“Học thành nhân”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong tập “Nhật kí trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu: “Hiền dữ đâu phải tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà ra”.
Yêu thương sẽ luôn nối tiếp yêu thương. (ảnh minh họa, nguồn: Huyền Nguyễn)
Yêu thương sẽ luôn nối tiếp yêu thương. (ảnh minh họa, nguồn: Huyền Nguyễn)

Người Việt Nam từ xưa đến nay, thường bị “bệnh thành tích”, vì vậy rất chú ý đến việc học tập, thi cử của học sinh. Tuy nhiên, trước khi thành những nhân tài, các em cần phải hoàn thành một bài học quan trọng nhất của cuộc đời, đó là học làm người.

Những lớp học không chỉ có lý thuyết

Có một câu chuyện rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đó là truyện ba lần chuyển nhà của mẹ triết gia Mạnh Tử - một trong những nhà tư tưởng lớn nhất Trung Quốc. Khi nhà của Mạnh Tử ở bãi tha ma, ông thường xuyên giả vờ khóc lóc như những người mà mình hay gặp. Mẹ ông thấy vậy, liền chuyển nhà ở sát chợ, ông lại bắt chước cân đo, đong đếm, kiếm tiền giống thương gia, lái buôn. Chỉ đến khi mẹ ông chuyển nhà đến gần trường học, ông dần trở nên ham học, lễ phép.

“Học thành nhân” có lẽ là một bài học khó nhất trong cuộc đời mỗi con người, đặc biệt là với học sinh. Bởi đây không phải là lý thuyết để các em học thuộc, hay dùng tư duy lý tính. Mà mỗi học sinh sẽ phải dùng cảm xúc, suy nghĩ, lòng trắc ẩn, thấu cảm để ứng xử với mọi người trong xã hội này.

Thực tế, mỗi môn học trong trường đều xuất phát từ cuộc sống, có ý nghĩa giúp đỡ con người. Như cô giáo Trần Thị Mỹ Dung, Trưởng dự án Văn hóa đọc Việt Nam của tổ chức Cộng đồng sống tử tế - GNH (TP HCM), đã từng có thời gian “gây bão” mạng xã hội nhờ một video tình cờ quay lại bài giảng Vật lý gắn liền với cuộc sống rất thiết thực.

Cụ thể, cô Dung đã nói về cơ năng giúp quạt quay để tạo ra gió làm mát cho con người. Nhưng cơ năng không nhất thiết được sinh ra từ cơ năng, mà con người dùng điện để tạo ra cơ năng cho quạt: “Vậy thì để giúp người ta sống tốt hơn, thoát nghèo, đâu phải chỉ cần các con cho tiền, người ta mới thoát được nghèo. Con có thể cho cái khác người ta cũng thoát được nghèo mà. Có thể cho tri thức, cho công sức, cho lời nói hay cho đạo đức,…”.

Cô Dung cho biết, bài học của cô thường gắn liền với đời sống thực tế. Để học sinh có thấy rằng, việc học những môn tự nhiên không khô khan, mà vẫn gắn liền với cuộc sống. Đối với cô, cách dạy này giúp học sinh bồi đắp tâm hồn, phát triển tư duy, để kiến thức của các em không chỉ nằm gọn trong một “vùng” lý thuyết.

Được người lớn tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu có ý nghĩa lớn với học sinh. (ảnh: TS Nguyễn Tùng Lâm (ngoài cùng bên trái), nguồn: THPT Đinh Tiên Hoàng)

Được người lớn tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu có ý nghĩa lớn với học sinh.

(ảnh: TS Nguyễn Tùng Lâm (ngoài cùng bên trái), nguồn: THPT Đinh Tiên Hoàng)

Hay như câu chuyện của thầy Nguyễn Quốc Việt, Tổng phụ trách ở Trường THCS Chu Văn An (tỉnh Đồng Nai), là người có phương pháp giáo dục rất thiết thực, sáng tạo. Tại trường, để giúp các em có thể hiểu được giá trị của công sức lao động, thầy đã “Ứng dụng nút dây trang trí trong mô hình thực hiện kế hoạch nhỏ”. Trong mô hình này, các em được dạy cách làm nút dây trang trí thủ công. Khi tan học, những em có nhu cầu sẽ cùng tham gia với các thầy cô. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, được thầy cô trong nhóm tìm nơi thu mua, số tiền lời trong việc bán những món đồ thủ công dùng để ủng hộ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, hoạt động này nhằm giúp học sinh hiểu được giá trị lao động, công sức của cha mẹ. Đây là một cách giúp các em kiếm tiền mà không bị kẻ xấu thao túng, lợi dụng.

Không chỉ dạy những bài học thiết thực, hay giúp đỡ học sinh tự trân trọng giá trị lao động. Việc học sinh được tôn trọng, lắng nghe cũng có ý nghĩa rất lớn. Đó là câu chuyện của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường đầu tiên không lựa chọn học sinh. Trường thành lập để nhận những em đã bị đuổi học, ngỗ nghịch đến mức không có nơi nào chấp nhận. Trường hoạt động với công thức Vft= d.t.h-x2. Chữ t là tận tâm, tận hiến với công việc, h là học hỏi, hợp tác, x2 là mọi xấu xí, như bon chen; không trung thực; không yêu thương, cần được loại bỏ.

Với tiêu chí này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường, Nguyên Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đã gắn bó, đồng hành cùng trường hơn ba mươi năm. Đối với ông, không một học sinh nào đáng bị bỏ rơi. Ông tin rằng bằng những giá trị nhân nghĩa, sự tôn trọng học sinh, thêm yếu tố về giáo viên giỏi, sẽ giúp được các em. Tại trường, học sinh không bị so sánh với bất kì ai khác, ngoài chính các em. Vào cuối năm, tiêu chí để học sinh tự đánh giá là khả năng tư duy, sáng tạo, lòng tự trọng, tự tin,… Vì đối với ông Nguyễn Tùng Lâm, dùng hạnh kiểm Trung bình/Khá/Giỏi là “dán nhãn” các em và phản giáo dục. Ngay cả khi học sinh trong trường vi phạm kỷ luật, cũng không bị viết bản kiểm điểm, mà phải suy nghĩ về hành động của bản thân, vì trường học không muốn “đếm” lỗi, mà muốn các em tự nhận thức, cũng như làm các hành động đúng đắn hơn.

Yêu thương nối liền yêu thương

“Học phải đi đôi với hành”, mọi lý thuyết sẽ mất đi giá trị, nếu như học sinh không thể ứng dụng và đem đến những lợi ích thiết thực nhằm giúp đỡ bản thân, mọi người trong xã hội. Như Kim Hương lớp 12A17 Trường THPT Thủ Đức, không chỉ là một học sinh xuất sắc, đạt giải thưởng lớn của thành phố, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, em còn là người rất tích cực trong các hoạt động.

Kim Hương chia sẻ, ngoài việc học, bố mẹ, đặc biệt nhà trường thường khuyến khích các em tham gia làm tình nguyện, từ thiện giúp đỡ mọi người. Cứ mỗi mùa hè, để không lãng phí khoảng thời gian vào những việc vô ích, như chơi game, dùng điện thoại quá nhiều, em thường tham gia chiến dịch “Hoa Phượng đỏ”. Đó là những hoạt động nhằm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong bệnh viện. Vì còn là học sinh, nên các em chỉ đóng góp sức lực bằng việc phát cơm từ thiện cho mọi người mỗi ngày.

Kim Hương cho biết, nhờ những mùa hè bổ ích như vậy, nên em hiểu được nỗi khổ, vất vả của rất nhiều người ở ngoài xã hội: “Điều này giúp em trân trọng cuộc sống hiện tại và luôn thầm cảm ơn ba mẹ đã mang cho em điều kiện sống tốt nhất”. Được truyền cảm hứng bởi điều thiện lành, Kim Hương thường xuyên đến chùa vào các dịp cuối tuần, để quét lá, lau dọn phụ giúp các sư, các vãi. Em cho biết, ngoài thời gian học thì em muốn cống hiến nhiều nhất cho xã hội.

Hay như câu chuyện của em học sinh Đoàn Thanh Trang, cựu học sinh lớp 12, tại một trường THPT ở Hà Nội chia sẻ trong Gala “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc”. Em cho biết thời còn học cấp hai, bản thân là một học sinh ngỗ nghịch, không bao giờ để thầy cô, bạn bè được học yên ổn trong bất cứ tiết nào khi có mặt Trang. Nếu thầy cô, bạn bè khi trách móc, hay nhắc nhở đều bị Trang chống đối, phản kháng. Thậm chí, đến bố mẹ còn từng bật khóc bất lực trước sự “đầu gấu” của em.

“Học thành nhân” là một bài học khó đối với mọi người. (ảnh: Đoàn Thanh Trang. -nguồn: chụp màn hình)

“Học thành nhân” là một bài học khó đối với mọi người. (ảnh: Đoàn Thanh Trang. -nguồn: chụp màn hình)

Mọi chuyện thay đổi, khi Trang bước vào cấp III, em được cô giáo gọi lên phòng làm việc. Thanh Trang cứ nghĩ bản thân sẽ bị trách mắng như mọi lần. Nhưng không, cô nói với Trang mỗi con người đều có một giá trị riêng, bản thân em là kết tinh đẹp đẽ, hạnh phúc nhất của cha mẹ. Chính vì vậy, Trang còn đáng giá hơn kim cương. Cô chủ nhiệm đã trao cho Trang chức lớp trưởng, vì cô tin vào bản thân Trang, những điều tốt đẹp tiềm ẩn trong con người em. Không phụ lòng cô giáo, Thanh Trang đã là cán bộ lớp tự tin, năng động được bạn bè yêu mến trong suốt ba năm THPT. Từ một viên than đá xấu xí, giờ đây em đã có thể trở thành kim cương lấp lánh, mỗi ngày em đều mong muốn được đi học, gặp bạn bè, thầy cô.

Hay đó là những câu chuyện của TS Nguyễn Tùng Lâm kể về các cựu học sinh của trường. Có một lần, khi đi taxi, thầy đã tình cờ gặp lại học sinh cũ, hiện làm tài xế. Em đã nói với thầy, cuộc sống mưu sinh ngoài đời không dễ dàng, khiến cho con người có thể làm nhiều việc xấu. Nhưng nhờ những năm tháng học trong trường, em đã chọn cách sống nghèo một chút, để giữ được giá trị của bản thân. Hay cũng có rất nhiều phụ huynh từng cảm thấy hổ thẹn khi phải cho con vào ngôi trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nhưng dần dần, họ hiểu rằng, kiến thức không phải là tất cả. Quan trọng là cách làm người, để học sinh có được sự tự tin, vui vẻ, khi hiểu rõ giá trị của bản thân, sống có trách nhiệm và có thể tự đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống này.

Đọc thêm