa kịp leo xuống, bỗng có tia sét đánh trúng vào kíp mìn. Một tiếng nổ long trời lở đất, khu vực núi đổ sụp, "nuốt" gọn cả 5 người xấu số. Sau đó, thân nhân phải thuê cả xe ủi, xe xúc, mới thu gom được phần nào thi hài về mai táng.

Liên tiếp những vụ việc thương tâm khiến dư luận hoang mang lo sợ. Người làng liên tưởng đến lời cảnh báo "cấm phạm vào núi thần" đã lưu truyền từ ngày xưa. Nhiều người cho rằng những đen đủi đó không phải ngẫu nhiên, mà do “thần núi Lim” “trừng phạt”.

Cùng lật giở những truyền thuyết tại địa phương để hiểu vì sao người dân có suy nghĩ này.

Không nên hoang mang vì những lời đồn vô căn cứ

Người xưa cho rằng dáng chú lợn béo tròn lại đang nằm thể hiện sự no đủ, thảnh thơi. Cụ Chương Văn Quyên (79 tuổi, ngụ Khu 5) nhớ lại: “Truyền thuyết cho rằng núi có một “vị thần” trú ngụ, phù hộ cho sự no ấm, yên bình của người dân địa phương. Từ ngày tóc còn để chỏm, tôi đã nghe các cụ dặn dò: “Nếu phá ngọn núi này, người làng đóng áo quan không kịp” nên chẳng ai dám trái lời”.

Sau nhiều năm chiêm nghiệm, những cao niên cho rằng những lời truyền lại của người xưa đều “linh ứng”. Năm nào cây trên núi xanh tươi, dân làng an lành, thịnh vượng. Năm nào rừng cây cằn cỗi, việc làm ăn sẽ không thuận buồm xuôi gió, nhiều người làng gặp tai ương hoạn nạn.

Một ngôi miếu “trấn yểm” ngọn núi xưa kia
Một ngôi miếu “trấn yểm” ngọn núi xưa kia

Một biến cố xảy ra cách đây dù nhiều năm, nay vẫn được người làng kể lại. Khi đó, vì điều kiện sống khó khăn, vài người làng tìm đến khu vực chân núi san đất làm nhà. Tiện thấy bạt ngàn gỗ lim trên núi, quên lời của cổ nhân, bèn khai thác về xây nhà dựng cửa.

Ngay sau đó, nhiều điều kỳ lạ xảy ra. Đầu tiên, những người trực tiếp chặt lim đều lăn ra ốm đau không rõ nguyên nhân. Có người đang khỏe mạnh bỗng lăn ra đột tử. Chưa hết, những gia đình sống trong các ngôi nhà bằng gỗ lấy từ rừng trên núi đều ăn không ngon, ngủ không yên.

Hàng chục người luôn mơ một giấc mơ giống nhau: Thấy một đàn lợn về “đòi của”, nếu không sẽ bắt thế mạng. Quá sợ hãi, các gia đình “trót dại” chặt lim đã phải góp tiền, nhờ một “pháp sư cao tay” hóa giải “cơn giận của thần núi”.

Theo lời phán, họ lập miếu thờ ở hai phía của ngọn núi, sau này, người dân gọi là "miếu đầu lợn" và "miếu đuôi lợn". Lưng chừng núi cũng phải lập miếu thờ “tạ lỗi với thần”. Việc xây 3 ngôi miếu diễn ra nhiều tháng ròng, đến khi hoàn thành, các gia đình "phạm thượng" thần núi mới được yên ổn trở lại.

Từ ngày có 3 ngôi miếu, hàng tháng, dân làng đều tìm đến hương khói, mong được thần núi chở che. Tập tục đó được truyền lại cho đến tận bây giờ. Người làng cho biết các ngôi miếu đều rất linh thiêng.

Để minh chứng, họ kể câu chuyện xảy ra vài chục năm trước. Khi ấy, vì miếu nằm sâu trong núi, người lạ chẳng mấy khi lai vãng nên dân làng không để ý canh phòng. Một ngày, mọi người hoảng hốt vì rất nhiều đồ thờ tự cổ đã bị lấy trộm. Biết chỉ có người địa phương gây ra nhưng không có chứng cứ nên dân làng đành chịu.

Một thời gian ngắn sau, những đồ thờ bị mất cắp bỗng trở về nguyên vị trí. Các cao niên đoán rằng kẻ trộm bí ẩn nào đó vì trộm đồ của “thần núi” nên bị giáng họa, sợ hãi mà phải tự động trả lại đồ thờ cúng.

Sự “linh thiêng” được dân làng truyền tai nhau hết đời này qua đời khác, không ai dám "phạm thượng" đến núi. Nhưng đến năm 2000, chính quyền địa phương ký kết bàn giao ngọn núi cho một công ty khai thác khoáng sản. Núi Con Lợn gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại 3 khoảng đất nhô cao, là nơi đặt 3 ngôi miếu ngày xưa. Ba năm trở lại đây, khi khu vực này đi vào khai thác, hàng loạt những đen đủi xảy ra với người địa phương. Dân làng hoang mang hỏi nhau: "Thần núi nổi giận giáng họa?".

Trước những tin đồn thổi trong người dân, ông Vũ Thanh Điệp, Chủ tịch thị trấn Phú Thứ, cho biết, núi Lim, hay còn gọi Núi con lợn bắt đầu đi vào khai thác trong 3 năm vừa qua. Việc ký kết khai thác tài nguyên do cấp trên quản lý. Các vụ trọng án xảy ra liên tiếp trên địa bàn là do nhiều mâu thuẫn từ các cá nhân.

Một thực tế là có khá nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong khu vực, khiến môi trường sống bị ô nhiễm. Bệnh nan y như ung thư xảy đến với người dân, có phần nào đó chịu ảnh hưởng của những tác hại đó.

"Tai họa nếu có đều xuất phát từ nguyên nhân con người, những truyền thuyết về một thế lực tâm linh nào đó giáng họa chỉ là những lời đồn đoán, không hề có căn cứ”, ông Điệp nói.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm