Sẵn sàng bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình yêu, những vụ đánh ghen kinh hoàng hay sẵn sàng chết vì… tình. Không dễ tin những những tình huống “cuồng yêu” này có thể xảy ra trong thế giới học trò.
Yêu cuồng
Ông bố gõ cửa trung tâm tư vấn tại quận 1, TPHCM không giấu được vẻ mệt mỏi sau hơn một tháng cô con gái 15 tuổi bỏ nhà theo bạn trai quen qua mạng. Ông kể, con gái mình từ nhỏ đến nay luôn là học sinh giỏi, rất ngoan ngoãn, đi học về chỉ quanh quẩn ở nhà chứ không chơi bời, ham vui như bạn bè cùng lứa.
Gần đây, gia đình mới phát hiện con gái sa sút học hành, cháu lầm lì, ít nói, đi học về là vào phòng riêng rất ít tiếp xúc với bố mẹ. Một hôm, gần 2 giờ sáng, ông thức dậy, thấy phòng con sáng đèn. Cửa phòng không khóa, ông bước vào, cô con gái “cuồng quay” trước máy tính không hề hay biết.
“Tôi không tin nổi vào mắt mình, cháu cởi áo khoe thân qua webcam với một người bạn trai qua chát, cậu ta cũng cho con bé xem những hình ảnh khoe hàng của mình”, giọng ông nghẹn lại.
Cô con gái lúc đầu hoảng hốt khi bị bố bắt quả tang chat sex. Ông bố không kìm được cơn nóng, cho con ngay một bạt tai và yêu cầu con phải ngừng ngay việc này. Ông không cho vợ biết chuyện, tưởng rằng sẽ nguôi nguôi thì một tuần sau con gái bỏ nhà đi, gửi lại cho bố tin nhắn: “Con sẽ đi theo anh ấy, bố mẹ đừng tìm mất công”. Sau đó, cháu liên lạc về và nói đang ở Tiền Giang với bạn trai, sống tại một nhà nghỉ.
Chị N.K.V, có con học lớp 8 ở Q.6, TPHCM cho hay vợ chồng chị cũng đang rối bời vì chuyện tình cảm của con gái. Có tình cảm với anh chàng lớn hơn hai tuổi, cháu dồn hết tiền tiết kiệm, thậm chí lấy tiền của bố mẹ mua rất nhiều quà cáp như quần áo, giày dép, đồng hồ đắt tiền gửi tặng cậu bạn nọ. Mới đầu còn giấu tên, sau đó cháu đã công khai danh tính.
Cháu bé còn biểu hiện tình yêu như lén chụp ảnh cậu bạn để về… ngắm, nắm lịch học và sinh hoạt của cậu ta để “bám đuôi”, gửi rất nhiều lời hẹn gặp mặt. Sau khoảng 3 tháng bạn gái “tấn công” như vậy, anh bạn kia đáp lại, hai đứa thường xuyên gặp gỡ, đi ăn uống…
Chị Vân không biết phải làm thế nào với con, nhất là khi cháu sao nhãng học hành, lo lắng mình sẽ bị “giật” người yêu vì cho rằng “rất nhiều đứa khác theo đuổi bạn trai mình”.
Có hôm chị nói bóng gió chuyện học trò yêu đương vớ vẩn, cháu phản ứng lại: “Mẹ đến lớp con xem xem, đầy đứa có người yêu. Tụi nó yêu đương, ghen tuông từ hồi lớp 6. Tuổi này chưa yêu có mà... lúa”.
Đắng lòng học trò chết vì tình
Hiện tượng học trò “cuồng yêu” không đơn thuần chỉ là thể hiện tình cảm của các em với nhau hay có phản ứng khi gia đình ngăn cản. Mà đau lòng hơn có không ít hệ lụy đau lòng như học trò đánh ghen kinh hoàng hay tự vẫn vì tình.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã cứu sống một nam sinh Đ.V.Th, 15 tuổi ở Tiền Giang khi em uống thuốc trừ sâu tự vẫn. Lý do Th. chọn cái chết khi mà cô bạn lâu nay Th. xem như người yêu khước từ chuyện tình cảm do gia đình muốn cô bé tập trung vào việc học. Quá suy sụp nên Th. hành động dại dột khi uống gần hết chai thuốc trừ sâu.
Sự việc được phát hiện kịp thời, tính mạng em được giữ lại nhưng sức khỏe của em rất đáng ngại, mấy tuần nay em vẫn nằm một chỗ, khó đi lại và không ăn uống được mấy.
Trước đó không lâu, em P.T.H, một học sinh lớp 8 ở Cà Mau làm người thân, thầy cô và bạn bè bàng hoàng khi treo cổ tự vẫn ngay cạnh bàn học của mình. Sau cái chết của em, mọi người phát hiện ra trong cuốn nhật ký của H. ghi lại những nội dung đau buồn vì chuyện tình cảm yêu đương được không suôn sẻ.
Dư luận lâu nay không khỏi ngỡ ngàng khi nhiều clip cảnh nóng xuất hiện trên mạng mà nhân vật chính là các em tuổi học trò. Không chỉ học sinh cấp 3 mà mới đây còn xuất hiện clip sex của học trò cấp 2 – lứa tuổi mà nhiều người vẫn nghĩ các em chỉ học và chơi. Nhiều vụ đánh ghen hãi hùng như chặn đường đánh, lột đồ tình địch cho chính học sinh gây nhất, nhất là các em nữ sinh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay học trò có xu hướng dậy thì sớm, dẫn đến nhiều thay đổi phức tạp về cơ thể lẫn tâm lý, các em quan tâm với người khác giới. Tình cảm lúc này chỉ là cảm tính nhưng các em thường suy diễn và nông cạn.
ThS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính TPHCM) nhấn mạnh, trẻ lứa tuổi mới lớn, các em cực kỳ bận tâm chuyện tình cảm nam nữ, vào những thời điểm nhất định các em xem “đối phương” là người cực kỳ quan trọng với mình nên có thể làm mọi cách để hiện tình cảm hoặc níu giữ tình yêu.
Tình cảm lúc này chỉ là cảm xúc đầu đời, các em dễ thay đổi từ thích người này sang người khác, người còn lại thất vọng và suy sụp nên dễ có hành vi dại dột. Khi sự giáo dục, quan tâm từ gia đình, nhà trường không theo kịp sự phát triển của các thì các em sẽ tự loay hoay tìm cách giải quyết cho mình, dẫn đến những câu chuyện đau lòng.
Khi có tình cảm nam nữ hay khi gặp rắc rối về tình cảm, các em có biểu hiện rất rõ. Cha mẹ phải nắm bắt được điều này để giúp đỡ con vượt qua giai đoạn này bằng cách thấu cảm, gợi mở giúp các em hiểu tình cảm lúc này đơn thuần là cảm xúc đầu đời, có thể thay đổi. Đồng thời, giúp con biết tình cảm nên thể hiện ở mức độ nào để giữ giá trị của mình. Ngoài ra sự chia sẻ, quan tâm của giáo viên để các em có những lời khuyên bổ ích để vượt qua giai đoạn đó cũng rất cần thiết. (ThS Phạm Thị Thúy) |
Theo Dân trí