Mỗi năm Tết đến, Xuân về, người Việt Nam vẫn có thói quen dùng tranh chữ trang trí cho ngôi nhà trở nên rực rỡ để thêm nhiều phúc lộc và may mắn. Mỗi chữ được chọn để treo đều thể hiện khát vọng, ý chí, tâm nguyện của người chơi tranh đồng thời tôn vinh nghệ thuật thư pháp.
Đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở phường Văn An, TP. Chí Linh, Hải Dương. |
Thú chơi tranh chữ của người Việt nói chung là thế nhưng đến xin chữ ở đền thầy giáo Chu Văn An vừa kế thừa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc vừa có một ý nghĩa riêng.
Mọi người đều tâm niệm rằng những nét chữ đầu tiên của năm mới khi xin ở đền thầy Chu sẽ gửi gắm được nhiều mong muốn về sự tốt lành, may mắn, hạnh phúc, đồng thời cũng thể hiện được sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học hành cho con em mình luôn sáng trí và học tập tốt.
Những ngày đầu năm rất đông học sinh và du khách về đền thờ thầy Chu xin chữ, du xuân. |
Tương truyền, thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) là một nhà giáo lừng danh, chính trực thời Trần, quá nửa đời người thầy làm Tư nghiệp Quốc tử giám, học trò nhiều người thành đạt vang danh.
Theo sử sách, sau khi dâng “Thất trảm sớ”, tâu vua giết 7 tên nịnh thần không thành công, thầy về núi Phượng Hoàng (nay thuộc xã Văn An, TP. Chí Linh, Hải Dương) ẩn dật, dạy học, bốc thuốc và làm thơ để lại cho hậu thế.
Thầy Chu sống ở đây hơn mười năm đến khi mất năm 1370, hưởng thọ 78 tuổi. Sau khi qua đời, thầy được nhà vua tặng thụy hiệu là Văn Trinh, được học trò an táng tại đây và lập đền thờ gọi là đền Phượng Hoàng. Thầy còn được các sử gia và nhân dân tôn vinh là “Vạn thế sư biểu”.
Người đến đền phần lớn là học sinh. |
Sinh thời, thầy giáo Chu đã cho chữ nhiều người và khi về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (nay thuộc phường Văn An, TP. Chí Linh, Hải Dương) cũng vậy. Ở đây, chữ của thầy Chu được viết bằng mực son đỏ tươi. Son được lấy từ Giếng Son dưới núi.
Người làm quan được thầy cho chữ “Liêm”, chữ “Chính”, chữ “Tâm”, chữ “Đức”…; học trò được thầy cho chữ “Học”, chữ “Minh”, chữ “Trí”, chữ “Thành”… Người được thầy cho chữ như được cho một báu vật thiêng liêng, nâng niu suốt cuộc đời. Có chữ thầy như có thầy ở bên khuyến khích, động viên, nhắc nhở. Người xin chữ thầy bày tỏ tâm nguyện, hướng tới phấn đấu đạt được chữ đã xin.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu di tích ở núi Phượng Hoàng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Nhưng từ năm 1997, từng hạng mục công trình dần được khôi phục bằng tiền công đức của giáo viên và học sinh cả nước. Tại đây, còn nhiều dấu tích thời Trần và bia ký nói về sự nghiệp của thầy Chu và quá trình tôn tạo đền thờ thầy. Cuối triều Lê Trung Hưng, đền được xếp vào hàng Chí Linh Bát cổ.
Ngày nay, dù thầy giáo Chu đã đi xa chúng ta hàng trăm năm, nhiều cảnh vật, di tích ở núi Phượng Hoàng liên quan đến thầy cũng đã thay hình, đổi dạng. Nhưng nét văn hóa xin chữ ở đền thầy thì vẫn được bảo tồn qua nhiều năm.
Ai cũng mong muốn xin được xin thánh hiền ở đền thầy Chu. |
Khi di tích được trùng tu, tôn tạo thì nét văn hóa xin chữ ở đây cũng được khôi phục lại. Chữ vẫn được viết bằng màu mực son đỏ tươi. Đây cũng chính là điều độc đáo mà chỉ có ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An mà không một di tích nào có được.
Hàng năm, đền thờ thầy giáo Chu Văn đều tổ chức lễ khai bút đầu xuân. Lễ thường được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch (đây cũng là ngày thầy giáo Chu về núi Phượng Hoàng ở ẩn).
Nhưng vào những ngày đầu năm, các em học sinh hay du khách thập phương cũng đã nô nức về đền thầy giáo Chu xin chữ. Họ chọn chữ theo ý nguyện, đem chữ đặt trước linh vị thầy (trong Hậu cung). Quỳ xuống lạy thầy ba lạy, khấn rõ tên, tuổi, địa chỉ và tâm nguyện của mình rồi xin chữ đem về treo ở những vị trí trang trọng trọng ngôi nhà của mình.
Về với đền thờ thầy giáo Chu Văn An hôm nay, ngoài xin chữ, nhiều học sinh, du khách đến đây còn muốn xin lộc học hành, thi cử bằng cách dâng sách, vở, bút có biểu tượng “Chu Văn An linh từ” vào đền rồi xin về cho con cháu viết lấy khước. Những người may mắn đến đây chiêm bái vào dịp đầu xuân, lễ hội còn được “xin khước” trước linh vị thầy Chu.