“Trường học” tài chính đầu tiên của trẻ
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ và cha mẹ chính là người thầy đầu tiên giúp trẻ làm quen với tiền cũng như là người đi cùng con trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Hầu hết trẻ em có được kiến thức về tiền từ chính bố mẹ mình cũng như định hướng về tài chính của trẻ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ chính những thói quen của cha mẹ.
Dạy trẻ tiêu tiền là giúp trẻ tự kiểm soát và biết cách thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân, qua đó nâng cao khả năng sống tự lập. Do đó, kỹ năng tài chính cho trẻ cần được phổ cập rộng rãi ngay từ khi các em còn nhỏ. Một câu chuyện được chị Phạm Thị Hoài An, kế toán trưởng một công ty lớn tại Hà Nội, kể lại cũng rất đáng để các bậc cha mẹ tham khảo về việc dạy các con cách chi tiêu, tiết kiệm từ nhỏ.
Có hai con gái, gái lớn sinh năm 2003, gái bé sinh năm 2010, chị An cho biết: Từ khi các con 3 tuổi, chị đã nói để con hiểu rằng tiền để mua thức ăn hàng ngày, mua đồ dùng, quần áo phải do bố mẹ đi làm vất vả mới kiếm được. Khi con hơn 6 tuổi, trên đường đi, mỗi lần nhìn thấy một người làm nghề gì đó, tôi đều nói chuyện với con về những công việc họ làm, về đóng góp và số tiền họ thu được từ lao động.
Đến khi con gần 10 tuổi, mẹ lại nói chuyện về mức thu nhập trung bình giữa các vùng, giữa các nước. Đến năm 12 tuổi, cô lớn của chị đã có một chỉ vàng, một sổ tiết kiệm 2 triệu đồng mở bằng tên con, 3 triệu đồng chờ cơ hội hùn vốn đầu tư với mẹ.
Không chỉ dạy con kiếm tiền và biết tiết kiệm, chị còn dạy con tiêu tiền, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, chỉ cho con các giá trị không thể mua được bằng tiền như tính mạng, tình cảm gia đình, tình thân họ hàng và tình cảm bạn bè... Không những thế, chị cũng dạy con kiểm soát cán cân tài chính theo nguyên tắc: dành khoảng 70% thu nhập cho chi tiêu và 30% thu nhập để dự phòng, đầu tư.
Nhờ vậy, con chị khá tiết kiệm, mua gì cũng tính toán giá trị sử dụng, độ bền, không bị lôi cuốn bởi vẻ bề ngoài. Chị đúc rút, dạy con về tài chính nghe to lớn nhưng thực ra đó là những trao đổi giữa hai mẹ con, có thể nhân một sự việc vừa xảy ra hay quan sát thấy. Việc trao đổi có thể diễn ra trên xe máy mẹ đang đưa đón con đi học, trong bữa cơm tối, lúc xem thời sự, lúc mẹ đọc được một bài báo hay và chia sẻ cho con.
|
Trẻ nhỏ rất thích tự mua sắm cho bản thân |
Học cách dạy trẻ về kỹ năng tài chính
Có thể nói, dạy con hiểu về tiền hiện nay thực sự là điều cần và nên coi là một mục tiêu giáo dục, để những đứa trẻ lớn lên không bị “khiếm khuyết” về tài chính và rơi vào khủng hoảng tiền bạc, giúp các con có tương lai tươi sáng với những kiến thức vững chắc, biết cách giải quyết mọi khó khăn về tài chính trong tương lai. Để hiểu rõ hơn những kỹ năng cần thiết dạy cho trẻ trong việc quản lý chi tiêu, hãy cùng tham khảo kinh nghiệm của bà mẹ một số nước trên thế giới.
Tại Singapore, trẻ em được giáo dục về tài chính một cách rất bài bản. Tất cả các trường học trên đất nước Singapore, Giáo dục tài chính được dạy như một môn học chính khóa. Còn ở nhà, các bậc phụ huynh tại đảo quốc sư tử cũng có rất nhiều những phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp trẻ em nước này có một nền tảng rất tốt về tài chính ngay từ khi con nhỏ. Ví dụ, thay vì mua cho con những thứ mà con thích thì các bà mẹ Singapore lại cùng con lập một danh sách những thứ mà con thích và tính toán từng khoản tiền cho từng hạng mục.
Theo đó, mỗi tuần các con sẽ được trích 1/2 số tiền được bố mẹ cho để tiết kiệm cho kế hoạch lớn. Số còn lại các bé sẽ được tự quyết định để mua sắm những thứ mà mình thích. Một điều không kém phần quan trọng trong việc dạy trẻ cách tiêu tiền tiết kiệm là những bậc làm cha, làm mẹ tại Singapore luôn luôn làm gương cho trẻ.
Nếu như các mẹ Singapore dạy con quản lý chi tiêu qua những bản kế hoạch ngắn hạn và dài hạn thì các mẹ Nhật dạy con biết chi tiêu trong khả năng của mình. Các bé sẽ được bố mẹ cho tiền tiêu vặt vào ngày đầu tiên của tháng mới. Mức tiền tiêu vặt trẻ được nhận sau khi cha mẹ đã tính toán chi tiết mức chi tiêu, các khoản cần mua sắm theo mức sống tại khu vực họ đang sống. Trẻ phải tự chi tiêu cho cá nhân trọn vẹn ở trong đó từ mua đồ dùng lặt vặt cho học hành, mua sắm quần áo, giày dép, cắt tóc...
Nếu muốn mua khoản lớn thì các bé phải tiết kiệm hơn để có khoản lớn. Bằng những việc này, trẻ con dần dần hiểu được tiền nong không phải là vô giới hạn và phải biết chi tiêu trong khả năng của mình và biết hài lòng với khả năng đó. Tuy nhiên, để tránh sự lạnh lùng quá mức trong quan niệm về tiền nong, các bà mẹ Nhật khuyến khích các con khi cần vẫn nên chia sẻ với bạn bè, mọi người chứ không sòng phẳng quá.
Còn các bà mẹ Mỹ lại giáo dục kỹ năng tài chính cho con qua những “chiếc bình đựng tiền”. Cụ thể là 4 bình đựng tiền dán nhãn “donate, save, invest, spend” - “cho đi, để dành, đầu tư, chi tiêu”. Trong đó, bình “cho đi” là tiền bé dùng để cho người có hoàn cảnh khó khăn, bình “để dành” là tiền bé tiết kiệm trung hạn để mua các vật dụng mà chúng đã có kế hoạch mua từ trước như đồ chơi, bình “đầu tư” là tiền tiết kiệm dài hạn dùng cho việc thực hiện các ước mơ sau này của mình (như vào đại học, mở một cửa hàng nhỏ, đi du lịch xa) và bình “chi tiêu” là tiền có thể được tiêu tùy ý bé cho những nhu cầu hàng ngày (như mua bánh, kẹo, đồ ăn sáng… dưới sự giám sát của gia đình).
Mỗi tuần các bé sẽ được bố mẹ cho một khoản tiền nhỏ và được dạy cách phân bổ tiền vào 4 hũ và từ số tiền này, các bé có thể bắt đầu tự giữ và quản lý số tiền mình có. Tiền trong 4 chiếc bình sẽ được bỏ vào từ các khoản thu của trẻ (tiền tiêu vặt hàng tuần, tiền được tặng, được thưởng, tiền từ công việc làm thêm…) với tỷ lệ bình cho đi chiếm 10% số tiền; 3 bình còn lại mỗi bình chiếm 30% số tiền.
Cùng với điều này, một bà mẹ Mỹ, cũng là chuyên gia tài chính gia đình và trẻ em Neale S.Godfrey còn đưa ra lời khuyên: Hãy nói với các con rằng mẹ yêu con đơn giản là vì mẹ yêu con, còn trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ là cho con chỗ ăn ở. Ngoài ra, điều trẻ cần nhất ở cha mẹ là thời gian chứ không phải việc đáp ứng mọi yêu cầu về tiền bạc.