MAG (tổ chức rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh) của Chính phủ Mỹ phối hợp với Sở Ngoại vụ Quảng Nam sáng nay tổ chức buổi giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và vật liệu chưa nổ cho học sinh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Hiền xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
|
Mô hình rà phá bom mìn MAG giới thiệu trước học sinh. |
Tại buổi lễ, có tất cả 545 học sinh của Trường THCS Nguyễn Hiền được MAG giới thiệu về những nguy hiểm của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Bà Portia, Giám đốc MAG Việt Nam cho biết, ngày 4/4 hàng năm được lựa chọn là Ngày nhận thức bom mìn quốc tế từ năm 2005. Mục đích của MAG là tiếp tục nhắc nhở về các khó khăn mà các quốc gia chịu ô nhiễm bom mìn đang phải gánh chịu, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía các nhà tài trợ.
“Quảng Nam là một trong những nơi diễn ra rất nhiều cuộc chiến tranh trên bộ cũng như chịu rất nhiều trận oanh tạc bắn phá từ trên không. MAG triển khai hoạt động tại Quảng Nam từ tháng 4/2012 bắt đầu từ huyện Thăng Bình và đến nay đã phát hiện 776 khu vực nguy hiểm có bom mìn”, bà Portia cho biết.
|
Những vỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh được trưng bày. |
Hoạt động chính của MAG là tại các khu vực đã từng hay hiện đang xảy ra chiến sự nhằm giảm thiểu thương vong do tai nạn bom mìn.
Tổ chức này cho biết, trong cuộc chiến giữa Mỹ và Việt Nam từ năm 1964 tới năm 1975, hàng triệu tấn bom đạn đã được quân đội Mỹ, hầu hết là thả từ máy bay. Bom chùm được rải khắp 55/64 tỉnh thành ở Việt Nam. Ngoài ra, có rất nhiều loại vật liệu khác được sử dụng tại các căn cứ quân sự trên mặt đất. Ước tính có 10 – 30% số lượng bom đạn không phát nổ.
MAG bắt đầu hoạt động tại Quảng Trị, Quảng Bình vào năm 1999 và sau đó tiếp tục tại Quảng Nam vào năm 2012.